Áo ấm mùa đông

Áo ấm mùa đông
TP - Ở Hà Nội, phụ huynh xôn xao vì cái rét. Họ bàn tán bao nhiêu độ thì con nhỏ được nghỉ học. Nếu 10 độ thì đó là nhiệt độ cao nhất hay thấp nhất hay trung bình trong ngày, đó là dự báo của đài nào, lúc mấy giờ.

Trong lúc ở vùng núi phía bắc, các giám đốc sở giáo dục đào tạo đều khẳng định nếu cứ dưới 10 độ C học sinh được nghỉ thì trường tiểu học của tỉnh phải nghỉ 6 tháng mỗi năm.

Các nhà báo gửi về tòa soạn những tấm ảnh biết nói. Những em bé vùng cao đầu không mũ len, chân không có giày, người không đủ áo ấm vẫn đi học, và vẫn xuống con suối cạn ven đường để rửa chân trước khi vào lớp.

Nhà các em, không nhiều thổ cẩm. Con lợn dành tết đang được thả rông trong khu vườn nổi bật cành hoa mận trắng. Nếu nhiệt độ xuống - 3 độ C, con lợn có thể bị chết, và các em có cái tết mà niềm vui bị bớt đi nhiều.

Đôi dép đẹp nhất là đôi tổ ong đang được người cha dùng để cõng củi xuống thị trấn Sa Pa cách nhà 30 cây số bán cho khách du lịch đốt lò sưởi. Cảnh lạnh lẽo thật sâu xa, và nỗi buồn như cái lạnh đang xuyên thấu.

Đây đó, dăm nhóm phượt ở thành phố dịp này vẫn cõng quần áo lên Tây Bắc, một số tổ chức, đơn vị, vài nhóm Việt kiều, nhóm tình nguyện cũng kêu gọi góp quần áo ấm cho vùng cao. Nhiều năm, T.Ư Đoàn đã có chương trình “Tình nguyện mùa đông” thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên. Nhưng kết quả những chương trình, nhưng cuộc quyên góp ấy chưa thấm vào đâu so với cả vùng núi rộng lớn đang mịt mù sương giá.

Giá như, mỗi khi mùa đông về, lại có cuộc vận động mang tính toàn quốc, với sự tham gia của toàn dân, mà nòng cốt là các tổ chức chính trị-xã hội, góp áo ấm cho trẻ em miền núi phía Bắc. Để dần hình thành một nếp quen: cứ mùa đông là gom áo góp quần gửi lên vùng núi cao phía bắc - nơi có những đường biên quan trọng, nơi phát xuất của những dòng sông chở nặng phù sa và văn hóa về trung du, đồng bằng. 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG