> Nắng nóng kéo dài hai, ba ngày tới
Một đoạn sông Tranh bị cạn trơ đáy do thủy điện Sông Tranh 2 tích nước. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Khô khát dưới nhà máy thủy điện
Nắng nóng và việc các dòng sông bị thủy điện chặn dòng khiến tình trạng khô hạn và thiếu nước ở các huyện miền núi Quảng Nam trở nên nghiêm trọng, dù chỉ mới bước vào mùa hạ.
Tại Sông Tranh vùng hạ lưu, nơi có đập thủy điện Sông Tranh 2 chặn dòng, mức nước sông Tranh qua các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Nông Sơn… xuống thấy rõ những ngày qua. Nhiều đoạn sông nước khô cạn, đáy trơ sỏi đá. Nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất của nguời dân dọc hai bên sông trở nên trầm trọng.
Ông Đinh Văn Huy (70 tuổi, sống ở xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My), nói: “Mấy năm trước, khi chưa có thủy điện chặn dòng, người dân ở Sông Tranh không lo thiếu nước. Nay Sông Tranh bị chặn dòng, nước khô cạn, nên nước ngọt để sản xuất cũng thiếu. Người dân lo lắm”.
Tại huyện Nam Giang, nơi có các công trình thủy điện như Sông Bung 2, Sông Bung 4, Xêkaman 3, Đắc Mi 4… tình trạng thiếu nước cũng trở nên trầm trọng.
Ông A Lăng Cường, Trưởng phòng TN&MT huyện Nam Giang, nói: “Nước sông suối trên địa bàn Nam Giang và các huyện lân cận đang thiếu cục bộ vì thủy điện chặn dòng và nắng nóng. Trước đây, mùa nắng người dân sống dọc 2 bên sông không lo thiếu nước. Tuy nhiên, nay đã khác, sông hết nước, dân đào giếng cũng không có lấy một giọt vì sông trơ đáy”.
Cùng với việc sông Bung và hệ sống sông nhánh thiếu nước cục bộ, tình trạng lơi dụng mực nước sông xuống cạn để khai thác vàng, khoáng sản khiến an ninh trật tự trên địa bàn càng trở nên phức tạp.
Trong khi đó, tại nhiều huyện đồng bằng của Quảng Nam, nắng nóng kéo dài khiến nguy cơ ngập mặn trên các dòng sông tăng cao. Sông Thu Bồn những ngày qua thường xuyên bị mặn thâm nhập. Trạm bơm Tứ Câu phải vận hành liên tục tránh ngập mặn cho hơn 230ha lúa tại xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn.
Tại thành phố Tam Kỳ, lúc 15 - 16 giờ các ngày qua, nhiệt độ ngoài trời vẫn trên 37-380C. Người dân Tam Kỳ đổ xô về các khu du lịch sinh thái, bãi biển Tam Thanh, Biển Rạng.
Quá tải bệnh viện
Tại các bãi biển như T18, 20, Phạm Văn Đồng, công viên Biển Đông… ở Đà Nẵng, khoảng 5 giờ chiều đông kín người dân địa phương và du khách.
Anh Nguyễn Quốc Dũng, du khách từ Hà Nội vào, nói: “Vào Đà Nẵng xem pháo hoa, mong đi du lịch các nơi nhưng nắng nóng quá, suốt ngày trốn trong khách sạn, chờ chiều đi tắm biển, tối xem pháo hoa”.
Khu du lịch Bà Nà Hills cho hay, qua 4 ngày nghỉ, lượng khách lên tham quan ở điểm du lịch này hơn 35.000 lượt – một con số kỷ lục so với dịp này năm ngoái chỉ được khoảng hơn 20.000 khách. 100 phòng khách sạn ở Bà Nà Hills trong tình trạng chật kín.
Theo thông tin từ Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, trong dịp lễ hội pháo hoa, hơn 250.000 lượt khách trong và ngoài nước ghé Đà Nẵng. Ngoài ra, chưa kể các đoàn khách tự do đến Đà Nẵng không thông qua tour.
Ngày 30-4, tại phòng khám của Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, hàng trăm người dân chen chúc, vật vã trong cái nóng gay gắt, chờ tới lượt khám.
Ông Lê Văn An (66 tuổi, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết: Ông bị khó thở mấy ngày nay, đăng kí khám bệnh từ 7 giờ hơn nhưng tới gần 11 giờ vẫn chưa được khám vì số lượng người quá đông.
Mỗi ngày, phòng khám tiếp nhận 1.000 - 1.500 người đến khám và điều trị, tăng nhiều so với trước đây. Nhiều người đến khám về tim mạch, huyết áp. Mặc dù bệnh viện có tới 20 giường bệnh ở khoa cấp cứu và bệnh nhân chỉ lưu lại tối đa 1 ngày, nhưng do thời tiết thay đổi, số lượng bệnh nhân tới khám quá nhiều dẫn tới quá tải, một bác sĩ ở Khoa Tim mạch cho biết.
Tại Trung tâm Sản - Nhi, lượng bệnh nhi cũng tăng đột biến, đặc biệt trong những ngày gần đây. Theo lãnh đạo khoa Nhi, từ đầu mùa nắng đến các ngày nghỉ vừa rồi, các buồng bệnh tại khoa luôn trong tình trạng quá tải, cao điểm có ngày lên đến 600-800 bệnh nhi điều trị nội trú, trong khi những ngày bình thường dao động 350-400 trường hợp. Khoa Y học nhiệt đới của bệnh viện đã lâm vào tình trạng quá tải.
Tại huyện miền núi Hoài Ân, tỉnh Bình Định, tầm 8 giờ sáng trở đi nắng đã như đổ lửa. Để tránh nắng, bà con nhà nông thi nhau ra đồng từ 5 giờ sáng, để tầm 10 giờ sáng là quá ngưỡng, rút về.
Tại cánh đồng ở xã Ân Tường Tây (Hoài Ân), thợ cày thuê bắt đầu nổ máy từ rạng sáng.
Anh Nguyễn Ngọc Huy (thôn Gia Khương, xã Ân Tường Tây), nói: “Mấy ngày nay nắng như thiêu đốt nên chúng tôi phải ra đồng từ rạng sáng để làm công. Mỗi ngày cày thuê được khoảng 20-25 sào ruộng, trừ chi phí ra cũng chỉ được khoảng 100 ngàn tiền mặt mang về góp tiền ăn học cho lũ nhỏ”.