Ngày 3/9, tại cuộc họp ứng phó với ATNĐ, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, sáng nay ATNĐ đã đi vào đất liền và hiện đang nằm trên địa bàn từ Thừa Thiên- Huế đến Quảng Nam, giá mạnh cấp 6, giật cấp 8-9.
Các tỉnh miền Trung đặc biệt là từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế đang có mưa rất to.
Theo ông Khiêm, cơ quan dự báo Việt Nam, dựa trên tham khảo các dự báo quốc tế, cho rằng, ATNĐ sau khi vào đất liền sẽ tồn lưu hại khoảng hơn 6 tiếng, sau đó sẽ quay trở lại biển.
Khi ATNĐ đi ngược về phía Đông Bắc hướng đến Hồng Kông, ATNĐ sễ được tiếp thêm năng lượng có thể mạnh lên thành bão trong 48-72 giờ tới.
Với ATNĐ giữa biển Đông, gần quần đảo Hoàng Sa, ông Khiêm cho rằng, đang đi hướng Bắc Tây Bắc và khả năng sẽ nhập với cơn áp thấp chạy từ đất liền ra, và di chuyển về phía Đông Bắc.
Ông Khiêm lưu ý, cặp ATNĐ sẽ gây gió mạnh trên biển, trong đó, ngày và đêm nay 3/9, ở khu vực Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Sóng biển cao 2-4 m, biển động mạnh. Ở vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Sóng biển ở Bình Thuận đến Cà Mau sóng 2-3 m, Phú Quốc 1-2m.
Theo dự báo, từ nay đến ngày 6/9, ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 300-500mm/đợt, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế 500-700mm/đợt, có nơi trên 700m/đợt.
Khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to (200-300mm/đợt), Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông (100-150mm/đợt).
Ông Khiếm cũng cảnh báo, với lượng mưa to như trên, thời gian tới, nước sông ở Bắc Trung bộ có thể lên BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3, sông ở Tây Nguyên BĐ1-BĐ2.
Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt rất cao, đặc biệt là từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. “Ngoài vi nguy hiểm với các hộ dân sống ven sông, suối, do sông ngắn, độ dốc cao, nên lưu lượng nước về rất mạnh sẽ gây nguy hiểm cho các tàu thuyền đậu ven sông”, ông Khiêm nói.
Trong khi đó, theo Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến sáng 3/9, Biên phòng tuyến biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho gần 71.500 tàu thuyền, trên 312.600 người biến diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Hiện phần lớn các tuyền đã neo đậu tại bến, còn có khoảng 4.279 tàu/31.513 người đang hoạt động trên biển.
Đáng lưu ý, có 111 tàu/814 người (Quảng Ngãi 23 tàu/196 người, Bình Định 88 tàu/618 người) hoạt động khu vực quần đảo Hoàng Sa. Các tàu thuyền đã nắm được thông tin về ATNĐ và đang di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm.
Đến nay, 10 tỉnh đã tổ chức cấm biển là Quảng Ninh (cấm ở đảo Cô Tô) và các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi.
Trước tình thế thiên tai phức tạp, Bộ trưởng NN&PTNT, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương ven biển theo dõi sát, thông báo kiểm đếm tàu thuyền, lồng bè, trong đó có tàu khách, tàu vận tải.
“Không để người dân quay lại lồng bè, chòi canh những vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của ATNĐ đồng thời dảm bảo an toàn cho người dân và khách du lịch trên trên các đảo”, Bộ trưởng Cường nói.
Ngoài ra, do mưa lớn, đặc biệt là từ Thanh Hóa đến Quảng Nam, sông ngắn, dốc nên lũ lên rất nhanh, nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét, sự cố các hồ chứa thủy lợi, thủy điện nhỏ.
Bộ trưởng Cường yêu cầu tổng cục thủy lợi cử đoàn kiểm tra các hồ chứa, những khu vực có mưa lớn, trong đó có 3 hồ chứa lớn tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Cục Trồng trọt cử đoàn công tác đôn đốc thu hoạch nhanh nhất lúa Hè Thu đối với khu vực các tỉnh miền Trung. Bộ Công thương kiểm tra ngay các hồ thủy điện nhất là hồ chứa nhỏ.
Ông Cường cũng yêu cầu địa phương tổ chức lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông suối, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy lũ quét, sạt lở đất. Khơi thông ngay các điểm bị tắc nghẽn dòng chảy, tuần tra, canh gác các khu vực ngầm tràn, sạt lở.