Bài thơ Xuân chưa in của Nguyễn Bính

Bài thơ Xuân chưa in của Nguyễn Bính
TP - Đến nay, nhà văn Ngọc Giao đã ra người thiên cổ, nhưng năm ấy, nhân ngày sinh thứ 80 của mình, thêm vào đó, nhà xuất bản Văn học tái bản một tập truyện chọn lọc, lấy tên là: “Cô gái làng Sơn Hạ” vừa ra đời, nhà văn Ngọc Giao làm một bữa cơm ăn mừng.
Bài thơ Xuân chưa in của Nguyễn Bính ảnh 1
Nguyễn Bính

Bữa cơm, ông chỉ mời có vài người bạn văn già và tôi, người bạn vong niên của ông…

Khi tôi tới, trước khi vào bữa ăn, ông vui vẻ nói với tôi:

- Hôm nay, anh có cái quà quý cho chú: Đó là bài thơ Bạch Đào của Nguyễn Bính, bài thơ trinh bạch, chưa bóc tem, viết từ năm Kỷ Hợi (1961)… Chú giữ mà làm tư liệu… Anh năm nay, như chú biết, đã tám mươi rồi…

Nói xong, ông mở tủ, lấy một chiếc phong bì, trân trọng đưa cho tôi.

Mở ra, tôi thấy một lá thư viết trên giấy học trò, trang 1 và trang 2 là thư của họa sĩ Nguyệt Hồ - đến nay, ông cũng đã qua đời - dòng đầu viết: “Nam Định ngày 4-4-90”, dòng thứ hai viết: “Thân gửi bạn già Ngọc Giao”… và cuối lá thư ở trang 2, tôi bắt gặp một hình ảnh vốn quen thuộc đã lâu, là chữ ký của cụ Nguyệt Hồ, và bên dưới chữ ký có hình vẽ một vành trăng cùng với ba làn sóng nước.

Tôi nói “quen thuộc đã lâu” vì chữ ký cùng hình vẽ ấy, thường được đặt bên dưới những bức tranh minh họa ở tờ báo “Truyền Bá” của nhà xuất bản Tân Dân (93 Hàng Bông, Hà Nội) - Báo Truyền Bá xuất bản một tuần một số, vào ngày thứ Năm, khổ 13x19, có 32 trang, in một cái truyện chừng 30 trang, còn mấy trang sau, in những mẩu chuyện lặt vặt - Thời tôi học tiểu học ở Hà Nội, sau đó là ở Bắc Giang, tuần nào, ngay từ thứ Tư, tôi cũng đã lấp ló ở cửa hiệu sách, chờ mua để đọc.

Còn nguyên bên trang 3 là bài thơ “Bạch Đào” của Nguyễn Bính được viết tay, bằng nét chữ hoàn toàn khác hẳn với nét chữ trong thư của cụ Nguyệt Hồ.

Tôi chưa bao giờ được trông thấy nét chữ viết tay của nhà thơ Nguyễn Bính, nên không dám chắc đây có phải “đích danh” là chữ của nhà thơ… Nếu như đây đích thực là chữ của nhà thơ Nguyễn Bính, thì đó sẽ là một bản gốc vô cùng quý giá.

Tôi đọc lá thư của họa sĩ Nguyệt Hồ gửi bạn già là nhà văn Ngọc Giao. Lời lẽ trong thư, đúng là lời lẽ cổ xưa của những người “cổ lai hy”. Lá thư nguyên văn như sau:

Nam Định ngày 4.4.90.

Thân gửi bạn già Ngọc Giao.

Về đã lâu mà bây giờ mới có thư gửi lên: vì bận luôn việc cũ, việc mới liên tiếp!

Hôm nay mới tìm được bài Bạch Đào này; vội gửi ngay lên tôn ông nhàn lãm.

Pha ấm trà Đầu Xuân, ngồi sếp bằng tròn giữa sập gụ chiếu cạp điều rung đùi mà ngâm khẽ một mình mà thưởng thức mới thấy có hứng thú như gặp tác giả trước mặt và đủ cả nhân vật trong bài thơ hôm ấy:

Mồng 2 Tết, 7 giờ tối năm Kỷ Hợi có 5 người đang đánh chén tại nhà Việt Quyên là đồ Đức tức Hiếu Lang, Cả Sóc, cháu cụ Tam nguyên Vỵ Xuyên, Nguyễn Bính, Võng Xuyên và Nguyệt Hồ; thì đồ Đức bỗng khoe: Vườn nhà đệ, có cây đào trắng mới bói nhưng hoa to và trắng như tuyết gội!

Thế là tất cả bỏ giở bữa tiệc đang nồng ra đi, đội mưa lội nước bùn lên nhà đồ Đức ngay. Tới nơi, đồ Đức hô gia nhân thiết luôn bàn tiệc nhỏ để có thể tiếp tục đánh chén và có hứng khởi làm bài thơ này tại gốc cây đào…

Nguyễn Bính thấy mình như Lý Bạch được Minh Hoàng ủy thác đề thơ “mẫu đơn” vậy.

Hôm nay tôi đang lúc say rượu

viết thư này cho bạn, nên có

nhiều sự bất như ý, xin tha thứ.

 Đốn thư.

(Dưới cùng là chữ ký Nguyệt Hồ, cùng hình vẽ vành trăng và ba làn sóng nước hồ). Bên trang 3 là bài thơ Bạch Đào; chép tay, không rõ có phải là chữ Nguyễn Bính không?

Bạch Đào

Tình cờ không hẹn bỗng mà nên

Một buổi đầu năm Tết Kỷ Hợi

Có năm người bạn  bến sông Hoàng

Gặp nhau uống rượu mừng xuân mới

Chuyện thơ, chuyện phú,

 chuyện non sông

Chuyện trước, chuyện sau,

thật sôi nổi…

Bỗng nhiên Hiếu Lang vỗ đùi khoe:

“Đệ có cây đào hoa mới bói

Giống đào thật quý nhất xưa nay

Cánh trắng, bông to, sương tuyết gội”

Chợt nghe hoa quý nở vườn xuân

Bỏ ngang câu chuyện, lòng phơi phới

Nửa đêm đội mưa ra đi ngay

Quản chi nhà xa, đường ướt lội

Như có người yêu hé cửa chờ

Như có bạn cũ đốt trầm đợi

Nhớ lại chuyện xưa:

 “Bất thượng thuyền”

Lý Bạch nằm say không trở gối

Vì hoa nên phải đánh đường tìm

Đâu phải chín - tầng đem chiếu gọi…

Đến nơi, mở cửa, đốt đèn lên

Kẻ trước, người sau, bước vội vội

Ra mé Tây hiên, tới gốc đào

Lặng ngắm hoa cười, im chẳng nói

Tất cả cùng chung nhớ một câu:

“Hoa lưu động khẩu ưng trường tại”

Ta được ủy thác đề thơ này

Lưu lại một đêm tiên hạ giới!

Nguyễn Bính

1961

Tất cả những người có liên quan đến bài thơ, kể cả nhà văn Ngọc Giao, người trao lại lá thư và bài thơ cho tôi cũng đều đã mất, cho nên “sự chính xác” của nó, tôi cũng chỉ biết đến vậy… Mong sao những người biết đầy đủ về bài thơ này cho công bố tư liệu của mình.

Chú: Theo tôi, chữ: “bất thượng thuyền” nên viết là: “bất thướng thuyền” có lẽ đúng hơn chăng? (L.B)

MỚI - NÓNG