Ban ơn - muốn hay không?

Ban ơn - muốn hay không?
TP - Vừa đây, nhà văn Đỗ Hàn - Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học Việt Nam, trong lúc ngồi riêng với một vài anh em văn nghệ, ông than: Khi thực hiện việc đi “đòi” bản quyền cho các nhà văn, nhà thơ, ông gặp không ít thái độ “ngạc nhiên chưa” của bên sử dụng tác phẩm. 

Những là “tác phẩm được chọn đưa vào SGK, lưu giữ trong ký ức của các thế hệ học sinh là cả một vinh dự, tự hào”. Những là, “nếu không có chúng tôi đọc tác phẩm ấy lên thì làm sao hàng triệu người biết đến” (?!).

Vẫn có không ít người coi đó là điều đương nhiên. Một nếp suy nghĩ hình thành từ một thuở bao cấp, chiến tranh.

Vì vậy, việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học Việt Nam xới tung vấn đề, đi đến Nhà xuất bản Giáo dục, đến VOV, VTV “tuyên chiến” về bản quyền trở nên một câu chuyện gây tranh cãi. Hiện có hơn 500 tác giả có tác phẩm được in trong SGK. Hàng ngày, các chương trình “Tiếng thơ”, “Đọc truyện đêm khuya”… vẫn vô tư sử dụng tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ với tâm lý “nhắc đến cho là tốt rồi còn gì”.

Nếu áp dụng khung nhuận bút tại điều 13 Nghị định 18/2014/NĐ-CP thì năm 2014, số tiền bản quyền mà NXB Giáo dục phải trả là… 23,7 tỷ đồng, tương đương 1 triệu USD. Đây mới là số tiền bản quyền phải trả cho các tác giả có tác phẩm in trong bộ sách “Tiếng Việt” từ lớp 1 tới lớp 12. 

Phía NXB Giáo dục kêu trời, nại ra rằng cả năm, NXB không lãi được bằng ấy.

Còn nhiều cách tính khác, nhiều lý luận khác được đưa ra trong “cuộc chiến” bản quyền lần này. Đã có những cuộc thương thảo, điều đáng mừng là phía NXB Giáo dục đã đưa ý kiến: “tôn trọng quyền của các tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ và sẽ thực hiện đầy đủ về bản quyền”. Cam kết là vậy, nhưng bao nhiêu, như thế nào thì vẫn phải chờ…

Tuy nhiên, với những cơ quan liên quan khác, việc thương thảo còn lắm gay go. Đang tự nhiên phải rút hầu bao là việc chẳng ai muốn. Bên cạnh đó, vẫn còn tâm lý ban ơn “không có đây thì ai biết đấy”.

Khổ nỗi, theo những người trong cuộc bật mí, không ít tác giả cũng nghĩ như thế. Thậm chí có người sẵn sàng “chi ra” để tác phẩm được in trong SGK hay để “lên sóng”. Thế nên, câu chuyện ở đây bỗng nhuốm màu sắc bi hài.

MỚI - NÓNG