Lùm xùm đổ nát ở Hãng phim truyện Việt Nam: Chưa có giải pháp

0:00 / 0:00
0:00
TP - Giữa tuần này, Chính phủ chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan tìm giải pháp cho lùm xùm cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) sáng 24/3, đại diện Bộ VHTTDL khẳng định “chưa có giải pháp tích cực”.
Lùm xùm đổ nát ở Hãng phim truyện Việt Nam: Chưa có giải pháp ảnh 1

Cảnh hoang tàn, đổ nát ở Hãng phim truyện Việt Nam

Thực trạng ngổn ngang ở Hãng phim truyện Việt Nam được hâm nóng trong cuộc họp thường kỳ quý I của Bộ VHTTDL. Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Phan Linh Chi nói rằng, nguyên nhân chính dẫn đến “thảm cảnh” ở Hãng phim truyện Việt Nam đến từ sự bất hợp tác của cổ đông chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso). Thêm vào đó, mâu thuẫn giữa đơn vị này và người lao động ở Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) chưa được giải quyết.

“Tổng công ty Vận tải thủy chưa đưa ra văn bản tính toán chi phí hợp lệ, tiến hành các thủ tục liên quan đến cổ phần hóa và đề xuất số tiền nhận lại khi hoàn trả cổ phần cho Nhà nước”, bà Chi nói.

Bộ VHTTDL không thể đơn phương thu hồi cổ phần và hoàn trả lại tiền cổ phần hóa nếu không có sự hợp tác từ Vivaso. Ngày 22/3, Bộ VHTTDL và Thanh tra Chính phủ có báo cáo chi tiết với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về lộ trình cổ phần hóa VFS. Bà Chi cho biết Bộ VHTTDL đang chờ hướng dẫn cụ thể từ Phó Thủ tướng.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, những bộ phim kinh điển do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất vẫn thuộc quyền sở hữu của Bộ VHTTDL. Bộ VHTTDL thúc đẩy tìm nhà đầu tư chiến lược mới song chưa có kết quả. Mối quan tâm hàng đầu của cán bộ, nhân viên hãng phim là thu nhập và quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Bộ VHTTDL đã gửi văn bản kiến nghị, xin chỉ đạo của Thủ tướng để có phương án giải quyết.

Năm 2018, Bộ Tài chính đã có phương án trích Quỹ Hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp để Nhà nước mua lại số cổ phần của Vivaso tại VFS. Nếu nhà đầu tư đưa ra con số cụ thể trong năm 2021, số tiền chi trả có thể được trích từ quỹ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, Nghị định 148/NĐ-CP có hiệu lực không cho phép thực hiện phương án này.

“Chúng tôi đã có lộ trình thực hiện, đảm bảo thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng vào thời điểm đó. Mấu chốt là đề xuất của nhà đầu tư đến nay chưa có”, bà Chi giải thích.

Trong khuôn khổ cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Trần Đình Thành khẳng định chuyến hồi hương của ấn vàng Hoàng đế chi bảo sẽ sớm có kết quả trong giai đoạn tháng 4-6/2023.

Khi được hỏi về thông tin một nhà sưu tập người Việt mua thành công ấn vàng Hoàng đế chi bảo, ông Thành cho biết, Cục Di sản Văn hóa chưa thể công bố thông tin chính thức bởi quá trình đàm phán, thương lượng và tiến hành thủ tục hồi hương vẫn đang diễn ra.

Lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa khẳng định, dù ấn vàng Hoàng đế chi bảo thuộc sở hữu cá nhân cũng không có chuyện cổ vật quý giá này lại bị bán ra nước ngoài một lần nữa. “Di vật, cổ vật thuộc sở hữu tư nhân do Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho phép, theo đề nghị bằng văn bản của Giám đốc Sở VHTTDL trên cơ sở đơn xin phép của chủ sở hữu di vật, cổ vật đó”, ông Thành nói.

MỚI - NÓNG