Trong cuộc họp báo báo thường kỳ Quý I/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành khẳng định giai đoạn tháng 4-6/2023 chuyến hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo sẽ có kết quả.
Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa giải thích lý do chưa công bố thông tin chính thức là do quá trình đàm phán, thương lượng và tiến hành thủ tục hồi hương vẫn đang diễn ra.
“Hiện nay chúng tôi chưa thể cung cấp thông tin cụ thể vì phải thực hiện cam kết giữa các bên và tiến hành thủ tục để đưa ấn vàng hồi hương theo đúng quy định pháp luật của Việt Nam và Pháp,” ông Trần Đình Thành cho biết.
Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành khẳng định giai đoạn tháng 4-6/2023 chuyến hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo sẽ có kết quả. Ảnh: MINH AN. |
Trước đó, vào tháng 2/2023, rộ thông tin ông Nguyễn Thế Hồng, Chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh bỏ kinh phí để đàm phán ấn vàng và hồi hương ấn Hoàng đế chi bảo, với chi phí khoảng 6,2 triệu euro. Tuy nhiên, Cục Di sản văn hóa khi ấy không xác nhận thông tin này, nhấn mạnh quá trình đàm phán có những điều khoản cam kết nghiêm ngặt. Cuộc đàm phán nhằm hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo do Chính phủ, Bộ VHTTDL và các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam bảo trợ. Phương án được xây dựng theo phương pháp ngoại giao văn hóa.
Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa khẳng định dù ấn vàng Hoàng đế chi bảo thuộc sở hữu cá nhân cũng không có chuyện cổ vật quý giá này một lần nữa bị bán ra nước ngoài.
“Thông tư số 19 (năm 2012) của Bộ VHTTDL quy định danh mục di vật cổ vật không được đưa ra nước ngoài bao gồm di vật, cổ vật bằng các chất liệu có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học thuộc các giai đoạn lịch sử Việt Nam trước tháng 9/1945 trong đó bao gồm ấn tín,” ông Trần Đình Thành nêu.
Cổ vật có thể đưa ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, để quảng bá văn hóa Việt Nam hoặc nghiên cứu, bảo quản, phục chế do điều kiện công nghệ trong nước chưa đáp ứng được.
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo thời vua Minh Mạng được đúc bằng vàng ròng nặng 10,78 kg, kích thước 13,8x13,7 kg, trên đúc nổi con rồng uốn khúc. Ảnh: CDSVH. |
Ông Trần Đình Thành nêu Điều 44 Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 18 tháng 6 năm 2009: Việc đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản phải có sự bảo hiểm từ phía tiếp nhận di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; có quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài; quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho phép đưa di vật, cổ vật ra nước ngoài.
“Di vật, cổ vật thuộc sở hữu tư nhân do Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho phép theo đề nghị bằng văn bản của Giám đốc sở VHTTDL trên cơ sở đơn xin phép của chủ sở hữu di vật, cổ vật đó,” ông Trần Đình Thành cho biết.
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo là ấn quý giá bậc nhất của triều Nguyễn, có nhiều nét tương đồng với 2 ấn vàng Sắc mệnh chi bảo và Hoàng đế tôn thân chi bảo đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.
Ấn thời vua Minh Mạng được đúc bằng vàng ròng nặng 10,78 kg, kích thước 13,8x13,7 kg, trên đúc nổi con rồng uốn khúc. Khi được giới thiệu lần đầu trong phiên đấu giá, hãng Millon định giá ấn vàng khoảng 2-3 triệu euro.