Công bố PCI 2016: Vẫn lo ngại phí bôi trơn, hoa hồng

Đà Nẵng đặc biệt quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư tốt giúp doanh nghiệp phát triển. Ảnh: PV.
Đà Nẵng đặc biệt quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư tốt giúp doanh nghiệp phát triển. Ảnh: PV.
TP - Theo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016 (PCI) công bố hôm 14/3, nhiều địa phương đã vượt lên chính mình, gây ấn tượng mạnh với doanh nghiệp. Dẫu vậy, cộng đồng doanh nghiệp vẫn lo ngại về  phí bôi trơn, hoa hồng khi mà nội dung này có xu hướng trở thành “văn hóa”.

Các “đầu tàu” đã chuyển động

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, đây là năm thứ 4 liên tiếp và lần thứ 7 trong suốt 12 năm có chỉ số PCI, Đà Nẵng đứng vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng. Sau Đà Nẵng, là những “ngôi sao” về cải cách: Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bình Dương, Lào Cai.

Điểm đáng ghi nhận trong PCI 2016 là sự “chuyển động” ở các “đầu tàu” như Hà Nội xếp thứ 14 (tăng 10 bậc), TPHCM xếp thứ 8, dù tụt hai bậc nhưng vẫn nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành tốt. Trong khi đó, nhóm địa phương “đội sổ”, xếp từ dưới lên thuộc về Cao Bằng, Lai Châu, Đắk Nông, Bắc Kạn, Hà Giang, Sơn La.

Theo ông Tuấn, PCI năm 2016 ghi nhận sự nỗ lực cải cách ở các địa phương, các điểm số giữa nhóm đầu và nhóm cuối được rút ngắn, các tỉnh đã  “vượt lên chính mình”.

Trong 10 năm qua, PCI ghi nhận ở các địa phương cải thiện rõ rệt nhất ở lĩnh vực gia nhập thị trường, tiếp theo là các lĩnh vực đào tạo lao động, tính năng động và dịch vụ hỗ trợ DN. Nếu năm 2006, một DN trung bình mất 20 ngày để đăng ký thành lập, nay chỉ mất 7 ngày.

Chia sẻ về vị trí dẫn đầu, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - ông Nguyễn Xuân Anh cho rằng, Đà Nẵng coi sự thành công của DN là thành công của chính quyền. 

“Chúng tôi cố gắng để cộng đồng DN đến kinh doanh làm ăn có sự thuận lợi, có niềm tin vào lãnh đạo thành phố. Đà Nẵng sẽ là mảnh đất đáng sống cho tất cả mọi người, đặc biệt cho cộng đồng DN”. Tuy nhiên, theo ông Xuân Anh, vị trí dẫn đầu PCI cũng là một áp lực lớn, đặc biệt là từ những địa phương đứng sau đang có sự cải cách mạnh mẽ. Đà Nẵng cần tiếp tục nỗ lực cải thiện các chỉ số như tiếp cận đất đai, đào tạo lao động, tính minh bạch và sự cạnh tranh bình đẳng…

Trong khi đó, nói về sự cải thiện của Thủ đô, ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, trong năm 2016, thành phố đã chú trọng tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính của đội ngũ công chức trên tinh thần “5 rõ”: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả” và “một việc - một đầu mối xuyên suốt”. “Những nỗ lực này bước đầu được cộng đồng DN ghi nhận, thể hiện rõ nhất ở chỉ số thành phần chi phí thời gian và chi phí không chính thức”- ông Nam nói. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nam cho biết có được kết quả này là nhờ sự đổi mới công tác chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Lãnh đạo TP khi đi làm việc đều có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ.

Chấm điểm công chức

Nhiều thực tiễn tốt về cải thiện chỉ số PCI cũng đã được giới thiệu trong đợt công bố năm nay, đặc biệt là ở nhóm “ngôi sao”.  Là nôi của mô hình “cà phê doanh nhân” ở Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Đồng Tháp, cho biết, từ cuối 2015, tỉnh đã lập mô hình cà phê doanh nhân ngay trong khuôn viên UBND tỉnh.

“Nhiều giấy tờ thủ tục hơn, phải đi lại nhiều lần hơn, hiệu quả làm việc của cán bộ công chức thấp hơn, các thủ tục hành chính trên suốt chặng đường hoạt động của DN dường như chưa bao giờ thôi là gánh nặng với họ”.

Ông Đậu Anh Tuấn

“Cà phê doanh nhân diễn ra mỗi sáng. Chủ tịch, phó chủ tịch, giám đốc các sở ngành sẽ dành thời gian từ 6 giờ 30 đến 7 giờ 30 phút ngồi ở quán cà phê để xử lý vấn đề của DN. Bằng cách này, có thể chỉ mất vài chục phút là tháo gỡ cho họ, chứ nếu theo đường hành chính, muốn đến UBND tỉnh phải qua các sở, ngành, thời gian có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng”- ông  Hùng nói.

Theo ông Hùng, qua môi trường cà phê doanh nhân, không chỉ lãnh đạo tỉnh tháo gỡ cho DN, mà DN cũng có thể chia sẻ lại cho lãnh đạo tỉnh, về ngành nghề kinh doanh mới, chủ trương kế hoạch mới từ góc độ là thị trường.

Tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này cho biết, mô hình trung tâm hỗ trợ đầu tư, trung tâm hành chính công, và “thổi lửa”chỉ số PCI xuống cấp huyện, thị đang vận hành hiệu quả. “Trung tâm hỗ trợ đầu tư – là tai mắt, cánh tay nối dài của lãnh đạo tỉnh, như là nhạc trưởng trong dàn hợp xướng và để thành công phải gắn trung tâm hành chính công. Tại đây, các thủ tục hành chính đồng thời được giải quyết, chứ không để thủ tục này, chờ thủ tục kia. Tại Trung tâm sẽ có nút bấm, đo mức độ hài lòng của DN, người dân”- ông Thành nói.

Còn ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN (Sở KH&ĐT) Cần Thơ cho biết, mới đây, thành phố đã quy định dành hẳn ngày thứ hai, hạn chế các cuộc họp không cần thiết để lãnh đạo thành phố, sở, ngành, quận huyện tiếp xử lý tại chỗ các kiến nghị của DN.

Ngoài ra, năm qua, Cần Thơ cũng lập một trung tâm để hỗ trợ DN; DN chỉ cần đến 1 cửa, để lấy thủ tục là xong. Chính quyền thành lập các đoàn, xuống tận các DN để lắng nghe…Trong khi đó, tại Đà Năng “Nụ cười công chức” do Hội DN trẻ Đà Nẵng tổ chức bình chọn hàng năm gây sự chú ý. Đây là ý kiến của cộng đồng DN, chấm thái độ phục vụ của công chức các sở, ngành, kể cả thuế, hải quan… để chọn 10 gương mặt tôn vinh.

Công bố PCI 2016: Vẫn lo ngại phí bôi trơn, hoa hồng ảnh 1

Một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê gặp khó vì không được vay ngoại tệ. Ảnh: Hoàng Thiên Nga.

Quà cáp, “hoa hồng” thành văn hóa

Theo ông Đậu Anh Tuấn, qua khảo sát, cộng đồng DN còn lo ngại tính minh bạch, chi phí không chính thức, chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai.

Năm qua, trung bình có khoảng 66% DN thường xuyên chi trả các khoản không chính thức, cao hơn giai đoạn 2008-2013. Ngoài ra, cộng đồng DN cũng cho rằng, tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN vẫn phổ biến. Chỉ tiêu này dù được cải thiện trong hai năm qua, nhưng vẫn cao so với các năm trước đó. “Liên tục trong ba năm qua, cứ 3 DN thì 1 DN phải dành trên 10% quỹ thời gian của mình để thực hiện thủ tục hành chính” - ông Tuấn nói. Ngoài ra, thời gian trung bình cho mỗi cuộc thanh, kiểm tra thuế năm 2016 đã tăng trở lại.

Năm 2016, tình hình sử dụng đất theo đánh giá của DN cũng bấp bênh hơn bao giờ hết. Các DN tham gia điều tra năm này cho rằng, rủi ro bị thu hồi đất của họ ở mức cao kỉ lục. Trong trường hợp xấu nhất nếu bị thu hồi, chỉ 25% doanh nghiệp tin tưởng sẽ được đền bù thỏa đáng, giảm mạnh so với các năm trước (30-40%).

GS TS Edmund Malesky, Đại học Duke (Mỹ) - Trưởng nhóm nghiên cứu PCI cũng phản ánh, với DN FDI, dù chi phí gia nhập thị trường và tham nhũng vặt đã giảm bớt, nhưng các quy định hậu đăng ký tại Việt Nam vẫn còn phiền hà, đặc biệt là tình trạng một số DN bị thanh tra, kiểm tra quá mức.

 Đứng đầu danh mục phiền hà là các thủ tục về thuế, phí, bảo hiểm xã hội và thủ tục thông quan. Có gần 50% DN đã chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục thông quan, so với năm 2015. Tới 45% DN đã đưa quà và các chi phí không chính thức trong đợt thanh, kiểm tra trong năm 2016. Trong trường hợp đưa quà hay hối lộ, chỉ 8% DN cho biết bị cán bộ thanh, kiểm tra đòi hỏi. “Hối lộ đã trở nên quá phổ biến tới mức thậm chí hai bên cũng không cần phải trao đổi với nhau”- GS Malesky bình luận.

MỚI - NÓNG