Ba tổng cục thuộc Bộ Tài nguyên phải sắp xếp lại vì 'không đáp ứng tiêu chí'

0:00 / 0:00
0:00
Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường.
TPO - Bộ Nội vụ thống nhất tổ chức lại 3 tổng cục gồm: Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Môi trường vì không đáp ứng tiêu chí thành lập tổng cục theo quy định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 4/4/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ này.

Theo Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà, qua hơn 4 năm thi hành và thực tiễn quản lý cho thấy nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ tại Nghị định phù hợp với chức năng. Tuy nhiên, theo quy định tại một số Luật chuyên ngành, vẫn còn có nhiều nội dung giao thoa, chồng chéo giữa nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ TN&MT với các Bộ, ngành khác trong các lĩnh vực: quản lý đất đai, môi trường, tài nguyên nước...

Trên cơ sở rà soát, đánh giá, Bộ TN&MT đề xuất tiếp tục duy trì 5 vụ (Hợp tác quốc tế, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch - Tài chính, Pháp chế, Tổ chức cán bộ), Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ. Theo Bộ trưởng Hà, đây là các đơn vị tham mưu tổng hợp mà trong cơ cấu tổ chức của hầu hết các Bộ đều có. Đồng thời kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong theo hướng: Không thành lập phòng trong Vụ (hiện tại có 3 vụ có tổ chức phòng); rà soát, kiện toàn các tổ chức thuộc Văn phòng Bộ và Thanh tra Bộ theo đúng tiêu chí thành lập.

Đối với các đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành, tiếp tục duy trì 4 Cục: Biến đổi khí hậu; Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; Quản lý tài nguyên nước; Viễn thám quốc gia. Bên cạnh đó sẽ giải thể Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền.

Về Tổng cục, Bộ này đề xuất tiếp tục duy trì Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Tổng cục Quản lý đất đai, đồng thời đưa ra phương án tổ chức lại 3 Tổng cục, cụ thể:

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Hiện nay, trong cơ cấu tổ chức của Tổng cục đã có 3 Cục: Quản lý điều tra cơ bản biển và hải đảo; Quản lý khai thác biển và hải đảo; Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Bộ đề xuất tổ chức lại Tổng cục này thành 2 đơn vị: Cục Điều tra, Quy hoạch biển và hải đảo và Cục Quản lý tổng hợp biển và hải đảo. Hai Cục này đều trực thuộc Bộ, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng tổng hợp chung về công tác quản lý nhà nước.

Tổng cục Môi trường: Hiện nay, Tổng cục này có 4 cục và 3 vụ chuyên ngành trực thuộc. Trường hợp không tiếp tục duy trì, Bộ TN&MT đề xuất tổ chức lại Tổng cục Môi trường thành 4 Cục, gồm: Cục Bảo vệ môi trường; Cục Quản lý chất lượng môi trường; Cục Quy hoạch và Đánh giá tác động môi trường; Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học.

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam: Tổng cục hiện có 4 cục chức năng và 2 vụ chuyên ngành. Trường hợp Tổng cục không tiếp tục được duy trì, Bộ đề xuất tổ chức lại theo hướng tách thành hai: Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản. Hai Cục này đều trực thuộc Bộ, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về khoáng sản trên phạm vi cả nước.

Cho ý kiến về ba Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Môi trường, Bộ Nội vụ thống nhất việc tổ chức lại các tổng cục này vì không đáp ứng tiêu chí thành lập tổng cục theo quy định tại Nghị định số 101 của Chính phủ.

Tuy nhiên, để thực hiện tổ chức lại các tổng cục này, Bộ Nội vụ đề nghị xác định rõ phạm vi, đối tượng quản lý đối với từng lĩnh vực theo quy định của pháp luật chuyên ngành, bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp, cắt khúc để có cơ sở đề xuất thành các cục cho phù hợp, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đề án của Bộ TN&MT nêu: Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến hoạt động và việc bố trí, sắp xếp nguồn nhân lực của mỗi cơ quan, tổ chức; theo đó, sẽ làm xáo trộn dẫn đến tác động đến tâm tư, tình cảm của công chức, viên chức và người lao động. Khi triển khai thực hiện có thể có một số cơ quan, đơn vị thiếu quyết tâm chính trị, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Để khắc phục những khó khăn trên, mỗi cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trước hết phải làm tốt công tác tư tưởng, đoàn kết, nỗ lực lớn, chỉ đạo, hành động quyết liệt...

MỚI - NÓNG