Bậc thầy đàn cổ 'phá' đàn cổ

Bà Jin Hi Kim và cây đàn komungo truyền thống.
Bà Jin Hi Kim và cây đàn komungo truyền thống.
TP - Tại Mỹ, Jin Hi Kim là giáo sư, nhạc sĩ và nghệ sĩ bậc thầy về đàn komungo - một loại đàn cổ Hàn Quốc. Trong hành trình đem cây đàn đi khắp thế giới, vợ chồng bà Kim đang dừng chân ở Việt Nam bởi những liên đới “rất đặc biệt”.

Vợ mê Kim Phúc, chồng phục Kim Sinh

Jin Hi Kim sinh năm 1961 tại Hàn Quốc, sang Mỹ từ năm 1980 và từng bước thành danh tại đây. Ngoài biểu diễn, bà Kim có thể sáng tác. Những tác phẩm giao hưởng, thính phòng của bà dành cho đàn komungo được các dàn nhạc lớn biểu diễn đã đưa danh tiếng của nhạc cụ này ra ngoài biên giới Hàn Quốc.

Jin Hi Kim từng gặp Phan Thị Kim Phúc, người phụ nữ Việt Nam nổi tiếng trong bức ảnh “Em bé Napalm” của nhà báo Nick Ut. Khi đó, Kim Phúc đã đi khắp thế giới để nói về mơ ước hòa bình. Hai người xấp xỉ tuổi nhau. Kim kể, bà bị xúc động mạnh khi được nhìn phần lưng bỏng bom của Kim Phúc. Nhưng cô ấy chỉ nói: “Tôi tha thứ cho các bạn!”. Về sau, Kim sáng tác “Out of war” với lời đề tặng Kim Phúc. Đây là một tác phẩm giao hưởng rất được các diễn đàn chống chiến tranh ưa chuộng.

Chồng Kim, Tiến sĩ Joseph Celli cũng là người có thâm niên trong các hoạt động chống chiến tranh của Mỹ. Joseph đã có hơn 30 năm làm công việc này, ông từng biểu diễn ở hơn 45 quốc gia và luôn đề cao thông điệp vì hòa bình. Ông bảo: “Vợ chồng tôi không chỉ làm âm nhạc, chúng tôi quan tâm đến đời sống, con người đề cao việc làm thế nào cân bằng giữa các yếu tố Mỹ và châu Á, phương Tây và
phương Đông”.

Tại Mỹ, Joseph là nghệ sĩ kèn Oboe kiêm giám đốc một kênh radio riêng về âm nhạc châu Á. Nghệ sĩ guitar Kim Sinh là người Việt Nam đầu tiên được Joseph giới thiệu trên đài. Ông kể, đã bị nghệ sĩ mù này chinh phục ngay từ những nốt nhạc đầu tiên. Khi đưa CD của Kim Sinh lên đài, chính Joseph đã đi kêu gọi tất cả bạn bè, người quen, những người chơi guitar “phải nghe một người chơi guitar đặc biệt nhất thế giới”. Trong chuyến du ca Việt Nam lần này, Joseph tiết lộ, ông đã tìm thêm được nhiều nguyên liệu mới, và rất chờ đợi phản ứng của người nghe trên đất Mỹ.

Bậc thầy đàn cổ 'phá' đàn cổ ảnh 1

Bà Kim biểu diễn komungo cùng các nghệ sĩ Việt Nam.

Đàn cổ cũng phải mới

Bà Jin Hi Kim đến Mỹ với tư cách nghệ nhân biểu diễn komungo. Tại đây, bà đã học sáng tác và làm việc trực tiếp với những nhạc sĩ hàng đầu nước Mỹ như John Cage, John Adams... Kể từ đó, đàn komungo ngoài bản aucostic còn có phiên bản điện tử và Jin Hi Kim tìm được rất nhiều hiệu ứng âm thanh khác nhau, đặc biệt trong quá trình tương tác với nghệ sĩ, với khán giả.

Mong muốn “giữ hồn komungo”, Jin Hi Kim không ngại “quăng” nó vào những thử nghiệm âm nhạc hiện đại nhất nước Mỹ. Komungo được kết hợp với giao hưởng, jazz, nhạc điện tử, thính phòng v.v… Khi kể câu chuyện này, Kim được một nhà báo tiết lộ: những thử nghiệm tương tự như của bà, ở Việt Nam cũng có nhưng các nghệ sĩ ấy thường bị cho là “phá” nhạc truyền thống.

Bà Kim bảo: ở Mỹ cũng không cởi mở hơn, rất nhiều người không muốn thay đổi. Trong những thử nghiệm ban đầu, bà bị phản ứng rất dữ. Nhưng đó không phải là lý do để chùn bước. Ngược lại, nó trở thành mục đích sáng tạo của bà. Muốn komungo “sống” phải “phá” nó, phải tìm ra những nhân tố mới, thích ứng và thuyết phục người nghe trẻ tuổi.

Đối với các nghệ sĩ đang trên đường thử nghiệm, bà Kim khuyên: “Hãy để cho tâm trí mình được tự do. Trong một môi trường âm nhạc có quá nhiều luật lệ, làm cái này đúng, làm cái kia sai sẽ rất khó cho sáng tạo, điều quan trọng nhất là chúng ta phải tự do sáng tạo và biết nhiều hơn về những cái khác trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam. Nếu chúng ta học được nhiều nền âm nhạc khác trên thế giới, ta sẽ biết âm nhạc của Việt Nam là gì”.

Lần này, bà Kim cùng chồng đến Việt Nam theo chương trình “Chuyên gia Fulbright 2016”. Tại đây, bà đã lần lượt trải nghiệm các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, từ nhã nhạc cung đình Huế tới nghệ thuật hát chèo, diễn tuồng và hát xẩm, múa rối nước... Bà nói: “Tôi không muốn chơi đàn komungo giống như ngày xưa. Khi tôi gặp một số nghệ sĩ mới, tôi cố gắng làm âm thanh mới cho đàn. Đó là lý do để sáng tạo và mỗi nghệ sĩ sẽ cho tôi cảm hứng làm tác phẩm mới”.

MỚI - NÓNG