Bắc Ninh lần đầu tiên “chấm điểm” các sở, ngành

TPO - Bắc Ninh lần đầu tiên bộ chỉ số “chấm điểm” các sở, ngành trong tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2017 của UBND tỉnh Bắc Ninh ngày 18/5, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh áp dụng cho sở, ngành (DCI) năm 2016.

Đây lần đầu tiên Bắc Ninh công DCI, dựa trên cơ sở bộ Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh –PCI do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố. Bộ chỉ số này thể hiện cảm nhận, đánh giá của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với các sở, ngành trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Theo bảng xếp hạng của chỉ số DCI, Ngân hàng Nhà nước tỉnh dẫn đầu với 69,79 điểm, tiếp đó là Công an tỉnh với 69,29 điểm và Ban quản lý các KCN có số điểm cao thứ ba với 68,90 điểm. Trong khi đó, ba đơn vị “đội sổ” từ dưới lên là Sở KH&ĐT, Cục Thuế và Cục Hải quan của tỉnh.

Ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết, qua chỉ số DCI cho thấy, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính chưa rút ngắn nhiều.

Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá thủ tục này được quyết nhanh đạt mức trung bình gần 25% (đơn vị được đánh giá cao nhất đạt hơn 30%; thấp nhất đạt 17%). Thái độ của công chức khi giải quyết công việc chưa chuyển biến rõ nét, chỉ hơn 43% số DN cho rằng tích cực, nhiệt tình, thân thiện.

Trong khi đó, tính minh bạch và chi phí không chính thức tiếp tục là điểm đáng quan ngại cần tiếp tục cải thiện ở Bắc Ninh. Qua chỉ số DCI cho thấy, trên 73% số DN đánh giá “mối quan hệ” với cán bộ là rất quan trọng khi tiếp cận được tài liệu của sở, ngành.

Có hơn 42% doanh nghiệp đánh giá hiện tượng nhũng nhiễu là phổ biến khi giải quyết thủ tục hành chính tại các sở, ngành (có đơn vị lên hơn 50%).

Khoảng 52% số doanh nghiệp khảo sát, cảm nhận công việc sẽ đạt hiệu quả cao sau khi trả chi phí không chính thức (có đơn vị lên tới 60%). Điều này nói lên mức độ chịu đựng của doanh nghiệp và thói quen của doanh nghiệp khi trả chi phí không chính thức ở đơn vị đó.

Dù đánh giá cao về tính linh hoạt của các lãnh đạo sở, ngành trong giải quyết các vấn đề mới phát sinh, tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, chất lượng, năng lực cán bộ cần được nâng cao và cải thiện. Chỉ khoảng 44% số doanh nghiệp đánh giá, lãnh đạo sở ngành am hiểu các chính sách, chủ trương của tỉnh.

Theo ông Bắc, do năm đầu triển khai, nên việc đánh giá mới triển khai với các sở, ngành. Từ năm 2017, sẽ thực hiện đánh giá thêm với UBND cấp huyện và công bố vào tháng 11 hàng năm theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, cùng với các chỉ số khác của Trung ương, chỉ số DCI là kênh đánh giá khách quan giúp các sở, ngành, địa phương nhìn nhận lại những kết quả công việc đã làm được trong năm.

Đây được coi là một trong những giải pháp đột phá, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng quản lý điều hành thích ứng với giai đoạn mới.

Ông Quỳnh cũng người đứng đầu các sở, ngành: KH&ĐT, Tài chính, TN&MT, Xây dựng… là những đơn vị liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, hướng tiếp cận để khắc phục những tồn tại, cải thiện thứ hạng năng lực cạnh tranh.

Hiện Bắc Ninh là tỉnh nhiều năm liền đứng nhóm tốt của chỉ số PCI do VCCI công bố, là một trong số ít tỉnh triển khai bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành trên cả nước. Mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp” ở Bắc Ninh là một trong những thực tiễn được VCCI đánh giá cao, trong vấn để cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.