> Có một Đội quân báo thiếu niên
> Vinh danh Anh hùng Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt
Đoạn hồi ức dưới đây trích từ bài ông Kobelev E.V. trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Mátxcơva và tòa soạn tạp chí Những vấn đề Vùng Viễn Đông.
Tôi trước hết là vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể nói rằng, chính nhờ Người, mà năm 1958, cuộc đời tôi đã có một bước ngoặt bất ngờ nhưng vô cùng thú vị.
Một trong những văn kiện được ký kết sau kết quả chuyến đi thăm chính thức của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến đất nước chúng tôi vào năm 1955 là hiệp ước giữa chính phủ hai nước về việc trao đổi giáo dục công dân Việt Nam trong các trường đại học và cao đẳng Liên Xô cũng như xem xét việc trao đổi sinh viên hàng năm giữa hai nước.
Sau những năm đầu khi hiệp ước được ký kết, đã có hơn 3 nghìn thanh niên Việt Nam trở thành sinh viên các trường đại học ở Liên Xô.
Sau này một chuyên viên ở Bộ Đại học Liên Xô có kể với tôi rằng, năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Mátxcơva và trong một buổi chuyện trò với đại diện chính phủ, Người có bày tỏ tiếc nuối rằng, Việt Nam đã cử sang Liên Xô hàng nghìn sinh viên thế nhưng phía Liên Xô cho đến lúc đó chưa có một người nào sang Hà Nội học.
Khi đó tôi đang là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Ngôn ngữ Phương Đông thuộc trường Đại học Tổng hợp Mátxcơva (nay là trường Đại học các nước Á Phi thuộc Đại học Tổng hợp Mátxcơva), đang học tiếng Việt, lịch sử và văn học Việt Nam.
Tôi đang mơ ước viển vông là sẽ được đến đất nước xa xôi và mến yêu này thì bỗng nhiên nhận được quyết định của Trưởng khoa là ngay lập tức chuẩn bị giấy tờ cho chuyến đi. Chỉ 3 tuần sau, tôi đã đứng trên sân ga Hàng Cỏ trong đoàn những lưu học sinh Nga đầu tiên đến học ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa Triết-Lịch sử.
Chưa đầy nửa năm sau khi đến Hà Nội, tôi may mắn được gặp và nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Mùa xuân năm 1959, sinh viên trường Đại học Tổng hợp cùng với nhân dân Thủ đô tham gia vào ngày chủ nhật lao động cộng sản trồng cây xung quanh hồ Bảy Mẫu. Hoàn toàn bất ngờ, vào lúc cao trào nhất thì Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện giữa các sinh viên và học sinh.
Theo đúng phong cách của mình, Người nói chuyện thân tình, đùa với mọi người và cùng xới đất trồng cây. Những năm đó, hồ Bảy Mẫu là bãi đất trống bỏ hoang, còn bây giờ sau hơn 50 năm xung quanh hồ là một công viên rộng lớn, được chăm sóc chu đáo, có tên là Thống Nhất.
Những năm sau này khi đến Hà Nội, tôi luôn bớt thời gian để đi qua công viên này và hồi tưởng lại những tháng năm tuổi trẻ, mùa xuân đầu tiên ở Thủ đô và tất nhiên là buổi gặp đầu tiên với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuộc gặp gỡ tiếp sau và cũng là hồi ức xúc động nhất- đó là Đại hội lần thứ 22 Đảng Cộng sản Liên Xô (năm 1961). Khi đó tôi còn là sinh viên, nhưng được tin tưởng giao nhiệm vụ dịch ca bin lời chào mừng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam.
Trong Đại hội lần thứ 22, lần đầu tiên người ta tổ chức nhóm dịch ca bin gồm những người Nga nghiên cứu về Việt Nam. Chúng tôi hoàn toàn không có chút kinh nghiệm nào với kiểu dịch khó này.
Do vậy sau ngày làm việc đầu tiên của Đại hội, đại diện Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô quan tâm hỏi phía đoàn Việt Nam xem họ thấy công tác dịch thuật thế nào.
Không bao giờ tôi quên được, sau khi nhận xét ngắn gọn về từng người chúng tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về tôi như sau: “Chàng trai có giọng barinton (nam trung - TP) này nói tiếng Hà Nội chuẩn”.
Có nghĩa là các thầy giáo dạy tiếng Việt của khoa Triết-Lịch sử của trường Đại học Tổng hợp - các giáo sư Nguyễn Thành Nam, Nguyễn Phan Cảnh và các thầy giáo mà tôi không bao giờ quên được - đã dạy dỗ tôi không vô ích. Lòng biết ơn của tôi với những con người và nhà sư phạm tuyệt vời này sẽ còn mãi suốt đời.
Bìa cuốn “Đồng chí Hồ Chí Minh”. |
Trong thời gian làm phóng viên thường trú của Hãng thông tấn Liên Xô TASS tại Việt Nam (1964-1967), dĩ nhiên tôi thường xuyên có mặt trong các buổi họp chính thức có sự tham gia của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hai năm sau khi Mỹ bắt đầu cuộc không kích chống lại Việt Nam, tại Hội trường Ba Đình có tổ chức Hội nghị chiến sĩ xuất sắc toàn quốc, trong đó tôi được mời với tư cách phóng viên báo chí.
Sau khi một nhóm lớn các sĩ quan và chiến sĩ được trao tặng huân chương và danh hiệu Anh hùng, thì từ bàn chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh bất ngờ đứng dậy, phát biểu ngẫu hứng và đầy tình người. Giọng nói đặc trưng xứ Nghệ của Người làm tôi khó khăn khi nắm bắt tất cả các từ, tuy nhiên may mắn làm sao, anh sĩ quan pháo thủ ngồi cạnh tôi đã vui vẻ đồng ý làm phiên dịch cho tôi sang tiếng Hà Nội.
Tôi còn nhớ rõ những ý chính bài phát biểu: Dân tộc Việt Nam không thể bị khuất phục, Mỹ càng leo thang chiến tranh, thì nhân dân chúng ta càng sản sinh thêm nhiều anh hùng: minh chứng rõ ràng nhất cho việc này là ngôi sao danh hiệu anh hùng lấp lánh trên ngực áo phần lớn các chiến sĩ dự Hội nghị.
“Chàng trai có giọng barinton (nam trung) này nói tiếng Hà Nội chuẩn”. Bác Hồ nhận xét sau khi nghe sinh viên khoa Triết - Lịch sử ĐH Tổng hợp Hà Nội Kobelev dịch ca bin cho Đoàn Việt Nam tại ĐH XXII Đảng Cộng sản Liên Xô |
Trong thời gian làm việc ở Ban Quốc tế Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (1968-1991), tôi đã nhiều lần gặp gỡ với Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tôi có may mắn một lần được bay với đồng chí Lê Duẩn 2 tiếng đồng hồ trong một chuyến bay.
Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Liên Xô, trong đó có tôi, bay qua Hà Nội đến Phnômpênh dự Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia. Ở sân bay Hà Nội, chúng tôi được thông báo rằng Tổng Bí thư Đảng Cộng sảnViệt Nam mời chúng tôi sang chuyên cơ của mình.
Chúng tôi bay gần 2 tiếng đồng hồ trên lãnh thổ Việt Nam, phía dưới trải dài dải núi Trường Sơn đẹp đến ngỡ ngàng. Nhìn qua cửa sổ, đồng chí Lê Duẩn kể cho chúng tôi về thời trẻ cách mạng của mình, nơi tuổi trẻ của ông đã đi qua đâu đó ở vùng này, trên con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại trên dải núi này, về chuyện ông đã nhiều lần dùng con đường này từ thời chống thực dân Pháp.
Ông kể trong những năm tháng cuộc đấu tranh lần 2 chống Mỹ xâm lược, con đường mòn này đã biến thành con đường vận tải huyết mạch nhân tạo trong rừng rậm ra sao, nơi các chiến sĩ tình nguyện đi từ Bắc vào Nam, vận chuyển vũ khí và lương thực.
Còn cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với đồng chí Phạm Văn Đồng diễn ra từ năm 1960 xa xôi khi tôi còn là sinh viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Có một lần ở sứ quán của chúng tôi có chuyện trục trặc xảy ra với phiên dịch viên (lúc đó cán bộ đại sứ quán biết tiếng Việt rất ít) và ai đó nói với ông đại sứ rằng có một sinh viên nói khá tốt tiếng Việt.
Thế là xe ô tô của sứ quán xuất hiện trước ngôi nhà trên phố Nguyễn Gia Thiều, nơi chúng tôi sống, và tôi nhận được chỉ thị lập tức đến Câu lạc bộ Quốc tế, nơi diễn ra lễ đón tiếp Bộ trưởng Thương nghiệp Liên Xô N.X. Patolitryov đến thăm Việt Nam. Nhiệm vụ của tôi là dịch buổi trò chuyện của ông với Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Cho đến giờ tôi vẫn nhớ, đó là hai tiếng đồng hồ khổ ải. Tôi vật lộn với không chỉ tiếng Việt mà cả tiếng Nga. Lúc đó hai người thảo luận khá lâu về việc cung cấp loại máy phay nào đó từ Liên Xô (lúc đó tôi còn không biết đó là loại máy gì, điều này thì có thể thông cảm được).
Tôi nhớ, đích thân đồng chí Phạm Văn Đồng, một con người rất nhiệt tình và dễ chịu đã giải thích cho tôi về chiếc máy và sau đó còn nói thêm: “Chàng trai, cứ mạnh dạn lên. Tiếng Việt của cậu tốt đấy”.
Evgheny Vasilievich Kobelev (sinh năm 1938) là tác giả nhiều công trình nghiên cứu và sách về Việt Nam, trong đó có cuốn sách nổi tiếng “Đồng chí Hồ Chí Minh”. Hiện nay ông là Phó chủ tịch Hội hữu nghị Nga - Việt, lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Việt Nam, ASEAN, Trường đại học Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga. |
Đặng Lan Phương
trích dịch