Bài test cuối cùng về chương trình hạt nhân Iran

TP - Sau khi thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân Iran được ký đêm 2/4, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhận định, thỏa thuận này “đã chấm dứt vòng tròn luẩn quẩn không có lợi cho ai”.

Thứ nhất, đối với các nước lớn (giữa một bên là Nga với Mỹ và EU). Trong bối cảnh mâu thuẫn giữa họ về chương trình hạt nhân Iran đã được đẩy lên tới đỉnh điểm, sự đối đầu không khoan nhượng xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn tiếp diễn, Mátxcơva, Washington và EU đều nhận thấy rằng, sẽ chẳng bên nào có lợi nếu cứ kéo dài mãi tình thế đối đầu như hiện nay.

Bài test cuối cùng về chương trình hạt nhân Iran ảnh 1

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif

Thứ hai, giữa Iran và Mỹ, EU. Hơn một thập niên qua, không chỉ Iran điêu đứng vì các lệnh cấm vận, mà kéo dài trừng phạt Iran cũng gây thiệt hại không nhỏ cho các quốc gia EU, bởi giới đầu tư và công nghiệp, nhất là công nghiệp dầu mỏ của Mỹ và EU hiện vẫn phải đứng ngoài thị trường đầy tiềm năng Iran.

Thứ ba, đối với Mỹ. Việc ký kết thỏa thuận với Iran sẽ chấm dứt những năm tháng thù địch căng thẳng với nước này và được hy vọng mở ra trang mới trong quan hệ với thế giới Hồi giáo nói chung. Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu với báo giới: “Đây là một thỏa thuận tốt, có tính chất lịch sử và nếu đi đến thỏa thuận toàn diện cuối cùng thì nó sẽ giúp nước Mỹ, các đồng minh và cả thế giới trở nên an toàn hơn”. Washington trước đó cũng hơn một lần thừa nhận đóng góp của Tehran trong cuộc chiến do Mỹ và đồng minh phát động nhằm chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria .

Tuy nhiên, để đạt tới thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran với hạn chót la 30/6, Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) và Iran cần phải vượt qua hành trình dài chông gai phía trước. Bản thân việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran không hề dễ dàng, bởi nếu không, cả Mỹ và Iran đã không phải mất quá nhiều sức lực trong suốt 12 năm qua như vậy. Tổng thống Iran Hassan Rouhani từng noi “các trừng phạt không phải là một phần của đàm phán”, một nút thắt mà các bên đã loay hoay giải quyết trong suốt thời gian dài.

Bên cạnh đó, vấn đề gai góc là khi nào dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran vẫn chưa được giải quyết. Iran muốn các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ ngay lập tức, nhưng Mỹ và EU chỉ nới lỏng khi Iran tôn trọng những điều đã nhất trí. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius còn cảnh báo, nếu Iran không tuân thủ những cam kết của mình, EU sẽ quay trở lại lập trường trước đây.

Có thể thấy, thỏa thuận khung là chưa đủ để yên tâm với vấn đề hạt nhân Iran, thậm chí không loại trừ khả năng đổ vỡ trước khi đến được thời hạn 30/6. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận rằng, thỏa thuận khung là bước đi cần thiết nhằm tiếp cận giải pháp cho vấn đề hạt nhân Iran. Và giai đoạn 3 tháng tiếp theo của tiến trình đàm phán sẽ là bài kiểm tra vô cùng quan trọng của các bên liên quan trước khi vĩnh viễn đóng lại hồ sơ hạt nhân kéo dài 12 năm của Iran, cũng như góp phần làm thay đổi cục diện tại Trung Đông.

MỚI - NÓNG