Bán mua đâu phải chuyện đùa

Bán mua đâu phải chuyện đùa
TP - Đọc câu chuyện mua bán quần áo của cô Việt kiều ở TPHCM khiến một mạng người bị lấy đi, độc giả để lại những lời bình không hay về cách bán hàng, về cái sự hách dịch của người mua. Và rộng hơn, dường như văn hóa bán mua của người Việt đang có vấn đề?

> Thịt bò Kobe bị loại khỏi thực đơn

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Người bán (ở những địa điểm đã có chút thương hiệu) tỏ ra tinh tướng bất cần. Mà lạ chưa, chính khách hàng đã giúp họ giàu lên. Nhưng khách hàng đôi lúc cậy thế đại gia, coi tiền như lá, đối xử với người bán như ôsin.

Người Việt Nam - được một khảo sát của nước ngoài xếp vào loại những người ăn uống nhiều nhất thế giới. Qua vụ thịt bò Kobe thấy quả là chúng ta có nhu cầu ăn uống rất cao, và hay tò mò “làm tý cho biết” trong khoản ẩm thực. Vụ thịt bò cũng cho thấy sự bất tri kỳ vị mang lại trái đắng thế nào.

Thịt bò Kobe vào Việt Nam mỗi cân giá bằng cả chỉ vàng, nhưng lâu nay hóa ra người Việt toàn mua phải thịt rởm, hoặc lậu. Ngành thú y khẳng định chưa có thỏa thuận ký kết nào nhập khẩu thịt bò Kobe từ Nhật Bản vào Việt Nam.

Quán lẩu quán nướng nhan nhản khách. Không biết trong đó có bao nhiêu phần nội tạng thối, tôm cá ươn thiu, chân gà chân bò thải ra từ bên kia biên giới? Dân đô thị lớn được coi là sành ăn, nhưng thường xuyên bị lừa. Tiêu dùng thông thái ư? Quá khó.

“Ăn chi toàn thứ bẩn” – bà Bộ trưởng Y tế ngậm ngùi nói. Đã đành người bán coi thường sức khỏe và tính mạng của khách hàng, nhưng người mua cũng vì sự tiện lợi mà bỏ qua sự sạch sẽ. Đây không còn là vấn đề của y tế, mà là văn hóa, văn minh.

Tết Nhâm Thìn đang đến gần, một dịp nghỉ Tết dài 9 ngày. Giá cả lại chực chờ tăng và tiếp tục đe dọa chỉ lên không xuống vào sau Tết, phá hỏng cả những nỗ lực giảm lạm phát.

Thôi thì nhắc mình tối giản mua sắm, tối giản va chạm với nhân viên cửa hàng quần áo. Thực phẩm dặn từ quê gửi lên. Đi chơi thì không vào những lễ hội, những phố hoa lúc đông người. Đành giữ cho mình trước. Chứ biết làm sao.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG