Ban hành văn bản trái luật, sao chưa xử lý hình sự?

Thông tư 16 của Bộ Xây dựng về cách tính diện tích căn hộ là một trong nhiều văn bản bị tuýt còi trong năm qua. Ảnh: Hà Anh
Thông tư 16 của Bộ Xây dựng về cách tính diện tích căn hộ là một trong nhiều văn bản bị tuýt còi trong năm qua. Ảnh: Hà Anh
TP - “Theo tôi biết, cắt thi đua người ta đã làm nhiều rồi còn cách chức, buộc thôi việc thì chỉ có một số ít trường hợp. Về xử lý hình sự thì thực tế chưa thấy xử ai cả”.

TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) - Bộ Tư pháp, nói như trên, khi trao đổi với Tiền Phong quanh vấn đề xử lý cán bộ, công chức ban hành văn bản trái luật. Ông Sơn cho biết rất vui mừng khi trong thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh đến yêu cầu nâng cao chất lượng văn bản QPPL.

Ông Sơn nói: “Tôi rất mừng khi tiếp nhận thông điệp trên. Đây là một dấu ấn cực kỳ quan trọng. Người đứng đầu Chính phủ đã trực tiếp khẳng định yêu cầu nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm chất lượng xây dựng VB QPPL. Bức tranh pháp luật của ta, “mảng sáng” là cơ bản. Nhưng vẫn còn những “mảng tối”, những văn bản có nội dung sai trái cần phải xử lý hủy bỏ, bãi bỏ. Và kể cả những mảng “nhờ nhờ” không ra “sáng” không ra “tối”.

Tôi muốn nói tới những văn bản vô thưởng, vô phạt, thiếu tính khả thi, không giúp ích gì cho đời sống xã hội, cho công tác quản lý, ban hành rồi để đấy không ai thèm ngó ngàng, đếm xỉa gì đến. Sau 10 năm, trên cả nước đã thực hiện kiểm tra được hơn 3,6 triệu văn bản, phát hiện hơn 90 nghìn văn bản có dấu hiệu sai phạm và đã được xử lý ở các mức độ khác nhau.

Đáng chú ý, trong số hơn 90 nghìn văn bản này, có khoảng gần 10 nghìn văn bản QPPL có dấu hiệu sai phạm về nội dung cần phải xử lý đình chỉ thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ. Cứ thử hình dung, nếu không có cơ chế hậu kiểm trong 10 năm qua và cứ để hàng chục nghìn văn bản sai trái này trôi nổi, “phát tác” trong xã hội thì hậu quả sẽ thế nào”?

Như ông nói, hậu quả do những VBQPPL trái luật gây ra rất lớn, tuy nhiên việc xử lý cán bộ, công chức soạn thảo, ban hành các văn bản này còn rất hình thức?

Đây là vấn đề đáng lưu tâm. Rất tiếc là khi xác lập cơ chế bồi thường nhà nước đã không thiết lập trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà nước trong việc ban hành VBQPPL trái pháp luật. Theo tôi, vấn đề này cũng cần phải nghiên cứu để đảm bảo nguyên tắc nhà nước pháp quyền.

Về vấn đề xử lý người tham mưu, ban hành văn bản trái luật thì đây cũng là một vấn cần phải bàn. Hiện nay, các quy định để xử lý cũng đã có, vấn đề là chưa làm đến nơi đến chốn. Ví dụ, có thể xử lý kỷ luật cán bộ, công chức hoặc cắt thi đua, khen thưởng, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội cố ý làm trái, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hay tội tham nhũng...

Theo tôi biết, cắt thi đua người ta đã làm nhiều rồi còn cách chức, buộc thôi việc thì chỉ có một số ít trường hợp. Về xử lý hình sự thì thực tế chưa thấy xử ai cả. Mà có xử thì cũng chỉ luận tội cùng với một loạt tội khác và phần này thường bị yếu, bị chìm đi. Tôi thấy chưa có phiên tòa nào xử riêng đối với tội phạm này, loại sai phạm này. Tôi luôn mơ đến cơ chế tài phán mà nhiều nước đã sử dụng từ lâu như cơ chế bảo hiến, cơ chế tuyên hủy của tòa đối với văn bản trái pháp luật...

“Thổi còi” văn bản là công việc dễ va chạm, thậm chí “nguy hiểm”. Đã bao giờ ông gặp khó trong xử lý các văn bản loại này?

Nhiều lúc tôi tưởng như không vượt qua được nhưng 10 năm qua, tôi thấy rằng, chưa bao giờ chúng tôi phải bó tay. Có những văn bản phải họp đi họp lại đến 7-8 lần, lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Chính phủ phải vào cuộc. Nhiều khi phải thuyết phục cả cơ quan ban hành văn bản sai trái lẫn những người có thẩm quyền xử lý công việc.

Ban hành văn bản trái luật, sao chưa xử lý hình sự? ảnh 1

TS Lê Hồng Sơn

“Tôi cũng được người ta phong thêm một nghệ danh là “ông Sơn kiểm tra văn bản”, “ông Sơn tuýt còi”. Nhiều khi cũng thấy vui vui. Cũng nhiều lúc được anh em nhắc nhở phải thận trọng, cảnh giác. Tôi nghĩ, là cái “nghiệp” rồi. Đã mang nghiệp vào thân thì phải cố gắng, không e ngại, né tránh”. 

TS Lê Hồng Sơn

Chúng tôi đã cố gắng bóc tách, phân loại từng loại, từng mức độ sai phạm để có biện pháp xử lý thích hợp. Có trường hợp chỉ nêu vấn đề để người ta đính chính, rút kinh nghiệm trong soạn thảo, không để sai tiếp. Nhiều trường hợp chúng tôi mời đến họp, thảo luận. Người ta nhận ra nội dung sai ngay và xin được tự xử lý ngay, không cần phải thông báo rùm beng. Chỉ một số rất ít, cá biệt buộc chúng tôi phải có thông báo và quá trình xử lý một số văn bản cũng hết sức gian nan.

Làm việc khó khăn, vất vả như vậy, nhưng anh em thấy cũng phấn khởi vì qua đó bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, của doanh nghiệp, đặc biệt là những người dân “thấp cổ bé họng”.

Tôi ví dụ, yêu cầu hủy văn bản cấm học sinh, sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật biểu diễn, tham gia biểu diễn tại các quán bar, vũ trường, quán karaoke… giúp “cởi trói” cho hàng vạn học sinh, sinh viên các trường văn hóa - nghệ thuật, tạo điều kiện cho các em được biểu diễn, tham gia biểu diễn để nâng cao năng khiếu, sở trường, cải thiện cuộc sống và cũng góp phần nâng cao đời sống tinh thần của xã hội.

Hay kiến nghị xử lý quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ mà dư luận gọi là “ngực lép, chân ngắn” làm hạn chế quyền công dân sử dụng phương tiện giao thông; giúp cho người dân không bị xử phạt vi phạm hành chính một cách tùy tiện theo quy định của địa phương...

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG