Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều rủi ro và nguy cơ, với việc Trung Quốc tiếp tục khẳng định và triển khai yêu sách “đường lưỡi bò” như công bố “Biện pháp thực thi Luật ngư nghiệp Trung Quốc của tỉnh Hải Nam”; tổ chức tập trận tại Biển Đông… và hiện nay là việc đưa dàn khoan nước sâu vào hạ đặt tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Cũng bởi lý do này, mà lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ (kể từ 1995), các bộ trưởng ngoại giao ASEAN ra một Tuyên bố riêng về tình hình phức tạp đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông, đã làm gia tăng tình hình căng thẳng ở khu vực.
Trước khi tuyên bố được thông qua, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình hiện nay ở Biển Đông. Đó là việc ngày 1/5, Trung Quốc lần đầu tiên hạ đặt giàn khoan nước sâu HD 981 và đưa tàu hộ tống vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý.
Cùng với đó, Trung Quốc đã điều hơn 80 tàu, bao gồm cả tàu quân sự, tới khu vực giàn khoan. Các tàu của Trung Quốc đã cố tính đâm va vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, gây thương tích về người và hư hỏng về tài sản. Hành động trên của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định ở khu vực, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về Nguyên tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, ASEAN cần phải đoàn kết và có phản ứng chung đối với tình hình nghiêm trọng này. Đề xuất của Việt Nam về việc ra Tuyên bố riêng của các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN về tình hình Biển Đông đã được thông qua.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN thông qua Tuyên bố riêng về tình hình hiện nay ở Biển Đông lần này đã thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao và vai trò chủ động, trách nhiệm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông nói riêng và của khu vực nói chung; khẳng định mạnh mẽ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và của ASEAN.
Thực tế không phải ASEAN không có những khó khăn và thách thức. Đó là làm sao ASEAN có thể xử lý mối quan hệ và sự gia tăng ảnh hưởng của các nước lớn ở khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh có sự xuất hiện trở lại của chính trị cường quyền trên trường quốc tế. Chính trị cường quyền cũng đặt câu hỏi đối với giá trị của luật pháp quốc tế, nguyên tắc và chuẩn mực trong quan hệ quốc tế và vai trò của các thể chế đa phương như ASEAN.
Nhưng vượt lên tất cả, lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ (kể từ 1995), ASEAN ra một Tuyên bố riêng về một tình hình phức tạp đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông đã thể hiện rõ hơn hết sự đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực. Thể hiện chúng ta, ASEAN là một khối thống nhất!