Bán nông sản thời chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mùa na ở vùng núi đá ở xứ Lạng đã vào chính vụ. Ngoài việc tiêu thụ na trực tiếp cho các thương nhân đến thu gom, các “cửa hàng số” địa phương lại tất bật chuẩn bị các đơn hàng cây đặc sản này để giao cho khách ở các tỉnh, thành trong cả nước.

Những ngày chuẩn bị đón rằm Trung thu 2022, quả na bán chạy cũng là lúc trời mưa liên tục do ảnh hưởng của cơn bão số 3 nhưng gia đình anh Lăng Văn Hưng (SN 1989, dân tộc Nùng ở thôn Bãi Hào, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng) lại không lo lắng “đầu ra”. Việc đóng gói hàng trong căn nhà ấm cúng đã giúp anh không còn trăn trở nỗi lo canh cánh như xưa.

Bán nông sản thời chuyển đổi số ảnh 1

Bán hàng trên mạng đem lại nhiều giá trị. Ảnh: Duy Chiến

“Nhà tôi có một vườn na nhỏ dưới chân núi Kai Kinh. Những năm trước “được mùa mất giá”, nên tôi chán nản, bỏ đi làm thợ xây trên thành phố Lạng Sơn. Mùa na năm ngoái, tôi nhận được điện thoại của cán bộ thôn Bãi Hào thông báo về việc bán hàng trên sàn điện tử rất hiệu quả, đem lại kinh tế cao. Ban đầu tôi hơi e ngại vì bản thân 33 tuổi lại không thành thạo vi tính, nhưng vì thấy nhiều bạn bè đã tham gia nên tôi về và dự các cuộc họp của “Tổ công nghệ cộng đồng”, hướng dẫn về phát triển kinh tế số, bán hàng trên sàn thương mại điện tử do cấp ủy, chính quyền và Đoàn thanh niên địa phương tổ chức”, anh Hưng kể.

“Nhờ mạng lưới Tổ công nghệ số cộng đồng mà tỉnh Lạng Sơn xếp hạng 1 về chỉ số nhân lực số. Sáng kiến thành lập “Tổ công nghệ số cộng đồng” của Lạng Sơn đã được Bộ Thông tin- Truyền thông lựa chọn hướng dẫn nhân rộng ra toàn quốc”.

(Trích báo cáo của Sở Thông tin - Truyền thông Lạng Sơn)

Theo anh Hưng, dù có sự hướng dẫn thường xuyên, tỉ mỉ của “Tổ công nghệ cộng đồng”, nhưng do chưa quen nên công việc gặp nhiều khó khăn. Những đơn hàng bán na đầu tiên, anh phải loay hoay mãi về việc duyệt đơn, cách thức đóng thùng, vận chuyển và thanh toán tiền.

“Những bước nào mình không biết, chưa hiểu thì lại chụp ảnh gửi vào nhóm Zalo nhờ các anh ở “Tổ công nghệ cộng đồng” hướng dẫn thêm. Có khi đêm khuya, họ vẫn nhẫn nại trả lời hàng loạt câu hỏi của mình. Nhắn tin chán chưa hiểu thì gọi video, đến khi nào làm được mới thôi. Giờ làm thành thạo, thấy đơn giản ra phết”, anh Hưng nói.

Mùa na 2022, anh Hưng tiếp tục đưa đặc sản của quê hương “lên sàn”. Trước đây, khi na vào vụ, những hộ trồng na ở Chi Lăng chỉ có thể chở hàng ra chợ cách nhà gần 5km để bán cho thương lái, hoặc vận chuyển lên Hà Nội tiêu thụ. Giờ đây khách hàng của anh, người ở tận thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Quảng Nam có thể xem, chọn hàng và mua na. Trong vòng chưa đến 48 giờ khách ở xa đã có quả na thơm ngon, mát lành trên tay.

Anh Hưng chia sẻ bí quyết: “Mình có na đẹp thì cứ chụp ảnh thực tế sản phẩm của mình chứ không dùng app ảnh chỉnh sửa. Bán sản phẩm chất lượng thực tế cho người dùng, thấy na ngon, giá phải chăng thì sau người ta lại mua hàng của mình thôi”. Từ đầu vụ đến nay, gian hàng trên sàn thương mại điện tử “Vỏ Sò” của anh Hưng đã bán được trên dưới trăm đơn hàng na, doanh thu trên 30 triệu đồng.

Lan tỏa

Bán nông sản thời chuyển đổi số ảnh 2

Tuổi trẻ Lạng Sơn hướng dẫn người dân cài đặt cửa hàng số. Ảnh: Duy Chiến

Cũng giống như anh Hưng, gia đình anh Quách Dương Duy (SN 1993), trú thôn Chục Quan, xã Yên Vượng, Hữu Lũng, Lạng Sơn đã mở cửa hàng bán na trên sàn thương mại điện tử “Vỏ Sò” từ tháng 8/2021, trong vụ na năm ngoái, gia đình đã bán được hơn 5 tấn na qua “sàn”, doanh thu lên tới gần 200 triệu đồng.

“Bán hàng như này rất là tiện. Na chỉ việc đi hái trên núi về, sau đó đóng, xếp vào hộp theo đơn hàng của khách rồi đơn vị vận chuyển họ có trách nhiệm mang hàng đi. Bán trên sàn được giá, cao hơn bán cho thương lái từ 10.000đ - 15.000đ/kg, quan trọng là xây được thương hiệu sản phẩm của riêng mình để khách hàng nhớ đến”, anh Duy cho biết.

Từ hai năm nay, việc chuyển hướng sang kinh doanh nông sản trên các sàn thương mại điện tử đã giúp gia đình Duy, anh Hưng cùng hàng nghìn hộ nông dân nơi đây có hướng đi mới để tiêu thụ nông sản nhất là khi COVID-19 phức tạp. Bán hàng qua kênh thương mại điện tử không phải là hình thức kinh doanh mới đối với các mặt hàng khác nhưng đối với nông sản thì rất có ý nghĩa thiết thực. Thay vì bán trực tiếp ngoài chợ thì giờ đây người dân trồng na có thể ngồi tại nhà cũng có thể bán được hàng.

Anh Duy hào hứng tâm sự: “Khi giới thiệu hình thức bán hàng này, ban đầu nhiều người bất ngờ lẫn nghi ngờ về sự thành công của cách làm mới vì na là trái cây chín nhanh, có thể nói là chín theo giờ nhưng thực tế cho thấy khi áp dụng hình thức bán hàng này đã đem lại kết quả rất tuyệt vời”.

Nhận thấy hiệu quả của Chương trình phát triển kinh tế số, cửa hàng số của tỉnh và việc bán na trên 2 sàn thương mại điện tử Voso và sàn đặc sản Việt Nam (Postmark) mang lại kinh tế cao, Duy trực tiếp hướng dẫn cho bà con hàng xóm, bạn bè tiến hành mở cửa hàng số, cùng nhau quảng bá sản phẩm na Chi Lăng. Những cửa hàng số của Duy và bạn bè đều có đơn hàng ngay và giờ đều là những “đầu tàu” trong công cuộc chuyển đổi số. Có những cửa hàng bán được 50-70 đơn hàng/ngày, mang lại doanh số cao hơn nhiều so với hình thức bán hàng truyền thống trước đây nên mọi người rất hào hứng.

Ông Vi Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Hiện nay, trên địa bàn có khoảng 1.600 tổ công nghệ cộng đồng với các trưởng thôn, trưởng bản làm tổ trưởng đang từng ngày hướng dẫn bà con phát triển kinh tế số. Từ chỗ chưa có khái niệm về thương mại điện tử, nhiều người nông dân ở Lạng Sơn đã có doanh thu hàng trăm triệu đồng khi đưa đặc sản của quê hương “lên sàn”.

Chia sẻ vấn đề này, chị Đinh Thị Anh Thư, Bí thư Tỉnh Đoàn Lạng Sơn cho biết thêm: “Cùng với việc tập huấn cho các “Tổ công nghệ số cộng đồng”, Lạng Sơn đã tổ chức tập huấn cho 200 thanh niên tại 200 xã, thị trấn về phát triển kinh tế số, cài đặt app “Công dân số”, tài khoản thanh toán điện tử. Đây chính là lực lượng nòng cốt tại xã, thị trấn tiếp tục đào tạo, tập huấn cho thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng tới khi thành thạo. Từ đó, toàn bộ 7.856 thành viên của 1.680 “Tổ công nghệ cộng đồng” đã vươn tới tất cả các xã, phường, thôn, bản, khu phố với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng nền tảng “Công dân số xứ Lạng” và các ứng dụng thương mại số, thanh toán số.

Tính đến giữa tháng 8/2022, Lạng Sơn phát triển được 37.817 tài khoản bán, 71.101 tài khoản mua.

MỚI - NÓNG