Về nguồn kinh phí đầu tư, theo Sở Xây dựng, một số dự án hạ tầng kỹ thuật mới tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Xuân, Hà Đông đã lát vỉa hè bằng đá tự nhiên với chi phí khoảng 500.000 đồng/m2. Số tiền này đắt hơn nhiều so với lát bằng gạch.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng hiện có 9 dự án (tuyến phố) bảo trì, chỉnh trang hè phố trong năm 2017, trong đó có 6 dự án đang tiến hành triển khai. Tổng mức đầu tư dự án tuyến phố Nguyễn Du (diện tích khoảng 6.624m2) là hơn 11 tỷ đồng; tuyến phố Bà Triệu (diện tích 7.982m2) là gần 15 tỷ đồng; tuyến Đại Cồ Việt (diện tích 9.947m2) là 14 tỷ 900 triệu đồng… Tính toán trung bình, mỗi mét vuông quận Hai Bà Trưng phải chi khoảng 1,5 triệu đồng/m2 vỉa hè.
Tương tự tại quận Hoàng Mai, cũng có 2 tuyến phố được chỉnh trang, lát đá tự nhiên vỉa hè. Đó là tuyến đường 2,5 (đoạn cầu Đền Lừ đến ngã ba hồ Đền Lừ) và đường Giải Phóng (đoạn từ phố Tương Mai đến đường Vành đai 3). Trong đó, kinh phí lát đá vỉa hè dao động từ hơn 475.000 đồng đến 2,5 triệu đồng/m2 (tuỳ đoạn vỉa hè rộng hẹp).
Đối với quận Hoàn Kiếm, ông Trịnh Hoàng Tùng, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm thông tin, việc lát đá tự nhiên được triển khai theo Quyết định 4030 của UBND TP Hà Nội ngày 20/8/2014. Sau khảo sát tổng thể, các tuyến đường đa phần đều đã xuống cấp, xộc xệch. Do trước đó, thi công dùng gạch block, loại gạch này dễ thi công, dễ hoàn trả, duy tu nhưng khi bị phá vỡ kết cấu, chỉ cần 1 viên xộc xệch là tất cả bị xô lệch. “Loại gạch này chỉ sử dụng được 2, 3 năm, bong lớp màu là đen và bẩn”, ông Tùng nói. Về chi phí tổng thể quận sẽ chi để lát vỉa hè, ông Tùng cho biết sẽ thông tin sau bởi phải bóc tách phần lát đá trong tổng thể phần chỉnh trang vỉa hè.
Trả lời PV Tiền Phong về câu hỏi đá tự nhiên có chịu được ô tô đỗ trên đó hay không? Một đại diện quận Hoàn Kiếm cho rằng, không ai muốn cho ô tô đỗ trên hè, tuy nhiên, vì nhu cầu gửi xe tại quận Hoàn Kiếm quá lớn, nên buộc phải cấp tạm những bãi trông giữ xe tạm thời.