Áp thấp nhiệt đới sắp vào Biển Đông, hai kịch bản có thể xảy ra

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Áp thấp nhiệt đới sắp vào Biển Đông có thể suy yếu thành vùng áp thấp khi tiến gần quần đảo Hoàng Sa nhưng cũng có thể mạnh lên thành bão số 7, theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Theo ông Nguyễn Hữu Thành, Phó trưởng phòng Dự báo Thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều nay (21/10), áp thấp nhiệt đới đang ở khu vực phía Bắc đảo Luzon của Philippines với cường độ cấp 6-7.

Dự báo khoảng sáng và trưa mai (22/10), áp thấp nhiệt đới vượt qua khu vực phía Bắc của đảo Luzon, đi vào khu vực phía Đông của Bắc Biển Đông. Do đi qua vùng biển thoáng, không bị ảnh hưởng bởi ma sát địa hình nên khi vào Biển Đông, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh hơn.

Theo ông Thành, cơ quan khí tượng Việt Nam đang dự báo hai kịch bản có thể xảy ra khi áp thấp nhiệt đới vào Biển Đông.

Áp thấp nhiệt đới sắp vào Biển Đông, hai kịch bản có thể xảy ra ảnh 1

Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới.

kịch bản thứ nhất (xác suất xảy ra khoảng 60-70%), áp thấp nhiệt đới sẽ tương tác với không khí lạnh, đạt cường độ mạnh nhất cấp 7 khi vào Biển Đông. Sau khi di chuyển đến khu vực quần đảo Hoàng Sa, áp thấp nhiệt đới suy yếu thành vùng áp thấp. Trước mắt cần lưu ý từ đêm 21/10, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh lên cấp 6-7, giật cấp 9. Biển động mạnh.

kịch bản thứ hai (xác suất xảy ra khoảng 30-40%), áp thấp nhiệt đới di chuyển vào Biển Đông sẽ tương tác với không khí lạnh, mạnh lên thành bão (cường độ mạnh nhất lên cấp 8-9), sau đó duy trì cấp bão khoảng 1-2 ngày, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực huyện đảo Hoàng Sa, sau đó tiếp tục suy yếu khi di chuyển vào sát bờ biển miền Trung nước ta.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, diễn biến của áp thấp nhiệt đới những ngày tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động của không khí lạnh. Vì vậy, cần theo dõi các bản tin dự báo mới nhất.

Dự báo xa hơn cho thấy, từ nay đến 20/11, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện 2-3 cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ. Tình hình mưa lũ ở miền Trung còn diễn biến phức tạp từ nay đến cuối năm.

Trên đất liền, từ chiều tối nay đến sáng 23/10, do ảnh hưởng của nhiễu động gió Đông nên khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 70-150mm, có nơi trên 250mm.

Do ảnh hưởng của mưa lớn, từ ngày 22 đến ngày 24/10, trên các sông từ nam Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 3-5m, hạ lưu từ 1-3m.

Đỉnh lũ trên các sông khả năng lên mức BĐ1-BĐ2, có sông lên trên mức BĐ2. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.