Những khoảnh đất nhiễm mặn đã đượcanh Trần Văn Quân (ở Hoàng Mai, Nghệ An) phủ kín rau nhót |
Ðứng lên sau thất bại
Cánh đồng Doi (phường Mai Hùng, TX Hoàng Mai, Nghệ An) hoang hóa, cỏ dại mọc quá đầu gối nay được phủ xanh bởi rau nhót. Dáng người cao, gầy, da rám nắng, anh Trần Văn Quân, Giám đốc HTX Rau nhót xứ Nghệ chia sẻ với chúng tôi quá trình khởi nghiệp nhọc nhằn của mình.
“Rau nhót thường mọc hoang trên các đầm lầy, hồ tôm, ven các cánh đồng muối. Lá và thân có nhiều nét giống cây hoa mười giờ. Rau nhót có vị chua, mặn, pha chút vị đắng nhưng chế biến thành món nộm với lạc rang, hay sang hơn là với khô gà, khô bò thì rất hấp dẫn. Đây là loài rau ngon, tại sao không thuần dưỡng để trồng, tạo thành món ăn phổ biến?”, anh Quân nói.
Năm 2018, anh dốc hết vốn liếng, vay mượn người thân bạn bè gần 1 tỷ đồng “đánh liều” thầu lại 1 ha đất nhiễm mặn, khai hoang rồi thực hiện ý tưởng khởi nghiệp của mình.
“Thời điểm đó tôi không có vốn, không có một chút kiến thức nào về trồng rau nhót. Loài rau này cũng chưa từng được nghiên cứu để trồng một cách cụ thể. Ai cũng khuyên can, đến cả vợ cũng không ủng hộ. Thất bại nhiều lần, nhưng dần dà thấy có vẻ ổn, rau lên xanh, nên tôi quyết tâm làm bằng được”, anh Quân nhớ lại.
Là cây rau dại, sức sinh trưởng mạnh, thế nhưng khi đưa vào nhân giống, trồng thử lại gặp khó khăn. Anh Quân phải trồng thử nghiệm đến lần thứ 4 thì cây mới thích nghi và phát triển. Sau 2 năm khổ công, đến cuối năm 2019, lứa rau đầu tiên thành công, nhưng khi chuẩn bị ra thị trường thì dịch COVID-19 ập đến. Rau trồng được mùa nhưng không biết bán cho ai. Đến đầu năm 2022, những nỗ lực của Quân đã được đền đáp khi trang trại rau nhót mang lại thu nhập cao.
“Anh Quân là người rất chịu khó, dám nghĩ dám làm. Trồng rau nhót là mô hình đầu tiên trên địa bàn tỉnh Nghệ An khai thác đất nhiễm mặn. Trong khi khí hậu ngày càng khắc nghiệt thì việc đưa cây rau nhót vào thâm canh trên đất nhiễm mặn được xem là giải pháp thích nghi với biến đổi khí hậu, mở hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở địa phương”.
Anh Nguyễn Văn Ðức - Phó Bí thư Thị Ðoàn Hoàng Mai
Ðưa rau nhót Nam tiến
Ông chủ 8X chia sẻ, sau khi thuần hoá, rau nhót trồng thâm canh cho thu hoạch quanh năm (khoảng 10 tháng). Đều đặn 3 - 5 ngày cho thu hoạch 1 lứa, mỗi lứa 3 - 5 tạ/sào. Việc thu hoạch được thực hiện theo hình thức “cuốn chiếu”, đảm bảo nguồn cung thường xuyên và ổn định cho thị trường.
“Cây rau nhót khi đưa vào trồng thâm canh không hề dễ. Một mặt vừa tuân thủ đặc tính tự nhiên của cây, mặt khác phải biết bổ sung các chất hữu cơ như: phân gà ủ chua, bã mắm lên men… để cây rau sinh trưởng, phát triển tốt”, anh Quân nói.
Hiện tại, trang trại rau của anh Quân tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động. Vào giai đoạn cao điểm như làm đất, trồng lứa rau mới phải cần đến gần 20 lao động. Rau nhót giờ đây không chỉ là món quê dân dã mà đã thành một đặc sản ở các nhà hàng, khách sạn, các khu du lịch nổi tiếng.
Giá rau nhót ở thời điểm hiện tại dao động từ 15.000 - 25.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi năm có thể thu về khoảng 1 tỷ đồng. Ngoài việc cung cấp cho thị trường nội tỉnh, hiện một lượng lớn hàng được vận chuyển bằng đường máy bay vào tận các tỉnh phía Nam.
Theo anh Quân, với quy trình canh tác, chăm sóc và đặc tính của rau nhót, loại rau này có thể giữ được vị và độ tươi ngon trong vòng 7 ngày kể từ khi thu hoạch. Nếu chế biến sẵn, đóng túi hút chân không kèm với gia vị thì giá trị kinh tế của cây rau nhót cao hơn nhiều lần.
“Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng diện tích trồng rau nhót tại các vùng đất nhiễm mặn, và đa dạng các sản phẩm làm từ rau nhót, mở rộng thị trường tiêu thụ”, anh Quân cho biết thêm.