Trong khi Hà Nội vừa tạm dừng chặt cây và trước đó đã trồng một số cây vàng tâm trên phố Nguyễn Chí Thanh thì một số nhà lâm nghiệp khẳng định những cây đang được trồng thay thế tại Hà Nội không phải là cây vàng tâm mà là cây gỗ mỡ. Trước đó, trong đề án chặt hạ, dịch chuyển 6.700 cây xanh của TP.Hà Nội, cây gỗ vàng tâm được lựa chọn để thay thế trên nhiều tuyến phố, nhiều nhất trên đường Nguyễn Chí Thanh với 382 cây. (Xem chi tiết)
Chiều 21/3, kết quả xét nghiệm của 16 học sinh lớp 4B, Trường Tiểu học-Trung học cơ sở Xuân Thành (xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh) từ Viện Pasteur (Thành phố Hồ Chí Minh) cho thấy các học sinh này dương tính với chủng cúm A/H1N1. Chiều 20/3, đội y tế dự phòng huyện Đạ Tẻh đã tiến hành phun xịt, tiêu độc khử trùng trên diện rộng. Ban giám hiệu Trường Tiểu học-Trung học cở sở Xuân Thành cũng cho các lớp nghỉ học đến khi dập cúm thành công.
Khoảng 3 giờ sáng ngày 21/3, tại khu vực trước căn nhà số 43/1A tại ấp 7 xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TPHCM xảy ra cháy nổ rồi lan sang hệ thống dây cáp viễn thông làm đứt bó cáp, sau đó kéo ngã một cột điện xuống đường. Rất may không có ai bị thương. Vụ việc khiến nhiều hộ dân khiếp sợ tháo chạy ra ngoài đường đồng thời gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và kinh doanh buôn bán của người dân vì toàn bộ khu vực xã Xuân Thới Thượng bị mất điện.
Ngày 21/3, Nga đã lên án chính quyền Ukraine về thông tin Kiev triển khai vũ khí hạng nặng tại miền Đông Ukraine. Sau khi hãng Reuters công bố một đoạn video cho thấy vũ khí hạng nặng đang được quân đội Ukraine sử dụng tại đường tiếp xúc ở miền Đông Nam Ukraine, Bộ Ngoại giao Nga cho biết: "Các lời khẳng định của nhà chức trách Ukraine, rằng toàn bộ vũ khí hạng nặng của họ đã được rút đi, một lần nữa đã được chứng minh là bịa đặt".
Lầu Năm Góc trong tháng tới sẽ triển khai gần 300 lính nhảy dù tới khu vực phía tây Ukraine nhằm huấn luyện 6 tiểu đoàn vệ binh quốc gia tại đây. Sự hỗ trợ này là một phần trong nỗ lực của chúng tôi nhằm giúp duy trì hoạt động an ninh, quốc phòng của Ukraine. Kế hoạch trên được Washington công bố từ tháng 8 năm ngoái và dự định triển khai vào giữa tháng 3 vừa qua nhưng bị trì hoãn vì một số lý do. (Xem chi tiết)
Ngày 21/3, Đại sứ Nga tại Đan Mạch Mikhail Vanin nói rằng hải quân của Đan Mạch có thể bị tên lửa hạt nhân tấn công nếu nước này tham gia lá chắn tên lửa của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Lời đe dọa của Đại sứ Nga đã gây ra phản ứng giận dữ trong bối cảnh căng thẳng mang hơi hướng thời Chiến tranh Lạnh giữa Moskva và Phương Tây ngày càng leo thang.
Thủ lĩnh tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei ngày 21/3 đã cáo buộc Mỹ dùng sức ép kinh tế và "ức hiếp" để khiến nhân dân Iran chống lại sự lãnh đạo của Hồi giáo, qua đó nhấn mạnh sự ngờ vực từ lâu của ông đối với Washington - đối tác chính của Tehran trong cuộc đàm phán hạt nhân. Ông Khamenei cho rằng "các kẻ thù" muốn làm cho người dân Iran chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo này, được thành lập từ cuộc cách mạng năm 1979 qua đó lật đổ Vua Reza Pahlavi.
Mỹ đang sơ tán 100 binh sỹ đặc nhiệm còn lại khỏi Yemen trong bối cảnh tình hình an ninh ở quốc gia Trung Đông này ngày càng xấu đi. Nhóm đặc nhiệm trên là những binh sỹ Mỹ cuối cùng đồn trú tại Yemen. Họ có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động chống khủng bố nhằm vào al-Qaeda và các nhánh của tổ chức này. Mỹ đóng cửa Đại sứ quán tại Sanaa hồi tháng trước sau khi nhóm phiến quân Hồi giáo dòng Shi’ite Houthi giành quyền kiểm soát thủ đô của Yemen.
Một nhóm tự nhận là “Đơn vị tấn công thuộc Nhà nước Hồi giáo” đăng những tuyên bố bằng tiếng Anh cho hay, họ đã tấn công các máy chủ quân sự, cơ sở dữ liệu và email của Mỹ. Nhóm này còn tung tên, hình ảnh và địa chỉ của 100 binh sĩ Mỹ lên mạng để "những con sói đơn độc" có thể tấn công họ. Danh sách được lập dựa trên thông tin về những binh sĩ Mỹ tham gia chiến dịch không kích IS, xuất hiện trên các bản tin báo chí.
Nhân "Ngày Nước Thế giới" được tổ chức vào ngày 22/3 hằng năm, Liên hợp quốc đưa ra lời cảnh báo nếu không có những thay đổi mạnh mẽ, thế giới sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng nước có thể tàn phá các quốc gia có thời tiết nóng và khô hạn. Báo cáo thường niên mang tên "Phát triển Nước Thế giới" cho biết thế giới hiện vẫn có đủ nước để dùng nhưng sẽ thiếu 40% vào năm 2030 nếu không thay đổi mạnh mẽ cách thức sử dụng, quản lý và chia sẻ nguồn nước.