Bạn đọc Lê Xuân nhận xét: “Lát đá kiểu này thì sau vài năm sẽ bị nứt vỡ trên 20% và lề đường sẽ lại bị nham nhở, bởi miếng đá không đủ dày để chịu uốn khi nền bên dưới bị biến dạng theo thời gian. Còn cắt đá dày hơn 2-3 lần thì "tốn" đá”.
Đa số ý kiến độc giả yêu cầu cần giám sát chặt chẽ việc thi công, và độ dày viên đá, bởi thực tế ở nhiều địa phương, chỉ sau 1 năm, đá tự nhiên đã có dấu hiệu vỡ, bong nền…
Bạn đọc Đỗ Bình chia sẻ, nhà tôi ngay mặt đường, chứng kiến từ đầu đến cuối việc thi công lát đá vỉa hè, thi công ẩu như thế, không vỡ mới lạ. Dưới nền họ trải cát qua loa, gạt tạm cho phẳng rồi xếp đá lên, cứ khít là được. Chưa kể, vừa làm xong, giờ tan tầm xe máy phi lên ầm ầm, khiến đá bị kênh. Kênh rồi xe khách lại lao đến, chịu được một thời gian là vỡ.
Ghi nhận trên tuyến phố Quang Trung (địa bàn quận Hoàn Kiếm), nơi đang tiến hành thi công lát đá vỉa hè, khối lượng công việc đã hoàn thành hơn 80%, tuy nhiên vỉa hè sau chỉnh trang vẫn không cải thiện được bao nhiêu. Anh Đỗ Văn Bình (trú tại số nhà 37A Hai Bà Trưng) cho biết, việc lát đá thay thế hàng gạch cũ đã xô lệch được người dân rất ủng hộ. “Nhưng lát xong nhiều đoạn để ô tô, xe máy kín vỉa hè thì không hiểu lát để làm gì?”, anh Bình thắc mắc.
Trước đó, vào tháng 9/2017 vỉa hè mới lát đá trên tuyến đường Vạn Phúc, Vạn Bảo (quận Ba Đình) bị bong tróc, nứt vỡ. Việc đá nứt vỡ được xác định do nhiều chỗ lát đá thi công buổi sáng thì buổi chiều và tối đoạn vỉa hè trên trở thành bãi trông xe ô tô, xe ôtô đi lên khiến các viên đá không chịu được sức nặng nên bị vỡ.