Kỳ 2 và hết

Bác Khê hồi cư ký

GS Trần Văn Khê lắng nghe tư liệu hát ca trù cửa đình của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền tại tư gia, tháng 1/2015. Ảnh: Cao Hoàng Khương.
GS Trần Văn Khê lắng nghe tư liệu hát ca trù cửa đình của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền tại tư gia, tháng 1/2015. Ảnh: Cao Hoàng Khương.
TP - Được mọi người trong nước đón chào nồng hậu quá, giáo sư đâm lo. Vào bệnh viện, mối băn khoăn về bảo hiểm y tế được giải tỏa. Quãng đời “vô gia cư” khép lại, ông nhận thấy mình chưa bao giờ cô đơn.

100% và tình thương

Chiều hai bữa sau, cô Thủy (Giám đốc Sở VHTT TPHCM Trương Ngọc Thủy- PV) làm bữa tiệc lớn đãi tôi tại Majestic. Tôi cảm động, không phải mình trở về lủi thủi, mình được chánh quyền đưa tay đón nhận- là chuyện tôi không chờ đợi. Đón với chân tình, người nào cũng làm chức lớn hết, nói chuyện kêu tôi là bác xưng con hết.

Tôi nhớ hồi tôi ra đi có mình Năm Châu soạn giả cải lương tiễn tôi thôi. Về ghé lần đầu thì Năm Châu là người đi đón tôi, ôm tôi nói thế này: “Anh Khê ơi, cái ngày anh đi tôi tiễn anh. Ngày anh bước chân trở về tôi đón anh. Tôi tiếc tôi không phải là nhạc sĩ để tặng anh một bản nhạc, tôi tiếc tôi không phải họa sĩ để tặng anh một bức họa, tôi tiếc tôi không phải thi sĩ để làm một bài thơ mừng anh hôm nay. Xin anh vui lòng nhận nơi tôi một bản nhạc không có âm thanh, một bức họa không màu sắc, và một bài thơ không lời. Anh giữ lấy từ trong tim tôi đưa ra…”. Thì đã là một bài thơ, đã là một cái tình.

Trong Majestic biết tôi về, mấy đứa nhỏ cũng mừng: “Trời nghe nói bác sửa sang về đây ở tụi con vui vô cùng!”. Cái chuyện mình ở mình đi mà bao nhiêu người xúc động… Ra ngoài đường, chauffeur (tài xế- PV) taxi rồi ai gặp cũng: “Nghe báo chí nói bác về luôn đem cho cả tài sản của bác nữa!?”. Đừng nói tài sản! Cái này chỉ là hiện vật dính liền với đời sống và nghề nghiệp của một con người, kể cả tờ giấy vụn, không phải cái gì lớn…

Mấy đêm đầu còn ở khách sạn chưa có cảm giác nhà của mình. Khách sạn tôi đi thế giới hổng biết bao nhiêu. Cứ giật mình dậy thấy mình đang trong khách sạn. Cho nên, có người coi tử vi cho tôi, không biết tên tôi, nói: “Người này lạ quá, tôi thấy người này không trong chính phủ, không làm chức gì lớn, tại sao cách đi về xuất vi vươngnhập vi chúa - ra đi như ông vua trở về như ông chúa. Hổng biết làm nghề gì nhưng người này không ở trong nước này, phải đi tha phương cầu thực mà vô gia cư” (cười). Tôi nghĩ hôm nay mình về đây, sắp hết vô gia cư, không còn tha phương cầu thực.

Về đây viết một bài báo trả mình 600 ngàn đồng, hồi đó tới giờ mình viết bao nhiêu báo bên Tây chuyện này chuyện kia có được xu nào đâu! Trong nước nghèo mà trả mình như vậy. Rồi chỗ này mời nói chuyện phong bao 500 ngàn… Lạ quá, mà sung sướng ghê lắm. Cảm giác thanh khiết, giống như mình gặp gia đình, gặp cha gặp mẹ mà nghĩ mình sẽ không rời nữa, giúp nó quên cái đau khổ hồi bên Tây, chỉ nghĩ mình sắp được vui. Nhưng đợi hoài nhà cửa chẳng có mà lê đồ đạc hết khách sạn này qua khách sạn kia. Nhưng tôi không nóng nảy, hối hả, bao giờ nó tới là nó tới…

Tới chừng vô nhà lần đầu tiên, giật mình nói ủa, hồi nào tới giờ mình chưa có nhà. Hồi nào tới giờ mình ở trong thư viện và phòng làm việc, sách vở, tư liệu đầy, hổng có chỗ ngồi chơi. Có một cái ghế cannée (ghế mây - PV) để tiếp khách, một cái bàn ăn có thể đãi chừng 5-6 người thôi, ngoài ra toàn sách hết, từ trên xuống dưới, kể cả dưới gầm giường. Cái giường của tôi có chín chục phân, như là giường của ông cha hay ông thày tu vậy, nằm lăn qua lăn lại lơ mơ té thì chết… Tô Vũ (nhạc sĩ) qua thấy cái nhà hết hồn: “Trời ơi, tôi tưởng anh ở nhà ít nhất có salon sang trọng trong biệt thự này kia không ngờ anh ở chung cư tầng 9 mà toàn là sách vở nghiên cứu không!”.

Không cô đơn

Hồi tôi đau nặng, đau một cái quá trời quá đất. Vô bệnh viện làm siêu âm đủ thứ, tính ra đâu 4-5 chục triệu. Thì cũng có thể trả được, không phải quá sức đối với tôi nhiều lắm, nhưng tốn thế cũng nhiều. Tới chừng hỏi nhà thương cho thanh toán tiền. Trả lời: “Anh về khỏi thanh toán!” Bác sĩ không ai chịu lấy tiền. Ông giám đốc nói ổng là người Tiền Giang, một người Tiền Giang đau thì ông giúp. Huống chi ổng là con một người thầy cũ dạy tôi, thành ra ổng nhất định không lấy tiền. Chỉ yêu cầu giáo sư đi ra viết cho một tờ giấy nói cảm tưởng ở trong nhà thương như thế nào. Tờ tôi viết họ in lớn treo ở trước cửa (cười). Cái thứ nhì, họ yêu cầu nói một buổi về âm nhạc và y học cho bác sĩ và một số bệnh nhân. Lúc đó tôi mới cười nói với học trò: “Trời đất ơi, thầy cũng đâu có ngờ rằng một cái trang viết và một buổi nói chuyện của thầy năm chục triệu!”.

Mổ con mắt, bà giám đốc nói: “Để tôi coi cho giáo sư!”. Coi rồi nói cái này bây giờ phải làm lazer. Hai bác sĩ trẻ lại coi: “Để cháu làm cho bác liền!”. Vô coi 8 giờ sáng, 10 giờ rưỡi xong hết ráo trọi. Bên Tây tôi phải đợi có khi cả tháng mới có một buổi. Hỏi để thanh toán tiền bả nói hổng có. Tất cả mấy bác sĩ ai mà nghe nói giáo sư đau thì đứa nào cũng sẵn sàng tới mà không ai chịu lấy tiền hết. Chừng thằng Dũng (Nguyễn Thế Dũng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - PV) giới thiệu vật lý trị liệu cũng không lấy tiền, điện tim cũng không lấy tiền, tai mũi họng hổng lấy tiền, mà còn sắp đặt cho tôi vô ưu tiên. Thành ra tôi nói, trời đất ơi, hồi ở bên Tây mình được 100% bảo hiểm, mà đó là cái quyền của mình, mình đóng tiền, mình đau nặng, theo luật pháp nó phải làm vậy thôi, chứ không phải tình thương. Bây giờ mình về đây 100% tình thương!

Từ hồi về tới bây giờ, tình thương nó đến với mình một cách ồ ạt, khiến tôi giật mình. Tôi cám ơn người thiêng liêng nào đó, mà tôi cũng sợ nữa. Bởi cái luật bù trừ hễ khi nào mình được đầy quá thì nó sẽ mất. Cho nên thỉnh thoảng mất tiền, tôi nói của đi thay người. Lâu lâu tôi phải bệnh để đặng trừ lại cái chuyện… tôi chết thì sao?! Thà bệnh mà không chết (cười).

Kể ra trong đời tôi chưa có lúc nào tôi sống trong hạnh phúc bằng lúc này. Sống một mình nhưng không cô đơn. Tôi nhớ hồi xưa tôi họa thơ của ông Bùi Khánh Đảng: Cuộc sống cô đơn dẫu kéo dài/Vẫn tìm tiên cảnh dưới trần ai/Gió xuân luôn đón nơi phong các (phòng tôi tôi cho là cái lầu đón gió mà!)/Trăng hạ thường xem chốn nguyệt đài/Vững bám hồn thơ xa thế tục/Nhẹ đưa cánh nhạc đến thiên thai/Cuộc đời cô độc nhờ thơ nhạc/Vui kém chi người vẹn trúc mai.

Tự an ủi mình bằng câu thơ mình nói ra chứ thật ra thì lòng tôi nhiều khi thấy cũng cô đơn, cũng hơi buồn chút vậy. Cái đó tôi viết từ lâu lắm, sau có người học trò cũ tính về ở luôn với tôi. Tôi cho coi bài thơ đó, cổ nói: “Như vậy thì thầy hổng cần em nữa. Em thua một lần nữa…”. “Không, cái đó mình nói để mà khẩu khí thôi, thật ra bây giờ anh đổi ra: Cuộc đời cô độc dầu âm nhạc/Chẳng thể nào bằng vẹn trúc mai!”(cười). Sau đó cô về ở cùng một tháng, trước khi mất vì ung thư.

Nghẹn ngào tiễn đưa GS Trần Văn Khê 

Từ sáng sớm, những người tới tiễn đưa GS.TS Trần Văn Khê về nơi an nghỉ cuối cùng tập trung rất đông trước  tư gia - nơi đặt đặt linh cữu GS. Như ước nguyện của GS, lễ tang được thực hiện theo phong tục cổ của người Nam bộ. Đọc lời ai điếu, con trưởng của GS, GS Trần Quang Hải không nói gì nhiều về công trạng của cha mà chỉ nói về sự tiếp nối. Nén buồn đau, GS Hải nghẹn ngào: “Với tôi, cha tôi không chỉ là người cha mà còn là người thầy, người đồng nghiệp trên con đường bảo vệ và phát triển âm nhạc, phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam. Những năm vừa qua, cha tôi đã làm hết sức mình để những giá trị âm nhạc dân tộc ở khắp Việt Nam được UNESCO vinh danh trên thế giới như cồng chiêng Tây Nguyên, ca Huế, ca trù… và đặc biệt là đờn ca tài tử. Tiếp bước sự nghiệp của cha tôi, trong thời gian vừa qua tôi đã tham gia nhiều dự án để trong năm nay, hát kịch và bài chòi miền Trung sẽ tiếp tục được vinh danh, và những năm tới đây hát chầu văn, hát then sẽ tiếp tục được thế giới biết tới”.

Bác Khê hồi cư ký ảnh 1 Con trai trưởng Trần Quang Hải (người đi đầu đoàn tang chế) trong lễ tang.
Đúng 6 giờ sáng, linh cữu được đưa ra khỏi nhà trong tiếng kinh trầm mặc. Hai bên đường, đoàn người tiễn đưa dường như dài mãi. Tại đại lộ Bình Dương, hàng ngàn người dân đứng ven đường trông theo xe tang tiễn biệt GS. Tại trường đại học Bình Dương, nơi GS Trần Văn Khê từng giảng dạy, sinh viên đứng chật ven đường với đóa cúc trắng trên tay chào GS lần cuối cùng. Một dòng chữ lớn trên băng rôn: “Tiễn biệt GS.TS Trần Văn Khê”. Nhiều sinh viên bật khóc khi đoàn xe tang đi qua.

Tại Đài hóa thân Hoàn vũ ở Nghĩa trang Hoa Viên- Bình Dương, sau nghi lễ Phật giáo, TS Nguyễn Nhã đọc bài thơ “Khóc GS.TS Trần Văn Khê” mà ông vừa viết.

GS Trần Quang Hải cho biết đã có hơn 500 đoàn khách tới viếng thân phụ ông và trên 300 lá thư chia buồn từ khắp thế giới được gửi đến gia đình. Theo di nguyện của GS Khê, toàn bộ số tiền phúng điếu sẽ được dùng lập quỹ học bổng mang tên GS.TS Trần Văn Khê.

Theo GS Trần Quang Hải, tro cốt GS được đặt tại nhà riêng (32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TPHCM), nơi sẽ trở thành Nhà lưu niệm Trần Văn Khê theo ý nguyện của GS khi đang sống. 

  Trọng Thịnh

Kỳ I: Bác Khê hồi cư ký

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.