Thảo luận về dự án luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) tại phiên họp toàn thể Ủy ban Các vấn đề xã hội ngày 22/4, các đại biểu băn khoăn về quy định "người được nhờ mang thai ộ phải là người thân thích của bên vợ hoặc bên chồng".
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa cho rằng "quy định "phải là người thân thích" có thể gặp phải tình huống thực tế mẹ vợ mang thai hộ con rể. Lúc đó đứa trẻ gọi là gì? Xét về y học có vẻ không có vấn đề nhưng về luân lý thì phải xem xét".
Cùng băn khoăn này, Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà đặt câu hỏi: “Vậy nhờ em gái của chồng mang thai, thì đứa trẻ sinh ra sẽ như thế nào về quan hệ huyết thống? Hay như vợ chồng người nhờ mang thai hộ ly hôn trước khi đứa trẻ sinh ra, thì xử lý như thế nào?”.
Một vấn đề được không ít ĐBQH nêu là điều kiện bắt buộc về tài chính của người nhờ mang thai hộ. ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), băn khoăn: “Đề nghị bổ sung thêm quy định người nhờ mang thai hộ phải có đủ điều kiện kinh tế. Nếu không có đủ điều kiện nuôi con, mà vẫn nhờ mang thai hộ, lúc sinh ra không có khả năng nuôi con thì lấy gì bù vào”.
Còn ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) lưu ý việc lợi dụng mang thai hộ để thương mại hóa. Bà đặt câu hỏi về sự bất bình đẳng có thể xảy ra giữa những người nghèo với người có điều kiện kinh tế, giàu có mắc cảnh không có con.
ĐB Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM, đặt vấn đề: “Thông thường bên nhờ mang thai hộ nhờ tới kỹ thuật hỗ trợ của y tế, theo cách này khả năng người mang thai hộ sinh 2, sinh 3, thậm chí là sinh 4 rất dễ xảy ra. Liệu bên nhờ có nhận đủ không và nếu sinh ra trẻ dị tật, bên nhờ không nhận thì sao?”
Chốt lại vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết các ý kiến của ĐB sẽ được tiếp thu và vấn đề mang thai hộ sẽ được xin ý kiến tại kỳ họp thứ Quốc hội tới đây.
Theo dự luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật hôn nhân gia đình, Bộ Y tế đề xuất cho phép mang thai hộ, nhưng chỉ hạn chế người trong gia đình.
Dự thảo luật nêu rõ chỉ cho phép mang thai hộ giữa người trong gia đình, hoặc được chính quyền địa phương xác nhận người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ có quan hệ họ hàng trong vòng ba đời và mỗi người chỉ được mang thai hộ một lần.
Việc xem xét cho phép mang thai hộ hay không, dự định sẽ do một hội đồng độc lập đánh giá, dựa trên các hồ sơ về tình trạng bệnh lý không thể mang thai tự nhiên của người nhờ, quan hệ họ hàng giữa người nhờ và người mang thai hộ có xác nhận của chính quyền, điều kiện sức khỏe của người mang thai hộ.