Ba tàu sân bay Mỹ cùng lúc ở Thái Bình Dương ám chỉ điều gì?

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry tiến hành tập trận trên biển với USS Ronald Reagan vào cuối tháng 5
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry tiến hành tập trận trên biển với USS Ronald Reagan vào cuối tháng 5
TPO - Việc triển khai hải quân quy mô lớn không phải là ngẫu nhiên. Với việc Trung Quốc dường như lợi dụng đại dịch coronavirus mới để đẩy mạnh yêu sách của mình, Mỹ đã quyết tâm chống lại, bài báo của Forbes nhận định.

Vào ngày 3/4, một tàu Trung Quốc đã đâm chìm một chiếc thuyền đánh cá Việt Nam ở biển Đông.

Cũng trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc tuyên bố thành lập hai “đơn vị hành chính”, đặt trên các đảo nhân tạo.

Trong khi đó, Bắc Kinh tuyên bố đã thành lập trạm nghiên cứu mới trên Đá Chữ Thập.

Hai tháng sau vào giữa tháng 6, Hải quân Mỹ đã triển khai ba nhóm tác chiến tàu sân bay đến phía tây Thái Bình Dương. Mỗi nhóm có khoảng 20 tàu chiến mặt nước, một số tàu ngầm và gần 200 máy bay.

Việc triển khai hải quân quy mô lớn không phải là ngẫu nhiên. Với việc Trung Quốc dường như lợi dụng đại dịch coronavirus mới để đẩy mạnh yêu sách của mình, Mỹ đã quyết tâm chống lại.

Người Trung Quốc “không nghĩ hải quân Mỹ sẽ đưa ra tuyên bố mạnh mẽ để đáp trả như thế”, Jerry Hendrix, một phi công hải quân đã nghỉ hưu, hiện là nhà phân tích cho Trung tâm An ninh Mỹ mới ở Washington, D.C, viết trên Twitter.

Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 6/4 đã phản đối các động thái trên biển của Trung Quốc hồi đầu năm, bắt đầu bằng việc đâm va tàu bè. Đây là vụ việc mới nhất trong một chuỗi dài các hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở biển Đông, Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo.

Hải quân Mỹ mất nhiều thời gian hơn để huy động các tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, USS Nimitz và USS Ronald Reagan. Đại dịch đã tác động nghiêm trọng đối với thủy thủ đoàn của tàu Roosevelt và Reagan. Cả hai tàu đều trải qua đợt bùng phát dịch vào tháng Tư.

Hạm trưởng tàu Roosevelt Brett Crozier đã bị chỉ trích hồi cuối tháng 3 sau khi kêu gọi cấp trên cho phép ông cho thủy thủ đoàn rời tàu ở đảo Guam để xét nghiệm virus. Quyền bộ trưởng hải quân Thomas Modly đã miễn nhiệm quyền chỉ huy của Crozier sau đó bay tới đảo Guam để trách mắng các thủy thủ của Crozier. Gặp phản ứng dữ dội, Modly từ chức.

Kết hợp ba tàu sân bay là một kỳ công ngay cả khi không có đại dịch. Hải quân Mỹ có kế hoạch triển khai chỉ sáu trong số 11 tàu sân bay trong vòng 30 ngày trong một cuộc khủng hoảng, còn trong vòng 90 ngày thì có thêm tàu thứ 7. Năm trong số các tàu sân bay Mỹ thuộc Hạm đội Thái Bình Dương.

Lần gần đây nhất Hải quân Mỹ triển khai cùng lúc ba tàu sân bay vào Thái Bình Dương là vào năm 2017. Năm 1996, hạm đội Thái Bình Dương điều tàu USS Independence và tàu sân bay USS Nimitz cùng nhóm chiến đấu của nó đến gần Đài Loan để đối phó với các mối đe dọa của Trung Quốc.

Các sự kiện năm 1996 được xem là bước ngoặt trong sự phát triển của Trung Quốc. Trong khi Bắc Kinh đã bắt đầu chi tiêu nhiều hơn cho các lực lượng vũ trang, hiện đại hóa đã tăng tốc sau cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996, và ngân sách quốc phòng của Trung Quốc bắt đầu tăng nhanh, RAND, tổ chức nghiên cứu ở California nói trong một báo cáo năm 2015.

Hãy xem xét các tên lửa hành trình chống hạm phóng từ trên không của Trung Quốc. Trong  năm 1996, máy bay ném bom lạc hậu Q-5 của Trung Quốc có thể khai hỏa tên lửa YJ-81 ở vị trí gần 1.000km tính từ các căn cứ của chúng. Vào năm 2017, máy bay chiến đấu hiện đại J-16 trang bị  tên lửa YJ-62 có thể tấn công tàu khi cách căn cứ của chúng 1.600km.

Vì vậy, khi ba tàu sân bay Mỹ và đội hộ tống của chúng vào phía tây Thái Bình Dương hồi tháng 6, Bắc Kinh đã không ngần ngại phản đối.

“Bằng cách tập trung các tàu sân bay này, Mỹ đang cố gắng chứng minh với toàn bộ khu vực và thậm chí cả thế giới rằng họ vẫn là lực lượng hải quân hùng mạnh nhất, khi họ có thể tiến vào biển Đông và đe dọa quân đội Trung Quốc, tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc viết, mô tả chiến lược của Mỹ trong khu vực là “bá quyền”.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.