Ngày 1/11, Hội đồng tư vấn chuyên môn gồm các thành viên là chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Bệnh viện Nhi T.Ư đã đánh giá lại toàn bộ quy trình tiêm chủng, tai biến trong quá trình sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế, nguyên nhân bé gái 4,5 tháng tuổi ở Hải Dương tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem vào ngày 26/10. Bộ Y tế kết luận nguyên nhân tử vong là do sốc nhiễm khuẩn trên nền nhiễm khuẩn huyết, không có bằng chứng liên quan đến vắc-xin và quy trình tiêm chủng. Bộ Y tế cũng khẳng định vẫn tiêp tục sử dụng vắc-xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng. (Xem chi tiết)
Trước tình hình dịch bạch hầu đang diễn ra tại 6/17 tỉnh thành phố của Lào với 11 trường hợp đã tử vong, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu của Lào và thường xuyên trao đổi thông tin với nước bạn để triển khai các biện pháp phòng chống phù hợp. Đây là bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp trong khi giữa Việt Nam và Lào lại có chung đường biên dài. Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo các gia đình đưa trẻ trong độ tuổi tiêm chủng đến các trạm y tế và cơ sở y tế tại địa phương để được tiêm vắc-xin đúng lịch và đủ mũi để phòng tránh các bệnh dịch nguy hiểm thường xảy ra ở trẻ em. (Xem chi tiết)
Khoảng 17h ngày 1/11, chiếc bán tải biển xanh 80B va chạm với xế hộp màu trắng đi chiều ngược lại trên đường Trích Sài (Tây Hồ, Hà Nội). Theo nhân chứng, chiếc bán tải đi từ đường Lạc Long Quân hướng lên đường Thanh Niên tốc độ cao. Tới trước chùa Sài, xe biển xanh được cho đã lấn làn gây ra tai nạn. Cú đâm mạnh khiến ôtô màu trắng bị vỡ vụn mui trước, rất may không có thiệt hại về người. Tài xế chiếc bán tải xuống xe trong trạng thái không tỉnh táo. Vụ va chạm giao thông khiến một đoạn đường nơi đây ùn ứ.
Khoảng 16h30 ngày 1/11, ông Vũ Đức Thân (60 tuổi, ngụ phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM) điều khiển xe máy tay ga lưu thông trên QL1 theo hướng từ cầu Đồng Nai về Thủ Đức bất ngờ xảy ra va chạm với xe cần cẩu loại lớn đang chạy cùng chiều. Vụ va chạm khiến chiếc xe cẩu kéo lê ông Thân cùng chiếc xe nhiều mét và nạn nhân kêu la trong đau đớn. Cảnh sát giao thông đã sơ cứu và đưa ông Thân vào bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cấp cứu. (Xem chi tiết)
Quan chức hàng không Nga cho biết phi cơ nước này đã vỡ trước khi rơi trong thảm kịch khiến 224 người thiệt mạng ngày 31/10. Ông Viktor Sorochenko, Giám đốc Ủy ban hàng không Nga (MAK) cho biết, máy bay vỡ trên không trung. Các mảnh vỡ rơi xuống một vùng rộng lớn. Ông Sorochenko cũng cho rằng "còn quá sớm để đưa ra kết luận" về nguyên nhân vụ tai nạn của máy bay Nga tại Ai Cập ngày 31/10.
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah Al-Sisi ngày 1/11 nói rằng, Cairo "không e ngại" trong việc hợp tác với Moscow để "khám phá sự thật" về những gì khiến chiếc máy bay số hiệu 7K-9268 của hãng hàng không Nga Kogalymavia gặp nạn tại bán đảo Sinai sáng 31/10. Phát biểu tại hội nghị chuyên đề về giáo dục của các các lực lượng vũ trang Ai Cập diễn ra ở thủ đô Cairo ngày 1/11, Tổng thống Al-Sisi yêu cầu công chúng không nên vội vàng phán xét về nguyên nhân của vụ tai nạn, nói rằng cuộc điều tra cần phải được hoàn thành.
Cục trưởng Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu Nga, tướng Andrey Kartapolov, cho biết, sau một tháng thực hiện chiến dịch không kích, không quân Nga đã tiêu diệt 28 thủ lĩnh lực lượng khủng bố ở Syria. Chiến dịch không kích của Nga khiến tổ chức khủng bố IS, các nhóm phiến quân mất thế chủ động trên chiến trường và buộc phải chuyển sang chiến thuật phòng ngự. Hệ thống điều hành các tổ chức khủng bố hoàn toàn bị phá vỡ. Ít nhất 5.000 chiến binh đã bị tiêu diệt, bao gồm thủ lĩnh các nhóm phiến quân Ahrar el-Sham, al-Qaeda và IS. Ít nhất 10.000 lính đánh thuê tháo chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Jordan. (Xem chi tiết)
Một căn cứ huấn luyện được cho là lớn nhất của quân khủng bố al-Qaeda bị các đặc nhiệm Mỹ đột kích trong một chiến dịch kéo dài 20 ngày. Chiến dịch, bắt đầu từ hôm 11/10, với sự tham gia của khoảng 200 lính đặc nhiệm Mỹ cùng sự hỗ trợ của các binh sĩ Afghanistan, đã tấn công một khu vực huấn luyện của tổ chức khủng bố al-Qaeda, trải dài trên diện tích khoảng 77 km2 và một khu vực khác nhỏ hơn, rộng gần 2,6 km2. Chiến dịch tấn công nói trên trong gần ba tuần đã tiêu diệt khoảng 160 tay súng khủng bố.
Sau cuộc gặp không đạt kết quả sáng 1/11 giữa lãnh đạo ba đảng trong liên minh cầm quyền ở Đức, chiều cùng ngày, liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) đã đạt được nhất trí về một loạt biện pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Đức hiện nay. Chủ tịch CDU Angela Merkel và Chủ tịch CSU Horst Seehofer đã tiếp tục thảo luận và đạt được thống nhất về một loạt biện pháp giải quyết khủng hoảng, trong đó có việc thiết lập các khu trung chuyển người tị nạn ở biên giới.
Ngày 1/11 tại Seoul, sau cuộc gặp đầu tiên trong vòng 3 năm qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đồng ý khôi phục hoàn toàn quan hệ thương mại và an ninh. Tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp khẳng định ba bên sẽ khôi phục các cuộc gặp ba bên thường xuyên, vốn không được tổ chức từ năm 2012. Ba nhà lãnh đạo đồng ý tăng cường hợp tác kinh tế. (Xem chi tiết)