Ban Bí thư ban hành quy định về luân chuyển cán bộ ngành Kiểm tra Đảng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các trường hợp luân chuyển được bố trí giữ chức vụ tương đương với chức vụ đang đảm nhiệm. Trường hợp cần thiết, cấp có thẩm quyền có thể xem xét bố trí chức vụ cao hơn chức vụ đang đảm nhiệm đối với cán bộ có phẩm chất, năng lực nổi trội.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã ký ban hành Quy định số 110 về luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng.

Quy định nêu rõ, công tác luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu và cán bộ ngành Kiểm tra Đảng.

Bên cạnh đó, cán bộ luân chuyển phải trong quy hoạch; đồng thời bảo đảm hài hoà giữa luân chuyển cán bộ với bố trí, sử dụng cán bộ tại chỗ; vừa đáp ứng nhiệm vụ trước mắt, vừa tạo nguồn cán bộ cho ngành Kiểm tra Đảng.

Ban Bí thư ban hành quy định về luân chuyển cán bộ ngành Kiểm tra Đảng ảnh 1

Kỳ họp thứ 28 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Quy định của Ban Bí thư cũng nêu rõ, phạm vi luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng từ Trung ương đến cấp huyện và tương đương; từ cấp trên xuống cấp dưới hoặc từ cấp dưới lên cấp trên hoặc cùng cấp.

Luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng là việc phân công, chỉ định, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ giữ chức danh lãnh đạo, quản lý tại nơi khác trong ngành Kiểm tra Đảng từ Trung ương đến cấp huyện trong một thời hạn nhất định để đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu, nhiệm vụ hoặc chức danh được quy hoạch.

Đối tượng bao gồm cán bộ lãnh đạo, quản lý trong ngành Kiểm tra Đảng từ cấp huyện trở lên, trừ cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý.

Cụ thể bao gồm: Thành viên chuyên trách uỷ ban kiểm tra cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương (chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, uỷ viên uỷ ban kiểm tra); và cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp vụ thuộc Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và cấp phòng thuộc cơ quan uỷ ban kiểm tra cấp tỉnh.

Về nguyên tắc, các trường hợp luân chuyển được bố trí giữ chức vụ tương đương với chức vụ đang đảm nhiệm. Trường hợp cần thiết, cấp có thẩm quyền có thể xem xét bố trí chức vụ cao hơn chức vụ đang đảm nhiệm đối với cán bộ có phẩm chất, năng lực nổi trội.

Quy trình luân chuyển 5 bước

Quy trình luân chuyển, Quy định của Ban Bí thư nêu rõ quy trình 5 bước, cụ thể:

Bước 1, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương ban hành kế hoạch luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng theo nhiệm kỳ, hằng năm.

Bước 2, căn cứ nhu cầu luân chuyển cán bộ, cấp uỷ trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng của địa phương, cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch luân chuyển trình Uỷ ban Kiểm tra Trung ương xem xét, cho chủ trương.

Bước 3, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tổng hợp đề xuất của các địa phương, đơn vị và tiến hành rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí và dự kiến địa bàn, chức danh, nhân sự luân chuyển.

Sang bước 4, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì trao đổi với cấp uỷ địa phương, đơn vị để dự kiến danh sách nhân sự, chức danh luân chuyển.

Bước 5, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ chỉ đạo, tổ chức thực hiện các bước tiếp theo.

Cụ thể là, lấy ý kiến nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến luân chuyển; gửi văn bản lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan, trao đổi với cơ quan nơi đi, cơ quan nơi đến về dự kiến địa bàn, chức danh và nhân sự dự kiến luân chuyển. Tổ chức gặp cán bộ để quán triệt mục đích, yêu cầu luân chuyển; nắm tâm tư, nguyện vọng và xác định trách nhiệm đối với cán bộ luân chuyển.

Đồng thời xem xét, quyết định và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện (công bố quyết định hoặc chỉ đạo bầu cử và các công việc cần thiết khác).

Quy định cũng nêu rõ, thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm (36 tháng). Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định.

“Việc bố trí công tác đối với cán bộ sau luân chuyển phải căn cứ yêu cầu công tác cán bộ của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, nhiệm vụ chính trị, tình hình đội ngũ cán bộ của uỷ ban kiểm tra các địa phương, cơ quan, đơn vị; kết quả công tác, năng lực, sở trường của cán bộ gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và nhận xét, đánh giá cán bộ của cấp có thẩm quyền”, Quy định nêu rõ.

MỚI - NÓNG