Bản tin 8H: Chủ tịch Quốc hội Phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với ông Nguyễn Hồng Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 97/2023/QH15 phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với ông Nguyễn Hồng Nam, Thẩm phán cao cấp, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 24/6/2023. Ông Nguyễn Hồng Nam, sinh năm 1968, quê xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, là Tiến sỹ luật. Trước khi được bổ nhiệm làm Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao Hà Nội, ông là Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La. Trước đó, chiều 24/6, với 473/479 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với ông Nguyễn Hồng Nam.

Bản tin 8H: Chủ tịch Quốc hội Phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ảnh 1
Tân Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hồng Nam. Ảnh: Báo Nhân dân.

Ngày 7/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định 815 thành lập Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cụ thể, thành lập Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở tổ chức lại Viện Khoa học môi trường (trực thuộc Tổng cục Môi trường) và Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam). Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; trụ sở tại TP Hà Nội. Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo.


Ngày 7/7, bà Vũ Thị Hà, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ, Hải Dương khẳng định, thông tin trên mạng xã hội Facebook về việc có 46 đàn ông trên địa bàn huyện đã quan hệ với một người phụ nữ nhiễm HIV là thông tin giả, không có thật. Theo Công an huyện Tứ Kỳ, trong ngày 7/7, trên một số diễn đàn của mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin 46 đàn ông trên địa bàn huyện quan hệ với một phụ nữ nhiễm HIV. Thông tin gây xôn xao và hoang mang trong dư luận. Công an huyện Tứ Kỳ làm rõ thông tin trên là sai sự thật và đã triệu tập đối tượng Phạm Văn Tuấn ở thôn Cập Thượng, xã Tiền Tiến, thành phố Hải Dương và 3 đối tượng khác là những đối tượng đã đưa thông tin giả trên lên mạng xã hội. Tại cơ quan công an, các đối tượng đã thừa nhận sai phạm và gỡ bỏ toàn bộ các thông tin sai sự thật trên. Hiện cơ quan chức năng đang lập hồ sơ để xử lý nghiêm các đối tượng.


Thông tin từ Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết, 2022 là năm đầu tiên triển khai đo lường sự hài lòng của người dân thông qua việc xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của người dân với 8 nhóm chính sách được lựa chọn đánh giá gồm: phát triển kinh tế; khám, chữa bệnh; giáo dục phổ thông; trật tự, an toàn xã hội; giao thông đường bộ; điện sinh hoạt; nước sinh hoạt; an sinh, xã hội). Kết quả đo lường cho thấy, mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước nói chung trong cả nước năm 2022 (SIPAS 2022) là 80,08%. SIPAS của 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 87,59% - 72,54%, với sự chênh lệch giữa tỉnh cao nhất và tỉnh thấp nhất là 15,05%. Chỉ số SIPAS năm 2022 của Đà Nẵng đạt 79,66%, xếp vị trí thứ 34/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2021 (hạng 38).


Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), từ rạng sáng đến trưa 7/7, liên tiếp xảy ra 11 trận động đất trên địa bàn huyện Kon Plông (Kon Tum) và huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Trong đó, tại huyện Kon Plông, Kon Tum, xảy ra 10 trận động đất. Các trận động đất có độ từ 2,5 đến 4,2 độ richter; cấp độ rủi ro thiên tai 0. Trận động đất xảy ra tại khu vực huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi vào lúc 1h17 phút với độ lớn 3.1 độ richter; độ sâu chấn tiêu khoảng 10km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Cấp độ của các trận động đất này không gây rủi ro thiên tai.


Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 8/7, ở vùng núi, trung du Bắc Bộ, khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 38 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-60%. Vùng đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ, có nơi trên 39 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-60%. Từ chiều tối ngày 08-09/7, ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to; riêng khu vực vùng núi có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa 30-60mm, có nơi trên 100mm (mưa lớn tập trung vào chiều tối và đêm). Mưa dông ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ vào chiều và tối còn có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.


Tối 7/7, ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng ấp Ba Mến A, xã An Trạch A, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu xác nhận với Tiền Phong, trên địa bàn vừa xảy ra vụ 4 nhà dân bị sập và tốc mái do hiện tượng vòi rồng. Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 15h cùng ngày, tại ấp Ba Mến A, xã An Trạch A xuất hiện mưa rào. Sau đó, một cột nước nối từ vuông tôm lên không trung tạo thành vòi rồng cao hàng chục mét. Vòi rồng xuất hiện với sức công phá rất mạnh, tan dần sau khoảng 10 phút. (XEM CHI TIẾT)

MỚI - NÓNG