Hiểu nhầm chỉ đạo của thành phố, quận huyện 'đua nhau' lát vỉa hè?

Vỉa hè mới lát đá trên phố Quang Trung (Hoàn Kiếm) trở thành bãi đỗ xe ô tô. Ảnh: Trường Phong
Vỉa hè mới lát đá trên phố Quang Trung (Hoàn Kiếm) trở thành bãi đỗ xe ô tô. Ảnh: Trường Phong
TPO - Trước thực trạng nhiều quận “đua nhau” lát đá vỉa hè, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Việt Trung thừa nhận: “có thể một số quận huyện hiểu sai chủ trương của thành phố, dẫn đến việc một số tuyến vỉa hè còn tốt cũng bị phá bỏ để lát đá tự nhiên”.

Lát vỉa hè làm bãi... đỗ xe

Sau khi hoàn thành lát đá vỉa hè tuyến phố kiểu mẫu Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đang tiếp tục triển khai lát đá vỉa hè nhiều tuyến phố như Quang Trung, Nguyễn Du...

Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, dọc phố Quang Trung, nhiều khu vực vỉa hè hai bên phố vẫn tập kết nhiều đá, vật liệu xây dựng phục vụ công tác lát đá vỉa hè.

Tuy nhiên, khá khó hiểu khi việc lát đá không được thực hiện đồng bộ mà xen kẽ khu vực hoàn thiện và khu vực dở dang. Không chỉ có vậy, nhiều vị trí trên phố Quang Trung sau khi lát đá, vỉa hè lại trở thành bãi trông giữ xe.

Hiểu nhầm chỉ đạo của thành phố, quận huyện 'đua nhau' lát vỉa hè? ảnh 1

Vỉa hè lát đá trên phố Phủ Doãn (Hoàn Kiếm) trở thành bãi đỗ xe ô tô đẩy người đi bộ xuống đường. Ảnh: Trường Phong

Không chỉ xe máy, hàng chục ô tô cũng được cấp phép đậu trên vỉa hè mới được lát đá. Đơn cử như khu vực vỉa hè trước số 3C Quang Trung có điểm trông giữ xe do UBND quận Hoàn Kiếm cấp cho Cty cổ phần 901 với diện tích 180m2. Trên biển trông giữ ghi số giấy phép 797 nhưng không nêu rõ thời hạn.

Cách đó không xa, đoạn vỉa hè bên trái từ ngã tư Quang Trung – Hai Bà Trưng tới ngã tư Quang Trung – Tràng Thi cũng vừa được lát đá, nhưng hàng chục ô tô đỗ kín.

Phóng viên cũng ghi nhận, phố Triệu Quốc Đạt được lát đá tự nhiên khá đồng bộ, nhưng thời gian qua, vỉa hè chủ yếu để trông giữ xe máy, xe đạp. Tại đây cũng trưng nhiều biển trông giữ xe do UBND quận cấp phép. Đáng chú ý, nơi đây thường xuyên thu tiền xe chênh với mức giá niêm yết trong giá vé.

Vỉa hè được lát đá phố Phủ Doãn cũng được trưng dụng thành nhiều bãi gửi xe. Đáng chú ý, nhiều vị trí vỉa hè bị phủ kín bởi các xe ô tô. Thậm chí, đơn vị trông xe còn dựng hẳn “bốt” trông giữ xe trên vỉa hè.

Không còn vỉa hè, hầu hết người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường.  Không chỉ bị sử dụng thành bãi trông xe, nhiều vỉa hè lát đá trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã bị bong tróc, gẫy nát dù thời gian sử dụng mới được một thời gian ngắn. Nhiều người dân cho biết, nguyên nhân là lớp đệm phía dưới các viên đá không đảm bảo chất lượng, khi người và phương tiện di chuyển gây kênh, sụt lún dẫn đến vỡ.

Lãng phí lớn khi đào lên lấp xuống

Hiểu nhầm chỉ đạo của thành phố, quận huyện 'đua nhau' lát vỉa hè? ảnh 2

Vỉa hè đoạn quốc lộ 6 qua quận Hà Đông được lát đá quanh khu vực chân nhà chờ đường sắt trên cao chưa hoàn thiện. Ảnh: Trường Phong

Có một thực tế diễn ra tại nhiều tuyến phố một số quận thực hiện lát đá vỉa hè khi hạ tầng chưa đồng bộ. Nhiều khu vực, dự án xây dựng công trình lớn bên cạnh đang triển khai, xe vận tải hạng nặng chạy vào ra suốt đêm ngày nhưng vẫn lát đá trên vỉa hè!

Dư luận đặt dấu hỏi về việc các công trình vẫn đang xây dựng có gây ảnh hưởng đến vỉa hè?. Đơn cử như tuyến đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), hầu hết đã được lát đá trên vỉa hè. Đáng chú ý, các vị trí chạy qua khu Cao – Xà – Lá dự kiến thời gian tới sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã được lát đá trên vỉa hè. Xung quanh chân nhà chờ đường sắt trên cao cũng được lát đá xung quanh dù công trình này còn chưa hoàn thiện.

Cùng với đó, những ụ điện, bốt điện trên tuyến phố Nguyễn Trãi vẫn chưa được xử lý ngầm. Điều này khiến nhiều người dân cho rằng, khi có sự cố, hoặc có chủ trương ngầm hóa, lại xảy ra việc đào vỉa hè lên làm lại.

Hiểu nhầm chỉ đạo của thành phố, quận huyện 'đua nhau' lát vỉa hè? ảnh 3

Vỉa hè lát đá trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), cạnh khu đất sắp chuyển đổi mục đích sử dụng. Ảnh: Trường Phong

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án cải tạo, nâng cấp vỉa hè quốc lộ 6A đoạn Phùng Khoang – Ba La (quận Hà Đông) do Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng quận Hà Đông làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công gồm Liên danh CTCP Tập đoàn Đông Đô, CTCP xây dựng Tường Lân, CTCP Xây dựng và Thương mại Busan, Cty TNHH Đất Việt, Cty TNHH XD&TM Thịnh An. Cũng giống như đường Nguyễn Trãi, nhiều vị trí trên tuyến đường này vỉa hè cũng được hoàn thiện bên cạnh các dự án vẫn đang xây dựng. Phóng viên cũng ghi nhận thực tế nhiều đoạn vỉa hè đã bị bong tróc, đá bị gãy nát...

Nhiều quận, huyện hiểu nhầm chỉ đạo của thành phố?

Liên quan đến lát đá vỉa hè, trao đổi với báo chí chiều ngày 21/11, Phó Giám đốc  Sở Xây dựng Hà Nội Trần Việt Trung cho biết, có thể một số quận huyện hiểu sai chủ trương của thành phố, dẫn đến việc một số tuyến vỉa hè còn tốt cũng bị phá bỏ để lát đá tự nhiên.

Ông Trung cho biết, thành phố có chủ trương triển khai lát đá vỉa hè trên các tuyến phố trong năm thực hiện năm văn minh đô thị, trật tự kỷ cương, đồng thời thực hiện thành phố sáng, xanh, sạch đẹp.

“Căn cứ vào chủ trương như vậy, hiện nay, một số quận huyện đang triển khai và quả thực có câu chuyện nhiều quận huyện có thể hiểu sai ý kiến chỉ đạo, do vậy, các vỉa hè có thể vẫn đảm bảo sử dụng được nhưng đã cho triển khai lát đá”, ông Trung nói.

Hiểu nhầm chỉ đạo của thành phố, quận huyện 'đua nhau' lát vỉa hè? ảnh 4

Vỉa hè mới được lát đá nhưng đã hư hỏng. Ảnh: Trường Phong

Theo ông Trung, sau khi có dư luận, thực hiện ý kiến chỉ đạo của thành phố, Sở Xây dựng đã cho kiểm tra, đánh giá về chất lượng lát đá vỉa hè trên một số tuyến phố. Theo đó, một số tuyến đường, chất lượng lát đá cần chấn chỉnh. “Như vừa qua kiểm tra trên tuyến Bà Triệu, hoặc tuyến Nguyễn Đình Chiểu kéo dài, hiện nay đang giải phóng mặt bằng và đang triển khai. Chúng tôi cho kiểm tra, đánh giá, đôn đốc, nhắc nhở và cho yêu cầu kiểm tra kỹ vấn đề chất lượng”, ông Trung nói.

Ông Trung phân tích, chất lượng lát đá trên vỉa hè phụ thuộc vào lớp bê tông phía dưới, có đảm bảo hay không phụ thuộc vào lớp bê tông này. Ông Trung cũng thông tin, nhiều vị trí quanh gốc cây, các trạm điện, các bốt điện làm không đẹp, không đảm bảo mỹ quan, chất lượng. Có đơn vị làm quá gần các gốc cây, cắt rễ cây nhiều, ảnh hưởng đến cây xanh.

Hiểu nhầm chỉ đạo của thành phố, quận huyện 'đua nhau' lát vỉa hè? ảnh 5 Ông Trần Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội

“Từ những việc như vậy chúng tôi cũng thực hiện kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở. Hiện nay đang chấn chỉnh lại công tác này”, ông Trung khẳng định lại. Ông Trung cũng cho biết, Sở Xây dựng Hà Nội đã tham mưu cho Thành phố có văn bản yêu cầu các quận huyện rà soát lại, những dự án nào, tuyến đường nào vỉa hè vẫn còn đảm bảo sử dụng được thì phải tiếp tục sử dụng.

 “Chỉ có tuyến nào không đảm bảo chất lượng, đã xuống cấp, hư hỏng thì mới triển khai, thực hiện ý kiến chỉ đạo của thành phố là lát đá tự nhiên”, ông Trung nói.

Liên quan đến việc chi trả bao nhiêu tiền cho việc lát đá vỉa hè toàn thành phố, ông Trung cho biết, sẽ cho đơn vị phụ trách tổng hợp và thông tin sớm đến báo chí.

“Thực tế vừa qua thành phố có chủ trương triển khai lát đá vỉa hè trên các tuyến phố trong năm thực hiện văn minh đô thị, trật tự kỷ cương, đồng thời thực hiện thành phố sáng, xanh, sạch đẹp. Căn cứ vào chủ trương như vậy, hiện nay một số quận, huyện đang triển khai thực hiện, và quả thực có chuyện nhiều quận huyện hiện nay có thể hiểu sai ý kiến chỉ đạo, do vậy, nhiều vỉa hè vẫn đảm bảo có thể sử dụng được nhưng đã cho triển khai lát đá”, - Ông Trần Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.