Thứ nhất, các sự kiện trên thực địa đã “vượt mặt” Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). DOC yêu cầu các bên ký kết, trong đó có Trung Quốc, “thực hiện tự kiềm chế để không thực hiện các hoạt động làm phức tạp, hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng hòa bình và ổn định.
Tuy nhiên, hai năm qua, Trung Quốc đã tăng tốc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên 7 bãi cạn, đá ngầm ở Trường Sa rồi xây dựng các công trình dân sự, quân sự trên đó. Các đảo nhân tạo này sẽ đóng vai trò là tiền đồn để thúc đẩy yêu sách của Trung Quốc đối với cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi đối với biển Đông”.
Thứ hai, Trung Quốc đã không tham gia vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài Liên Hợp Quốc và sẽ không chấp nhận phán quyết mà tòa sắp đưa ra. Việc từ chối thẳng thừng này của Trung Quốc làm xói mòn, làm suy yếu Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), trong khi UNCLOS được công nhận rộng rãi là hiến pháp đại dương của thế giới, là nền tảng pháp lý cho một trật tự tốt đẹp trên biển Đông.
Thứ ba, khi Trung Quốc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo để cung cấp tài sản, dịch vụ công, Trung Quốc cũng xây dựng “một số cơ sở quân sự cần thiết” để bảo vệ lợi ích của họ. Việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự như vậy sẽ dẫn tới những hành động tiếp theo của nước này nhằm ngăn chặn người và phương tiện, máy bay, tàu thuyền đi vào vùng biển xung quanh các đảo nhân tạo này.
Thứ tư, Trung Quốc đang đặt nền móng cho việc thiết lập và thực thi một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông. Một ADIZ non trẻ đã hiện hữu. Nhân sự Hải quân Trung Quốc, cả lực lượng trên đá Chữ Thập và trên các tàu chiến của Hải quân nước này, liên tục thách thức các chuyến bay của máy bay quân sự nước ngoài, bao gồm máy bay của Philippines, Úc và Mỹ.
Thứ năm, cuộc chạy đua đơn phương của Trung Quốc nhằm chiếm quyền kiểm soát biển Đông và chính sách tái cân bằng quân sự của Mỹ đã tạo ra thế tiến lui đều khó về an ninh. Khi thế khó về an ninh Trung-Mỹ này dâng cao, nó sẽ nâng khả năng xảy ra các sự kiện dẫn tới tính toán nhầm nghiêm trọng về mặt chiến thuật, thậm chí dẫn tới xung đột.
Thứ sáu, mục tiêu của ASEAN về duy trì vị trí trung tâm đối với kiến trúc an ninh khu vực và bảo vệ quyền tự quyết khu vực của Đông Nam Á sẽ phải đối mặt thách thức nghiêm trọng là kết quả của các bước phát triển kể trên. ASEAN có thể vẫn là cộng đồng thống nhất trong những năm tới, nhưng sự đoàn kết nội khối có thể bị ảnh hưởng nếu từng thành viên riêng rẽ quyết định ủng hộ sự trỗi dậy của Trung Quốc hoặc tìm kiếm sự cân bằng chống lại nước này.
Thứ bảy, Trung Quốc có khả năng đẩy vấn đề quân sự hóa biển Đông lên một mức cao hơn. Đó là triển khai máy bay quân sự chiến thuật, tên lửa, lực lượng đổ bộ, tàu chiến và tàu ngầm. Điều này xảy ra sẽ làm thay đổi cán cân sức mạnh hải quân trong khu vực. Một trong những động thái gây lo ngại nhất về mặt chiến lược là Trung Quốc phát triển các cơ sở hạ tầng trên đá Chữ Thập để hỗ trợ sự đồn trú của các tàu ngầm truyền thống và tàu ngầm hạt nhân.