Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến đối với dự thảo Chương trình số 03 “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020”.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Tứ, trong 5 năm qua, môi trường đầu tư, kinh doanh của Hà Nội được cải thiện đáng kể, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tăng liên tục trong 3 năm trở lại đây. Tuy vậy, đến năm 2015, chỉ số CPI của Hà Nội vẫn xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố trong cả nước…
Ban chấp hành Đảng bộ thành phố đánh giá, kinh tế Thủ đô còn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện nhưng còn chậm so với yêu cầu.
Để khắc phục hạn chế này, dự thảo Chương trình 03 của Thành ủy đặt ra mục tiêu cụ thể là trong vòng 5 năm tới, sẽ nâng vị trí của Hà Nội trong bảng xếp hạng các chỉ số PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) và chỉ số PCI trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước. Song qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, để hoàn thành được các mục tiêu nói trên, bên cạnh việc phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm thì quan trọng nhất vẫn là khâu tổ chức thực hiện phải đạt hiệu quả.
Giải đáp những băn khoăn của các đại biểu, nhất là những lo lắng về việc liệu chỉ số PCI của Hà Nội có lọt được vào top 10 trong 5 năm tới hay không, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, đây là chỉ tiêu hoàn toàn trong tầm tay của thành phố nếu thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp đồng bộ đã đề ra.
“Hiện nay, Ban cán sự Đảng UBND TP đã xây dựng kế hoạch chi tiết, tất cả những chỉ số nào của Hà Nội hiện đang thấp sẽ phải tập trung để nhanh chóng cải thiện trong 5 năm tới, gắn với vai trò, trách nhiệm trực tiếp của các sở ngành, kiên quyết phấn đấu để 5 năm tới Hà Nội phải nằm trong top 10 về PCI”, ông Chung nhấn mạnh.