Ba chìm, bảy nổi
Sau mười lăm năm có mặt, thương hiệu Lê Gia Tiến Thịnh chuyên kinh doanh thực phẩm, rau quả đặc sản Hà Nội tại TPHCM đã dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng, đặc biệt là những người Hà Nội xa xứ.
Để có được vị thế còn khá khiêm tốn như ngày nay, ông Lê Chiến Thắng (48 tuổi), chủ nhân cửa hàng Lê Gia Tiến Thịnh số 84A Trần Quốc Toản (phường 8, quận 3) đã trải qua nhiều thăng trầm và nếm đủ mùi vị thất bại ê chề. Vốn là dân Hà Nội chính gốc, đầu năm 1999, trong một lần vào miền Nam chơi, ông Thắng nảy ra ý tưởng đưa hàng hóa, đặc sản Hà Nội vào TPHCM bán kiếm lời vì thấy người Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sinh sống tại Sài Gòn khá nhiều.
Thấy cảnh người dân rồng rắn xếp hàng chờ siêu thị Maximart trên đường Ba Tháng Hai mở cửa, ông Thắng càng quyết chí Nam tiến làm giàu. Tranh thủ dịp cận tết, ông thuê người gói bánh chưng, giò lụa rồi đánh cả xe tải vào Sài Gòn.
Tưởng thắng đậm, ai dè chuyến đầu tiên, ông Thắng lỗ sặc gạch. Năm ấy, chỉ có lũ cá là được ăn Tết lớn vì toàn bộ lô hàng gần 5.000 bánh chưng hảo hạng đem đổ hết xuống ao, không bán được cái nào. Hàng tấn giò lụa sau đó phải thuê xe chở ngược ra Hà Nội nhờ người thân bán vớt vát cho kịp Tết.
Kể lại chuyện cũ, ông Thắng vẫn còn đau: Bánh chưng gói theo lối cổ truyền, gạo nếp Bắc, nấu đủ lửa, rất dẻo, thơm ngon. Tuy nhiên, vì chưa có kinh nghiệm, không giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất, trọng lượng bánh không đồng đều. Cái thừa, cái thiếu. Mình mắc sai lầm, không lường được thời tiết cuối năm ở trong Nam thường nóng hơn ngoài Bắc nên không hút chân không để bảo quản bánh được lâu hơn. Ăn ngay thì rất ngon, để vài ngày thực phẩm không còn an toàn. Mình đã dán tem lên trên sản phẩm, phải đổ bỏ để giữ uy tín thương hiệu.
Đặc sản Hà Nội bày bán trong cửa hàng Lê Gia Tiến Thịnh
Bài học vỡ lòng phải trả một cái giá rất đắt. Ông Thắng lỗ hơn 300 triệu đồng thời đó. “Mấy ngày Tết, mình nằm bẹp ở nhà, không thiết đi đâu. Mình nghiệm ra ở trong Nam, thị trường cực kỳ mở. Quan trọng là cách làm ăn như thế nào. Mùng 5 Tết, mình gượng dậy xách ba lô lên tàu vào Sài Gòn làm lại từ đầu. Trong người lúc ấy chỉ có một triệu đồng và một mớ ô mai, mơ Thái Thịnh” – ông Thắng nhớ lại.
Ông Thắng lân la đến từng siêu thị chào hàng, tìm mối tiêu thụ. Lần này may mắn đã mỉm cười. Kiếm được ít vốn, ông mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm Hà Nội ở số 278 Pasteurs (quận 3) rồi được đà mở tiếp chuỗi ba cửa hàng đặt trên đường Điện Biên Phủ, Hai Bà Trưng (quận 1), Pasteurs.
“Cửa hàng ở quận 1 nằm cạnh một cửa hàng khá nổi tiếng. Thế là chiến tranh xảy ra. Mình bị đánh vỡ đầu, phải khâu mười mấy mũi” – ông Thắng kể.
Cãi nhau suốt ngày, gây ồn ào, mất trật tự nên địa phương không cho buôn bán nữa. Cũng từ lúc ấy, nhận thấy thị trường bão hòa nên năm 2006, ông Thắng đóng cửa ba cửa hàng, chỉ duy trì cửa hàng duy nhất trên đường Trần Quốc Toản. Toàn bộ vốn liếng, ông tập trung cho trang trại hơn 20 ha trồng hoa lily trên Đà Lạt.
Năm 2008, cơn bão số 10 đổ bộ, làm sập đổ nhà kính hơn 4,5 ha. Từ kinh nghiệm đau thương đó, ông Thắng không lợp kính mà che bạt ni lông. Mỗi khi trời nổi giông gió thì lại huy động người lấy câu liêm rọc bỏ mái che.
“Mình còn nhiều pha bầm dập lắm, bấy nhiêu đã ăn nhằm gì. Năm 2010, mình chuẩn bị một triệu củ hoa lily (giá trị lên tới gần 20 tỷ đồng) trong kho. Trong lúc mình đi Thái Lan tìm mối tiêu thụ hoa thì ở nhà người ta cắt bỏ đường dây cung cấp điện cho trang trại để thi công đường giao thông. Mất điện, trang trại chạy máy phát điện công suất lên tới 285 KVA nhưng không kéo nổi cái nhà kho. Củ lily nảy mầm, hoa nở sớm trước tết nên bán rẻ như cho. Năm vừa rồi lại tiếp tục cháy kho lạnh. Quạt gió không chạy, thối hơn một nghìn khay hoa” - ông Thắng nhớ lại.
Chút hoài niệm về Hà Nội
Tuyến đường Trần Quốc Toản (quận 3) chỉ dài độ vài trăm mét song có ít nhất hai cửa hàng bán thực phẩm, rau quả Hà Nội. Đông khách nhất vẫn là cửa hàng Lê Gia Tiến Thịnh. Người mua đa phần là dân gốc Bắc song cũng có không ít người miền Nam tìm đến để thưởng thức hương vị Hà Nội.
Cửa hàng kinh doanh khá đa dạng, phong phú với hàng trăm mặt hàng rau quả, thực phẩm, đặc sản Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Từ kem Tràng Tiền, cốm tươi làng Vòng đến ô mai, mơ chua, bột sắn, bánh cốm. Theo ông Thắng, rau quả tươi được vận chuyển vào Sài Gòn bằng máy bay. Để có nguồn hàng đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, Lê Gia Tiến Thịnh thu mua từ các hợp tác xã rau an toàn ở Đông Anh, Mỹ Đức và những nơi sản xuất rau sạch nổi tiếng.
Ông Thắng còn thường xuyên đi các nơi để “sưu tầm” thêm một số đặc sản có thương hiệu như dưa cải Đông Dư (Đông Anh), nem chua Thanh Hoá,… đáp ứng nhu cầu đa dạng của những người Hà Nội xa xứ.
Công bằng mà nói, chỉ chủ nhân là người Hà Nội mới am hiểu khẩu vị và sự tinh tế của các loại thực phẩm cũng như văn hóa ẩm thực của người Hà Nội.
Ông Lê Chiến Thắng
Ở Sài Gòn có khá nhiều cửa hàng bán đặc sản Hà Nội song chủ nhân là người miền Nam chính cống. “Họ cũng có mối mang, bán sản phẩm chính gốc nhưng công bằng mà nói, chỉ chủ nhân là người Hà Nội mới am hiểu khẩu vị và sự tinh tế của các loại thực phẩm cũng như văn hoá ẩm thực của người Hà Nội. Rau húng Láng (Hà Nội) có mùi thơm đặc trưng, khác rau húng trồng ở nơi khác. Bánh đậu xanh nhiều nơi sản xuất nhưng chỉ có bánh Hải Dương đáng gọi là đặc sản, thơm ngon đặc biệt. Bắp cải Hà Nội không cứng như bắp cải Đà Lạt. Vị của chúng cũng đặc biệt hơn” – ông Thắng phân tích.
Bên tách trà Thái Nguyên đậm chát mà chủ nhân cửa hàng Lê Gia Tiến Thịnh rót ra mời khách, nhiều người đến mua hàng cho biết chỉ muốn đến nhấm nháp chút hương vị quê nhà để vơi bớt nỗi nhớ Hà Nội. Không biết từ bao giờ nơi này đã trở thành điểm hẹn cuối tuần của những người xa xứ. Có người vốn lạ, không hẹn trước vẫn cứ đến để tâm sự, hàn huyên.
Tháng mười, Hà Nội bước vào mùa cốm. Ở Sài Gòn, cốm tươi làng Vòng cũng nhanh chóng xuất hiện và bày bán trong các cửa hàng đặc sản Hà Nội. Không chỉ giới thiệu, quảng bá nghệ thuật ẩm thực tinh tế của vùng đất Thăng Long nghìn năm văn hiến, những đặc sản bày bán còn gợi nhớ đến một Hà Nội lãng đãng mà dai dẳng trong tâm thức những người tha hương.