Những chuyện chưa biết về các kỷ vật <BR>của tướng lĩnh Việt Nam :

Bài 1: Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên và chiếc đồng hồ in hình Bác Hồ

Bài 1: Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên và chiếc đồng hồ in hình Bác Hồ
Lần theo dấu chân và những kỷ niệm, nhà sưu tập Trần Thu Hằng, nhân viên Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã sưu tập được hàng ngàn kỷ vật của tướng lĩnh Việt Nam.

Quân đội ta là quân đội của dân, từ nhân dân mà ra. 60 năm qua, từ trong lòng dân, đã có bao người trở thành những vị tướng. Trên con đường trở thành những vị tướng ấy, biết bao gian khó, hy sinh. Lần theo dấu chân và những kỷ niệm, nhà sưu tập Trần Thu Hằng, nhân viên Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã sưu tập được hàng ngàn kỷ vật của tướng lĩnh Việt Nam. Mỗi kỷ vậy mà chị thu thập chứa đựng một câu chuyện đầy cảm động. Nhân dịp 60 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tiền Phong lần lượt kể về những kỷ vật ấy...

Là một trong số những tiến sỹ luật đầu tiên của nước ta, ông cũng là một trong số những người đầu tiên sáng lập ra tờ báo Thanh Nghị, tiếng nói của trí thức và sinh viên yêu nước Việt Nam lúc bấy giờ...Không một ngày qua trận mạc, nhưng ông lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy, mời giao trọng trách Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ông là tiến sỹ luật Phan Anh.

Từ nhà yêu nước trở  thành Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên

Vợ ông, bà Nguyễn Hồng Chỉnh kể rằng, sinh thời, chưa bao giờ ông nghĩ mình sẽ là Bộ trưởng Quốc phòng. Sau khi từ Pháp trở về, đi đến đâu, ông cũng cảm nhận khí thế sục sôi của nhân dân cả nước nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám, đối với giới trí thức

Sinh ngày 1 tháng 3 năm 1912, ở làng Tùng ảnh, xã Châu Phong, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Cha ông là cụ Phan Điện, một nhà nho yêu nước. Mẹ ông là cụ Võ Thị Cưu, làm nghề dệt lụa. Thủa nhỏ ông học hành chăm chỉ. Năm 1925, ông nhận bằng certificat ở Hải Phòng. Năm 1930, ông nhận bằng diplom tại Trường Bưởi. Năm 1933, ông nhận ba bằng tú tài, sau đó học trường Luật. Trong thời gian học trường Luật từ năm 1934-1937, ông tham gia hoạt động xã hội, là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên và vào Đảng Xã hội Pháp. Vừa học, ông vừa tham gia dạy học ở trường Gia Long và trường Thăng Long. Năm 1937, ông sang Pháp du học, rồi nhận bằng tiến sỹ luật. Năm 1940, chiến tranh thế giới lần thứ hai xảy ra, ông quyết định rời nước Pháp trở về nước. Ông tham gia đoàn luật sư Hà Nội và nhận làm luật sư cho toà đại hình quân sự. Ông là một trong số những người đầu tiên sáng lập ra tờ báo Thanh Nghị, tiếng nói của trí thức và sinh viên yêu nước Việt Nam lúc bấy giờ.

trong đó có ông như là một sự kiện đột phá những mối lo âu, trăn trở, mở ra một chân trời mới, một con đường đầy hy vọng cho những người yêu nước Việt Nam. Trong những ngày cả nước bừng bừng khí thế nổi dậy giành chính quyền, ông từ Huế trở ra Hà Nội. Trên đường ra Bắc, ông được chứng kiến những đoàn thanh niên rầm rộ biểu tình, hô khẩu hiệu đả đảo chính phủ bù nhìn. “Được tận mắt chứng kiến khí thế cách mạng sục sôi của người dân Hà Nội, khái niệm về sức mạnh quần chúng đã thấm dần vào ông”, bà Chỉnh tâm sự.

Ngày 2 tháng 3 năm 1946, Quốc hội khoá I, kỳ họp thứ nhất họp tại thủ đô Hà Nội. Trước ngày đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho gọi Phan Anh đến Bắc Bộ phủ. Chủ tịch nói: “Chúng ta cần phải thành lập Chính phủ Liên hiệp nhằm đoàn kết nhân dân, thống nhất hành động. Để thành lập Chính phủ Liên hiệp, Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng cần giao cho những người ở vị trí trung lập. Tôi đề cử chú nhận nhiệm vụ quan trọng đó”. Ông xúc động nói với Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Tôi rất cảm kích về sự gợi ý đó, nhưng để đáp ứng tinh thần của Chủ tịch, tôi xin đề cử một trí thức có cảm tình với cách mạng, đã từng học qua trường quân sự cao cấp Polytechnique ở Pari là ông Hoàng Xuân Hãn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh không tán thành và thuyết phục ông làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Chủ tịch Hồ Chí Minh an ủi: “Chú đừng ngại, tuy chú đảm nhận trọng trách Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng không phải tập trung công việc vào chuyên môn quân sự vì đã có chú Võ Nguyên Giáp. Nhiệm vụ của chú là tập trung vào vấn đề chính trị, nhằm đoàn kết trong ngoài”. Thế là tiến sỹ Phan Anh trở thành Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.

Được Bác tặng đồng hồ, vì làm việc tốt

Bài 1: Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên và chiếc đồng hồ in hình Bác Hồ ảnh 1
Bộ trưởng Quốc phòng Phan Anh (bên trái) cùng Bác Hồ tại Việt Bắc năm 1950

Nhậm chức Bộ trưởng, việc đầu tiên ông Phan Anh cùng các cộng sự làm là thống nhất các lực lượng vũ trang, đặc biệt đưa những lực lượng vũ trang của phe đối địch với cách mạng vào sự quản lý thống nhất của Chính phủ. Ông và ông Tạ Quang Bửu (khi đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đã kiến nghị với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư cách là Chủ tịch nước ban hành những sắc lệnh về tổ chức quân đội, bổ nhiệm những người phụ trách. Sau đó, hàng loạt sắc lệnh ra đời: Sắc lệnh số 34 ngày 25/3/1946, về tổ chức Bộ Quốc phòng; Sắc lệnh 35 ngày 25/3/1946,  cử các chức vụ: ông Nguyễn Ngọc Minh là Chủ nhiệm Bộ Quốc phòng, ông Hoàng Đạo Thuý- Chính trị cục trưởng, ông Phan Tử Lăng- Quân chính cục trưởng, ông Phan Văn Phác- Quân huấn Cục trưởng, ông Vũ Anh- Quân nhu cục trưởng, ông Vũ Văn Cẩn - Quân y cục trưởng, ông Lê Văn Chất - Quân pháp cục trưởng… Sắc lệnh 33/QP ngày 23/3/1946 xác định Vệ Quốc đoàn là Quân đội quốc gia nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngoài ra, ông còn đề xuất với Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập trường Võ bị Trần Quốc Tuấn.

Về công tác đối ngoại, ông nổi tiếng là người giỏi Pháp ngữ, nên được Bác Hồ trực tiếp cử tham gia phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đi dự hội nghị Fontainebleau ở Pháp cuối tháng 3 đến tháng 9 năm 1946, với tư cách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng thuyết trình viên chuyên về pháp luật. Ông làm Bộ trưởng Quốc phòng cho đến năm 1947 thì chuyển qua làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế.

Ngày 13 tháng 10 năm 1954, tại Sơn Tây, trong một cuộc họp Chính phủ trước khi về tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng thưởng Huân chương Độc lập cho linh mục Phạm Bá Trực, đồng thời tặng phần thưởng cho một số cán bộ trong Chính phủ có thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Riêng Tiến sỹ Phan Anh được Bác tặng chiếc đồng hồ Thuỵ Sỹ, hiệu Movado có hình Bác Hồ. Bác nói: “Với những đóng góp của chú trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhất là trong thời gian giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chú đã thực hiện tinh thần đoàn kết trong nước và quốc tế “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Nêu cao chính nghĩa vì độc lập, tự do của Tổ quốc... Chú xứng đáng được tặng phần thưởng này”. Từ đó, ông đã sử dụng và giữ gìn chiếc đồng hồ như một kỷ vật thiêng liêng trong suốt cuộc đời đi theo cách mạng. Năm 1985, chiếc đồng hồ bị hỏng, nhân chuyến công tác tại Thuỵ Sỹ, ông đã tìm đến tận nơi sản xuất ra chiếc đồng hồ để sửa chữa. Ông mất vào ngày 28 tháng 6 năm 1990, khi trái tim ông ngừng đập, chiếc đồng hồ dừng nhằm lúc 1h15 phút.

Hiện chiếc đồng hồ của Bác Hồ tặng cố Bộ trưởng Phan Anh đang được lưu giữ như một kỷ vật quý hiếm tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Chị Trần Thanh Hằng, cán bộ sưu tập tâm sự: “Rất khó khăn, bà Nguyễn Hồng Chỉnh, vợ của cố Bộ trưởng mới trao kỷ vật đó cho chúng tôi. Chúng tôi hiểu đây là kỷ vật vô giá của gia đình”. Để trao kỷ vật đó, nhân ngày giỗ lần thứ 14 của ông, bà Chỉnh đã phải họp mặt toàn thể gia đình gồm 40 con cháu, sau khi mọi người đồng ý, bà mới quyết định trao chiếc đồng hồ này cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. “Ai đã tặng Bác Hồ chiếc đồng hồ có hình ảnh Người và vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại tặng cố Bộ trưởng Phan Anh chiếc đồng hồ, chứ không phải là thứ khác. Đó vẫn là điều bí ẩn?”, chị Hằng tâm sự.                                       

MỚI - NÓNG