Có thể nhờ người nhà mang thai hộ

Không phải người phụ nữ nào cũng có thể thực hiện thiên chức mang nặng đẻ đau
Không phải người phụ nữ nào cũng có thể thực hiện thiên chức mang nặng đẻ đau
Theo dự luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật hôn nhân gia đình, Bộ Y tế đề xuất cho phép mang thai hộ, nhưng chỉ hạn chế người trong gia đình.

Dự thảo luật nêu rõ chỉ cho phép mang thai hộ giữa người trong gia đình, hoặc được chính quyền địa phương xác nhận người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ có quan hệ họ hàng trong vòng ba đời và mỗi người chỉ được mang thai hộ một lần.

Việc xem xét cho phép mang thai hộ hay không, dự định sẽ do một hội đồng độc lập đánh giá, dựa trên các hồ sơ về tình trạng bệnh lý không thể mang thai tự nhiên của người nhờ, quan hệ họ hàng giữa người nhờ và người mang thai hộ có xác nhận của chính quyền, điều kiện sức khỏe của người mang thai hộ...

Theo Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang, sở dĩ cần đặt ra "điều kiện" cho các trường hợp mang thai hộ là để ngăn chặn sự biến tướng thương mại hóa việc này, tránh tình trạng đẻ thuê.

"Cần có điều kiện siết chặt như vậy mới quản lý được. Việc cho phép người nhà mang thai hộ vừa hợp tình vừa hợp lý, bởi những người thân có tình cảm gắn bó dễ cảm thông, chia sẻ với nhau. Khi đó việc mang thai hộ mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo chứ không có tính chất thương mại", ông Quang giải thích.

Nói về việc nhiều cặp vợ chồng vô sinh ngại nhờ người thân mang thai hộ vì nhiều lý do, ông Quang cho rằng, thực tế điều này có tồn tại, nhưng những phức tạp, rắc rối đó thường chỉ do vấn đề tâm lý, và chỉ cần những người này tự cởi bỏ vướng mắc trong tư tưởng là ổn.

Ông Nguyễn Huy Quang cho hay, dự thảo sửa đổi Luật hôn nhân gia đình, trong đó có đề xuất cho phép mang thai hộ với các điều kiện chặt chẽ, sẽ được đưa ra Quốc hội thảo luận trong tháng 5 và dự kiến đầu năm 2015 sẽ có hiệu lực.

Thông tin về việc cho phép mang thai hộ được nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đón chờ như một cánh cửa nữa để họ có được đứa con mong đợi. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc giới hạn chỉ trong phạm vi thân nhân 3 đời sẽ hạn chế cơ hội này.

Bị dị tật tử cung nên không thể mang thai, suốt 3 năm qua, chị Thanh Giang (Gia Lâm, Hà Nội) đã tìm kiếm khắp nơi mong nhờ được một người giúp mang nặng đẻ đau phôi thai của mình và chồng.

Chị Giang đã đông lạnh phôi thai và làm thụ tinh ống nghiệm tới 3 lần nhưng không thành công. Bác sĩ khuyên chị tìm người mang thai hộ nhưng việc này không dễ.

Chị đã đưa thông tin trên vài trang mạng, để lại số điện thoại và địa chỉ thư điện tử của mình. Sau đó, có một số người có ý định mang thai hộ liên lạc với chị nhưng người thì đòi hỏi quá nhiều tiền, người thì sau quá trình đưa đi khám, xét nghiệm lại không phù hợp, hoặc chính họ có bệnh cần chữa trị...

"Tôi mệt mỏi vì vừa mất tiền, vừa mất công, lại luôn phải đối phó với mọi người xung quanh và lén lút vì 'lách luật', vô cùng stress", chị Giang chia sẻ.

Vợ chồng chị Giang cũng từng nhờ tới người thân nhưng không suôn sẻ. Bản thân chị không có chị em gái, nên phải nhờ chị dâu. Vợ chồng anh trai chị đã sinh đủ con.

Người anh trai thương em đồng ý để vợ mang thai giúp, nhưng chị dâu sau khi hỏi ý kiến gia đình, bạn bè thì tỏ ra ngần ngại và tìm cớ từ chối.

"Thực lòng, mình cũng mong nhờ được một người xa lạ nào đó, thay vì người nhà. Nếu là người ngoài, chỉ cần mình chăm sóc họ trong thời gian thai nghén, sinh nở, bù đắp một số tiền, sau đó không liên quan gì tới nhau nữa. Còn người nhà, sau này có thể rất phiền phức. Ai biết đâu sau này họ không kể công, kể lể với con mình, rồi con mình lớn lên sẽ nghĩ sao, hay nhỡ đâu họ có vấn đề gì đó về sức khỏe, lại đổ cho vì mang thai hộ mình...", chị Giang thổ lộ.

Cũng vất vả đường con cái, vợ chồng chị Bích (Hà Nam) không còn hy vọng nào khác để có con của chính mình là nhờ mang thai hộ. Chị Bích từng sinh nở nhưng con bị ngạt rồi mất và sau đó ít lâu chị phải cắt bỏ dạ con, không thể mang thai được nữa. Chị đau khổ và khao khát có được một đứa con.

Tìm hiểu nhiều nơi, chị biết có thể nhờ người mang thai hộ được thụ tinh từ chính trứng và tinh trùng của vợ chồng mình, và cơ hội sẽ lớn hơn nhiều nếu ra nước ngoài thực hiện. Thế nhưng cặp vợ chồng nghèo không đủ điều kiện kinh tế.

"Mình đã 34 tuổi rồi, cơ hội có con ngày càng ít đi. Bây giờ luật pháp chưa cho phép mang thai hộ, mình cứ mò mẫm chỗ này chỗ kia... Phương án nhờ người nhà chưa nghĩ tới, vì mình thực sự không muốn mọi người biết con không phải do mình sinh ra.

Hơn nữa việc này rất rắc rối. Nhiều người có thể không hiểu rõ, lại nghi kỵ, đàm tiếu. Ngoài ra, chắc cũng chẳng mấy ai, kể cả người ruột thịt của mình sẵn sàng mang thai giúp. Nếu chị em mình có đồng ý thì còn chồng, nhà chồng họ nữa, không đơn giản", chị Bích chia sẻ.

Một bác sĩ chuyên chữa vô sinh, hiếm muộn tại một bệnh viện ở Hà Nội cho hay, pháp luật Việt Nam vẫn cấm mang thai hộ nên những trường hợp cần hỗ trợ sinh sản bằng cách này thường chỉ cố gắng tìm cách “lách luật” hoặc ra nước ngoài làm dịch vụ.

Thực tế, vẫn có những đơn vị tư, bác sĩ chấp nhận giúp bệnh nhân cấy phôi cho người mang thai hộ, bằng nhiều cách khác nhau… Ông cho biết, về mặt y tế, việc nhờ người thân hay người lạ không ảnh hưởng gì tới cơ hội mang thai thành công.

Vấn đề khiến nhiều người vẫn ngần ngại việc nhờ người nhà mang thai hộ là do sợ những rắc rối về sau và tâm lý e ngại dư luận, khi nhiều người thực sự chưa hiểu rõ khái niệm "mang thai hộ".

Theo tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Thứ trưởng Bộ Y tế, mang thai hộ là lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để làm thụ tinh trong ống nghiệm.

Khi noãn và tinh trùng gặp nhau tạo thành phôi sẽ chuyển phôi vào dạ con của người phụ nữ khác. Khi đó, tử cung của người mang thai hộ sẽ giống như vườn ươm cho em bé.

Ông Tiến cho rằng, mang thai hộ là thành tựu của y học, là một tiến bộ vượt bậc để biến mơ ước không thể làm mẹ của rất nhiều phụ nữ trở thành hiện thực. Bản chất mang thai hộ là nhân văn. Còn về mặt sinh học, đứa bé sẽ mang gene di truyền của người phụ nữ có trứng chứ không phải của người mang thai hộ.

Tiến sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó giám đốc, Trưởng Khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) bổ sung, mặc dù về hình thức và gene thì đứa trẻ không chịu ảnh hưởng gì từ người mang thai hộ, nhưng không thể loại trừ việc xuất hiện sợi dây tình cảm giữa người này và đứa trẻ trong suốt thai kỳ.

Ngoài ra, mang thai hộ cũng là một hình thức mang thai bình thường nên trong quá trình mang thai, nếu người mang thai hộ vô tình nhiễm rubella, cúm, tiểu đường… thì đứa trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Bác sĩ Diễm Tuyết cũng cho biết, ở góc độ người làm chuyên môn, bà rất ủng hộ việc mang thai hộ cho những trường hợp có chỉ định y khoa

. Theo bà, bản thân những phụ nữ có dị tật bẩm sinh không có tử cung, bị ung thư hay viêm nhiễm phải cắt bỏ tử cung đã bất hạnh hơn người bình thường, vì vậy, việc cho phép họ được nhờ người khác mang thai hộ là rất nhân bản.

Tuy nhiên, theo bà, việc cho phép mang thai hộ cũng là một con dao hai lưỡi, cần được quản lý chặt chẽ nếu không sẽ rất dễ bị lạm dụng. Bởi có những phụ nữ hoàn toàn bình thường và có nhiều tiền, sợ mang thai khiến dáng xấu nên từ chối thiên chức này, và có thể làm phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực trong xã hội.

Theo Minh Thùy - Kim Anh 

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG