Nếu không tiến hành hạn chế ngay thì chỉ 3 năm nữa, chắc chắn Hà Nội, TPHCM không còn chỗ để xe chứ chưa nói lưu hành. Bên cạnh đó, việc phạt người đi xe máy đội mũ bảo hiểm không đạt chất lượng là hợp lý.
Hiện nay chúng ta có khoảng 35 triệu xe máy và 2 triệu ô tô. Tính riêng số xe máy trên dân số thì tỷ lệ ở Việt Nam cao nhất thế giới. Do vậy, tại các đô thị phải có lộ trình giảm dần xe máy. Ngoài ra, Hà Nội, TPHCM phải có lộ trình cấm lưu hành xe máy trong 10-15 năm nữa. Muốn vậy, phải phát triển phương tiện công cộng để người dân đi lại thuận tiện. Các loại phí đều có mục tiêu, cụ thể phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân là đánh vào khu vực cần hạn chế phương tiện như các đô thị, chứ không phải thu ở vùng sâu, xa. Ở những chỗ cần thiết vẫn phải thu phí hạn chế phương tiện và phí vào trung tâm.
Đúng ra hạ tầng phải đồng bộ với việc hạn chế phương tiện cá nhân. Tới đây, Hà Nội và TPHCM mỗi nơi sẽ mua thêm hơn 1.000 xe bus. Bộ Tài chính đã đồng ý miễn giảm thuế để giảm giá xe bus phục vụ công cộng. Trong năm 2012, sẽ triển khai ngay loại xe bus nhỏ để phủ kín mạng lưới phục vụ người dân. Tôi chắc chắn loại phí này sẽ tác động hạn chế phương tiện cá nhân. Lúc đó, người dân phải lựa chọn phương tiện hợp lý, ở gần thì đi bộ.
Nhiều người nói rằng, đề xuất xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt quy chuẩn là bất hợp lý và sao không xử phạt người sản xuất mũ. Nhưng qua kiểm tra thì những đơn vị sản xuất mũ bảo hiểm xe máy đều làm đúng quy chuẩn và dán tem. Còn những mũ hiện nay đang bán trên thị trường, họ nói không bán cho người đi xe máy, mà bán cho người đi xe đạp, mũ thời trang cho người đi bộ. Không thể xử lý những cơ sở sản xuất mũ giống mũ bảo hiểm để cho người đi xe đạp. Do vậy, đã đi xe máy là phải mua mũ đảm bảo chất lượng, có dán tem. Đây là trách nhiệm của người tham gia giao thông để bảo vệ chính mình”.