Hà Nội, TPHCM lọt nhóm điều hành tốt về năng lực cạnh tranh

TPO - Đà Nẵng lần thứ 4 giành vị trí “quán quân” trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016. Trong khi đó Hà Nội và Hải Phòng lần đầu tiên qua nhiều năm điều tra PCI đã vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành tốt.

Sáng 14/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp tổ chức USAID (Mỹ) công bố chỉ số PCI năm 2016.

Theo đó, xếp sau Đà Nẵng, là những “ngôi sao” về cải cách khác là Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bình Dương, Lào Cai.

Bảng xếp hạng PCI 2016 chứng kiến sự đổi ngôi của Quảng Ninh và Đồng Tháp. Theo đó, Quảng Ninh đã vượt qua Đồng Tháp để giữ vị trí số 2 của bảng xếp hạng, lần đầu tiên đạt thứ hạng cao nhất của tỉnh này trong 12 năm điều tra PCI.

Trong khi đó, Đồng Tháp đứng ở vị trí số 3, tiếp tục duy trì lần thứ 9 liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chất lượng điều hành.

Bất ngờ lớn nhất trên bảng xếp hạng PCI năm nay là sự quay trở lại ấn tượng của Bình Dương trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu, sau nhiều năm nằm trong nhóm khá.

Trên bảng xếp hạng PCI 2016, các địa phương Vĩnh Long, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc và Quảng Nam lần lượt góp mặt vào nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.

Điểm rất đáng ghi nhận trong PCI 2016 là sự cải thiện điểm số PCI của cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Hà Nội và Hải Phòng lần đầu tiên qua nhiều năm điều tra PCI đã vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành tốt, lần lượt ở vị trí 14 và 21 trên bảng xếp hạng.

Năm nay, điểm số PCI của Cần Thơ đạt 61,14 điểm, xếp thứ 11/63 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Trong khi đó, nhóm các tỉnh đứng cuối bảng xếp hàng, từ dưới lên là Cao Bằng, Lai Châu, Đắk Nông, Bắc Kạn, Hà Giang, Sơn La.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, PCI năm 2016 ghi nhận sự nỗ lực cải cách ở các địa phương, các điểm số giữa nhóm đầu và nhóm cuối được rút ngắn, các tỉnh đã  “vượt lên chính mình”.

Khảo sát PCI trong suốt giai đoạn 2006-2016 ghi nhận những cải thiện rõ rệt nhất ở lĩnh vực gia nhập thị trường, tiếp theo là các lĩnh vực đào tạo lao động, tính năng động và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo đó, các DN cho biết, nếu năm 2006, một doanh nghiệp tại tỉnh trung vị trung bình mất 20 ngày để đăng ký thành lập doanh nghiệp, thì nay chỉ mất 7 ngày, mức thấp kỉ lục trong vòng 12 năm điều tra PCI. Tỉ lệ doanh nghiệp phải chờ hơn một tháng để chính thức đi vào hoạt động đã giảm một nửa, từ 26% xuống còn 13%.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, một số vấn đề qua khảo sát, cộng đồng DN còn quan ngại là tính minh bạch, chi phí không chính thức, chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai. 

Hà Nội, TPHCM lọt nhóm điều hành tốt về năng lực cạnh tranh ảnh 1

Bảng xếp hạng PCI năm 2016.

Năm 2016, 66% doanh nghiệp cho rằng, họ sử dụng các mối quan hệ để tiếp cận thông tin, cao hơn 16 điểm phần trăm so với mốc thấp lịch sử năm 2008. Lưu ý rằng mức biến động của chỉ tiêu này tương đối mạnh, trồi sụt theo thời gian và chưa có xu hướng cải thiện ổn định, bền vững.

PCI cũng ghi nhận rằng, chi phí không chính thức giai đoạn 2014-2016 chưa có dấu hiệu cải thiện so với mốc năm 2006. Năm qua, trung bình có khoảng 66% doanh nghiệp biết thường xuyên chi trả các khoản không chính thức, cao hơn 12-15 điểm phần trăm so với giai đoạn 2008-2013.

Có 9%-11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2014-2016 cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước đó.

Ngoài ra, doanh nghiệp cho rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến, chỉ tiêu này dù được cải thiện trong 2 năm qua (giảm từ 65% năm 2013-2014 xuống còn 58% năm 2016) nhưng vẫn cao so với kết quả điều tra các năm trước đó (2006-2012).

Kết quả điều tra PCI 2016 cũng cho thấy, vẫn tồn tại một “sân chơi” chưa bình đẳng giữa các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Thiệt thòi nhất vẫn là nhóm doanh nghiệp dân doanh nhỏ và vừa.

Trong hai năm qua, hơn 38% doanh nghiệp vẫn cho biết “tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp”, tăng 6% so với năm 2013. Đồng thời, hơn 42% doanh nghiệp cho rằng “tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước”, tăng 14% so với năm 2013.

MỚI - NÓNG