Tối 22/12, tại Nhà Văn hóa Sinh viên TPHCM, Thành Đoàn TPHCM phối hợp Nhà Văn hóa Thanh niên thành phố tổ chức chương trình “Câu chuyện truyền cảm hứng” với chủ đề “Ngược chiều bình an” nhân kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2023), 34 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2023).
Đến với chương trình, các bậc lão thành cách mạng cùng bạn trẻ đang công tác trong lực lượng vũ trang TPHCM đã ôn lại những giai đoạn, khoảnh khắc khó phai trong con đường binh nghiệp, để rồi trở thành niềm cảm hứng đầy tự hào đối với bao thế hệ.
Đại tá Đặng Thọ Truật chia sẻ kỷ niệm những năm kháng chiến oanh liệt. Ảnh: Ngô Tùng |
Đại tá Đặng Thọ Truật (nguyên là chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 54, Sư đoàn 324) vẫn còn nhớ như in những tháng ngày lửa đạn chiến tranh mà ông đã cùng đồng đội cầm súng đánh trả quân thù để bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Người cựu binh cho biết ông nhớ nhất là kỷ niệm trận đánh ngày 30/7/1970 khi Mỹ tổ chức đổ quân trên dãy Cô Pung (Thừa Thiên – Huế) để đánh vào hậu cứ của quân giải phóng Việt Nam. Trước khi đổ bộ, quân địch đã dùng chiến thuật “giải phóng mặt bằng” bằng việc sử dụng B52 ném bom kết hợp pháo binh từ đồng bằng bắn lên dữ dội hòng san phẳng trận địa để tiến hành đổ quân.
Rất may ông Truật và đồng đội trú ẩn dưới hầm an toàn, không một quả bom nào rơi trúng. Sau đó, đơn vị triển khai đón đánh quân địch.
“Địch đổ vào 50 chiếc máy bay, tôi và đồng đội bắn rơi 24 máy bay trực thăng. Trận đánh này được Quân đội ta đưa vào quân sử là trận đánh có hiệu chiến đấu rất cao”, Đại tá Đặng Thọ Truật nói và cho biết cũng nhờ trận đánh này về sau ông được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong cả giai đoạn từ năm 1969 – 1973, Đại tá Đặng Thọ Truật đã tham gia chiến đấu ở nhiều trận địa khác nhau, đã bắn rơi 39 máy bay trực thăng, trong đó có 1 máy bay phản lực F-4 (chiếc tiêm kích ném bom siêu thanh tầm xa).
Trong niềm bồi hồi ôn lại truyền thống, người lính già từng một thời vào sinh ra tử mong các bạn sinh viên sống có kỷ luật như tinh thần trong quân đội. Kỷ luật trong học hành, tu dưỡng, rèn luyện; có tuân thủ kỷ luật thì học tập, rèn luyện mới tốt, đồng thời cũng phải chú ý rèn luyện sức khỏe để có thể lao động, làm việc bền bỉ, hiệu quả.
“Chúng ta hay nghĩ phải học để kiếm việc làm, tuy nhiên, các bạn học xong phải phấn đấu làm chủ, là những người chủ khởi nghiệp có thể nuôi hàng trăm lao động, rồi thành những tỷ phú. Phải có giấc mơ, khát vọng lớn để làm giàu đất nước, Tổ quốc”, Đại tá Truật gửi gắm thế hệ trẻ.
Ông cũng cho rằng, tất nhiên hiện giờ đang đi học thì phải tập trung học tập cho tốt. Đi liền đó, người trẻ phải cố gắng giữ gìn danh dự, giữ vững niềm tin, kiên quyết phấn đấu, đồng thời chú ý xây dựng tình bạn đẹp để đi đến đâu bạn bè cũng thân quý.
Sau nhiều năm về hưu, ở độ tuổi 75 hiện nay, Đại tá, nhà báo Đặng Thọ Truật vẫn cần mẫn viết bài cho báo Người cao tuổi. Người cựu binh cho biết, sau khi đi bộ đội, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, ông được cấp trên cho đi học đại học Báo chí ở tuổi 34. Sau đó, ông đỗ thủ khoa đầu ra và được tuyển về làm việc ở báo Quân đội nhân dân.
Ưu tiên nhiệm vụ tập thể lên trên hết
Với Trung tá Ngô Trường An – Phó Chính ủy Trung đoàn Gia Định, Bộ Tư lệnh TPHCM, tình yêu với môi trường quân ngũ đã được hun đúc, trui rèn ngay từ khi còn là học sinh tiểu học, trung học qua những chuyến công tác của cha.
Ngày đó, cậu bé An tự ăn ở, ôn bài, tự chơi thể dục thể thao. Lớn hơn, anh được học tập và rèn luyện tại Trường Thiếu sinh quân TPHCM với những chế độ sinh hoạt, rèn luyện như một chiến sĩ trong quân đội. “Từ đó tôi quyết tâm chọn con đường binh nghiệp, trở thành chiến sĩ và tiểu đội trưởng tại Trung đoàn Gia Định, Bộ Tư lệnh TPHCM và sau đó tiếp tục đi học để trở thành sĩ quan”, Trung tá Ngô Trường An chia sẻ.
Trung tá Ngô Trường An. |
Anh An nhìn nhận, trong cuộc sống có nhiều khó khăn, cám dỗ khó lường trước, do đó mỗi người cần liên tục tu dưỡng, rèn luyện, chủ động xác định mục tiêu, động cơ phấn đấu để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.
“Nhiệm vụ có khó khăn thì cũng phải đối mặt và vượt qua, qua đó giúp bản thân trui rèn bản lĩnh và phát triển. Mỗi chúng ta cần tự nghiêm khắc rèn luyện mình, tự đặt ra mục tiêu phấn đấu để thực hiện cho tốt. Trong công việc, ưu tiên nhiệm vụ tập thể lên trên hết; khi tập thể mạnh, tốt, cá nhân sẽ được tập thể ghi nhận”, Trung tá Ngô Trường An bày tỏ.
Cũng tại đêm giao lưu, Đại úy Đỗ Ngọc Đức (Bí thư Đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an TPHCM) và Thượng úy Huỳnh Trương Bảo Sơn (Trợ lý vận động quần chúng, Phòng Chính trị, Bộ đội biên phòng TPHCM) đã chia sẻ những câu chuyện hoạt động nghiệp vụ để lại nhiều tình cảm, ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân. |
Buổi chia sẻ còn xen kẽ diễn ra các tiết mục văn nghệ gợi cảm xúc hào hùng, tình cảm tri ân đối với các thế hệ cha anh. Ảnh: Ngô Tùng |