Dạy chữ cho 4 thế hệ người Mã Liềng
Bản Kè, Chuối, Cáo xã Lâm Hoá, Huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình là nơi định cư của tộc người Mã Liềng. Để một tộc người chuyên du canh, du cư và đang bên bờ vực suy vong về định cư, hoà nhập cộng đồng là một quá trình gian khổ của nhiều thế hệ. “Nhiều lớp cán bộ giúp người Mã Liềng lắm, nhưng họ đến rồi đi, không ai ở lại lâu như Athay Minh. Hơn 30 năm gắn bó, 4 thế hệ người Mã Liềng được học con chữ của Athay Minh. Già đây là thế hệ đầu tiên, đến con, rồi cháu và nay là đến chắt của già vẫn được Athay Minh dạy cho con chữ” - Già Cao Dụng tự hào và biết ơn khi nói về thầy giáo Lê Viết Minh.
Thầy Minh chụp ảnh lưu niệm cùng các học trò của mình |
Thầy Minh dạy chữ cho 2 học trò của mình |
Điểm trường tiểu học bản Cáo giờ ra chơi, bên bìa rừng núi Quạt, thầy Minh tâm sự: Năm 1989 sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) trở về quê hương xã Thanh Hoá, huyện Tuyên Hóa, ông Minh xin đi học Trung cấp tiểu học. Năm 1992, cựu binh Minh có bằng Trung cấp tiểu học Quảng Bình, được phân công về dạy học trò Mã Liềng ở bản Cáo. “Ngày ấy, từ nhà đến trường phải lội bộ theo đường mòn trong rừng mất mấy tiếng đồng hồ. Ban ngày tôi dạy học trò trong lán dựng tạm bằng tre nứa, ban đêm xoá mù cho người lớn trong ánh đuốc lập loè. Mùa nắng thì không sao, đến mùa mưa, làng bản bị cô lập, trường lớp dột tứ tung, sách vở, thầy trò ướt sũng nước” - thầy Minh nhớ lại.
Ông Trương Quang Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa đánh giá: “Thầy Minh là một tấm gương hy sinh vì đồng bào dân tộc thiểu số. Thầy đã đưa con chữ đến cả ba bản Kè, Cáo, Chuối cho 4 thế hệ đồng bào. Nhờ thầy Minh, đã có 1 học trò Mã Liềng trưởng thành đi học Đại học Y Huế, ra trường trở về quê công tác và giờ là Phó trưởng trạm Y tế xã Lâm Hóa.
Những ngày đầu thầy giáo Minh lên bản Cáo dạy chữ thì người Mã Liềng vẫn chưa toàn tâm, toàn ý với nơi ở mới, chỉ cần một biến cố nhỏ trong cuộc sống là họ lại lũ lượt kéo nhau vào rừng. “Có hôm về nhà nghỉ cuối tuần, đến đầu tuần trở lại lớp thì không thấy một bóng học sinh nào hết. Tôi chạy khắp bản cũng không một bóng người. Người Mã Liềng lại trốn vào rừng du canh, du cư theo nếp cũ. Tôi chạy về xã báo sự việc, rồi cùng đoàn cán bộ vào rừng tìm dân và tìm học trò của mình” - thầy Minh tâm sự.
Cũng những ngày đầu ấy, với trẻ em người Mã Liềng việc học xem như chẳng liên quan gì đến chúng, thích thì đến trường, không thích lại theo cha mẹ vào rừng săn bắt, hái lượm. Để giữ chân học trò, thầy Minh đã dành toàn bộ lương của mình mua gạo, mua nước mắm nấu cơm thầy trò cùng ăn. “Lương của tôi lúc đó mỗi tháng có 74.000 đồng, học trò thì đông, thế là phải đi vay mượn thêm để thầy trò đủ sống qua ngày. Vay mượn lắm cũng hết nguồn, vậy là những ngày nghỉ, tôi đi làm chặt gỗ thuê lấy tiền mua gạo phụ thêm bữa ăn” - thầy Minh kể.
Hồ Phong, một phụ huynh ở bản Chuối tấm tắc khen thầy Minh: “Người Mã Liềng may mắn gặp được Athay Minh. Cả 3 bản người Mã Liềng không ai là không biết ơn Athay Minh. Đợt dịch COVID-19, hơn một tháng không học được tập trung, Athay Minh lại đến từng nhà bày cho học sinh viết chữ. Hồi xưa khổ lắm, Athay Minh ở lại cắm bản, ăn cùng dân, ở cùng dân, mua gạo cho học sinh ăn nên ai cũng gọi là Athay Minh một cách kính trọng”.
Làm đơn xin trả lại thầy giáo
Nhờ có thầy Minh, người Mã Liềng biết đến con chữ và đang tạo lập cuộc sống ấm no hơn bằng cách trồng rừng từ cây giống bản địa |
Trong 30 năm làm nghề giáo, có 1 năm thầy giáo Minh rời vùng đất người Mã Liềng về xã Thanh Hóa dạy học. Ông Hồ Duy Thiện, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa kể: “Năm 2001, tôi lên làm việc ở xã Lâm Hóa, người ta kể rất nhiều về thầy Minh. Chỉ vì mãi chăm lo cho học trò Mã Liềng mà đến năm 36 tuổi thầy Minh vẫn chưa lấy vợ. Để trả ơn thầy đã hi sinh vì đồng bào, tôi âm thầm chỉ đạo đưa thầy về xã Thanh Hóa dạy để kiếm vợ. Bà con Mã Liềng lúc đó họp và viết đơn xin thầy ở lại, họ đi bộ xuống huyện gửi nguyện vọng. Chúng tôi giải thích là cho thầy về quê, khi lấy được vợ sẽ đưa thầy lên lại với đồng bào, lúc đó bà con mới lục tục ra về”.
Theo ông Thiện, cứ tưởng sau một năm học bà con hết nhớ vì đã có thầy mới đến dạy. Vậy nhưng năm 2003, bà con Mã Liềng bản Kè, Cáo, Chuối lại họp hành, viết đơn đề nghị trả lại thầy giáo Minh cho đồng bào. “Lúc đó, lãnh đạo huyện đã có quyết định đúng ý nguyện đồng bào, đưa tôi lên lại cắm bản cho đến hôm nay. Giai đoạn đó, tôi cũng nhớ bà con da diết vì đã ăn ở với bà con, nói tiếng Mã Liềng rồi nên không nỡ xa” - thầy Minh kể.
Hơn 30 năm dốc hết tâm sức giúp đồng bào Mã Liềng, gia đình giao lại cho người vợ tần tảo sớm hôm, ngoảnh lại mái tóc thầy Minh giờ đã bạc. Thầy Minh tâm sự: “Vợ chồng tôi sinh được một trai, một gái. Con trai lớn vào Bách khoa, con em út vào Kinh tế, cả hai cháu đều học ở Đà Nẵng. Vợ tôi là giáo viên Trịnh Thị Nụ, người từng một thời đi bộ cùng tôi vào dạy ở Mã Liềng. Cả hai đến với nhau không chỉ vì tình yêu mà còn vì thấu hiểu, nên đã giúp tôi trụ lại được với bà con Mã Liềng lâu như thế. Bởi vì đó như máu thịt của cả cuộc đời cầm phấn của tôi và vợ. Nếu chọn lại, tôi vẫn đến với con em Mã Liềng không chút do dự”.
Nhìn xa xăm về phía núi Quạt, thầy Minh dốc bầu tâm sự: “Tôi có duyên nghiệp với đồng bào Mã Liềng từ lúc đang thanh niên. Hồi đó, lần đầu tiên tôi gặp người Mã Liềng là lúc theo chúng bạn vào rừng sâu ăn trầm hương. Bình thường đồng bào sống khổ cực, nhút nhát, nhưng khi những người lạ như chúng tôi bị đau ốm thì họ lại rất nhiệt tình, dốc hết sức cứu chữa… Tình cảm ấy cứ hằn sâu trong tôi vào những đêm tối giữa rừng sâu nơi chiến trường khốc liệt. Khi ra quân, tôi quyết tâm đi học nhằm đưa con chữ đến với bà con Mã Liềng. Đến nay tóc đã bạc, tuổi gần 60, nhìn lũ trẻ cứ canh cánh trong lòng. Đồng bào Mã Liềng vẫn còn lắm khó khăn, nên giúp được trò nào tôi cố giúp hết sức, vì nhìn lại, cũng chỉ còn 3 năm nữa nghỉ hưu, xa chúng thật thương”.