Anh hùng Tư Cang nói về huyền thoại tình báo Mười Hương

TP - Chiều muộn 15/6, đến tiễn biệt người đồng đội thân thiết, ngồi lặng ở góc sân Nhà tang lễ Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang, 93 tuổi) vừa thở dốc, vừa nhờ tư vấn để hiệu chỉnh lại một số thông tin chưa đúng về ông Trần Quốc Hương (Mười Hương). 
Anh hùng Tư Cang nói về huyền thoại tình báo Mười Hương ảnh 1

Ông Mười Hương và Phạm Xuân Ẩn. Ảnh: P.V

Ðổi vàng lấy… tướng tình báo

Đại tá Tư Cang cho biết mình là Cụm trưởng Cụm tình báo H63, ông được giao làm thư ký, ghi chép lại những nội dung ông Mười Hương kiểm điểm khi ra tù nên có cơ hội được nghe những câu chuyện về ông Mười Hương trong nhà giam Chín Hầm, một trong những nhà tù tàn bạo nhất của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Sau khi Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng và sau này là Tổng thống chính quyền Sài Gòn, Phó Giám đốc Nha tình báo Trần Quốc Hương được Trung ương cử vào Nam. Bất ngờ đến năm 1960, ông Mười Hương bị bắt và đưa đi biệt giam tại nhà giam Chín Hầm (Huế) do Ngô Đình Cẩn trực tiếp cai quản. Tại nhà giam Chín Hầm, đích thân Ngô Đình Nhu tra khảo, tìm cách mua chuộc hòng thu phục ông Mười Hương vào bộ máy của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Đấu trí, cân não năm lần bảy lượt đều thua, Ngô Đình Nhu dùng đèn cao áp rọi vào mắt ông Mười Hương nhằm làm rối loạn thần kinh nhưng vẫn không khuất phục được ông. Nhu bèn đưa ông về giam ở Sài Gòn để tiện khai thác, tra khảo và nếu không thu phục được sẽ thủ tiêu. Tuy nhiên, cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm đã tạo cơ hội để giải thoát ông Mười Hương ra khỏi lao tù.

Theo Đại tá Tư Cang, thông tin ông Mười Hương được địch trao trả là không chính xác bởi ông là một trong những người đã giải thoát cho ông Mười Hương ra khỏi chốn lao tù. Ông Tư Cang nhớ lại: “Khi cuộc đảo chính nổ ra vào tháng 11/1963, nhân lúc lộn xộn, Ban Địch tình Xứ ủy đã chỉ thị cho Cụm tình báo H63 bằng mọi giá phải đưa ông Mười Hương ra khỏi nhà giam. Người nhận chỉ thị là ông Tám Mỹ (chính ủy). Tôi lúc đó là đại úy, cụm trưởng tình báo H63 nên ông Tám Mỹ bàn với tôi, tổ chức thống nhất mua chuộc cai ngục để đưa ông Mười Hương ra". 

Ông Tư Cang giao cho nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn điều nghiên, tìm cách giải cứu. Bằng khả năng ngoại giao, mối quen biết rộng, Phạm Xuân Ẩn tiếp cận được cai ngục và báo cáo tổ chức chuẩn bị đủ 100.000 đồng để mua chuộc viên cai ngục. “Điệp viên hoàn hảo” ra điều kiện: Viên cai ngục sẽ nhận được tiền, chỉ cần ngó lơ khoảng 15 phút đủ để cho ông Mười Hương tự thoát ra, sau đó giả vờ truy hô tù nhân vượt ngục.

Số tiền 100.000 đồng hồi ấy trị giá hơn 33 lượng vàng, có thể mua được cả căn nhà ở trung tâm thành phố. Đại tá Tư Cang rất lo lắng vì không biết đào đâu ra tiền. Nghĩ đủ mọi cách, cuối cùng, ông liên hệ với một số nhà tư sản yêu nước. Bà Võ Thị Huê (Bảy Huê, quê ở huyện Củ Chi) là người rất kính trọng ông Mười Hương đã bán cơ sở sản xuất gần cầu Băng Ky (Quận Bình Thạnh) để có đủ tiền đưa cho ông Tư Cang. 

Nghĩa tình, thủy chung

Đúng như kế hoạch, viên cai ngục cho ông Mười Hương 15 phút tự tìm đường thoát thân. Ông Mười Hương lập tức được Phạm Xuân Ẩn chở ra ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình). Nhớ lại, ông Tư Cang cười: “Tại ngã tư Bảy Hiền, ông Nguyễn Văn Hoành là ba của thằng này (ông Tư Cang chỉ người đàn ông ngồi bên cạnh) chạy taxi đến đón, đưa ông Mười Hương về Phú Hòa Đông (Củ Chi). Tôi cho lính ra đón, đưa ổng về Bến Đình (xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi) ghé nhà Sáu Ẩn là lính của tôi. Mọi người ăn vội bữa cơm rồi tiếp tục lên đường vì sợ địch truy bắt đến nơi. Tôi đưa ông Mười Hương về căn cứ Bời Lời (Trảng Bàng, Tây Ninh) sau sau đó tiếp tục di chuyển về núi Bà Đen. Lúc đó ba người đi 3 chiếc xe đạp. Sáu Ẩn đeo súng tiểu liên chạy trước rồi tới ông Mười Hương, còn tôi chạy bọc hậu. Ông Mười vấn khăn rằn, mặc bộ bà ba đen; chắc ổng mới ở tù ra, phấn khích nên đạp xe còn ngon hơn tụi tôi. Chạy theo ổng mệt đừ luôn”.

Đại tá Tư Cang kể sau năm 1975, ông còn gặp ông Mười Hương ở hội nghị Thanh niên xung phong (TNXP). “Khi đó, ông Mười Hương là Bí thư Trung ương Đảng xuống kiểm tra, còn Tư Cang  là tổ trưởng Tổ bột giấy của TNXP. “Gặp nhau, ông Mười Hương gọi tôi vào rồi đích thân giới thiệu: Đây là đồng chí Tư Cang là người đã cứu tôi ra khỏi ngục tù Mỹ - Diệm. Ông Bảy Thanh chỉ huy trưởng TNXP đứng lên: Thưa anh Mười, đây là đồng chí thủ trưởng lữ đoàn của tôi. Cũng trong hội nghị đó, ông Mười Hương hỏi thăm tôi về bà mẹ vẫn nấu cơm cho ông từ hồi còn trong cứ. Tôi trêu: “Má nhắc anh hoài nhưng tui nói với má anh bây giờ làm chức lớn lắm, không về nữa đâu”. Nghe tui nói vậy, ổng nổi sùng yêu cầu ông Bảy Thanh bố trí xe cho ổng lên thăm má”, ông Tư Cang nhớ lại.

Ông Tư Cang nhìn nhận công lớn nhất của ông Mười Hương là đã phát hiện và đào tạo được nhiều nhà tình báo giỏi, đặc biệt là “Điệp viên hoàn hảo” Phạm Xuân Ẩn có trình độ được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là ngang tầm quốc tế. Có ông Phạm Xuân Ẩn làm nòng cốt, cụm tình báo H63 nhỏ bé của ông được tuyên dương anh hùng cuối năm 1971. 4 thành viên trong cụm H63, gồm: Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, nữ điệp viên Tám Thảo, giao liên Nguyễn Thị Ba (Long An) và Cụm trưởng Tư Cang được nhà nước phong danh hiệu Anh hùng. “Công lớn thuộc về ông Phạm Xuân Ẩn mà ông Ẩn do ông Mười Hương phát hiện, bồi dưỡng và đưa đi Mỹ học, sau này làm nên sự nghiệp”, ông Tư Cang đúc kết.

Giọng của ông “trùm biệt động thành” năm xưa chợt chùng xuống: “Hơn mười năm trước, Cục Tình báo có họp về việc kiến nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng cho ông Mười Hương. Tôi và nhiều cán bộ lão thành như anh Sáu Trí, anh Tám Mỹ…đều biểu quyết nhất trí vì thấy anh Mười quá xứng đáng. Tuy nhiên, nguyện vọng này đến bây giờ vẫn chưa trở thành hiện thực”.

Anh hùng Tư Cang nói về huyền thoại tình báo Mười Hương ảnh 3

Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) đến viếng ông Trần Quốc Hương

Ông Trần Quốc Hương (tên thật là Trần Ngọc Ban, bí danh là Mười Hương), sinh năm 1924, quê xã Vụ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông được kết nạp Đảng năm 1943, từng làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo “thế hệ kim cương”. Ông chỉ huy mạng lưới tình báo miền Nam,  cấp trên trực tiếp của các nhà tình báo huyền thoại như: Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn. Sau năm 1975, ông  đảm nhiệm các chức vụ: Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa: IV, V, VI; Bí thư Trung ương Đảng khóa VI.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.