Ăn theo bắt chẹt khách trong cơn lũ

Ăn theo bắt chẹt khách trong cơn lũ
TP - Mưa lũ kéo dài, Quốc lộ 70, quốc lộ 32 đoạn qua Yên Bái bị đình trệ bởi hàng trăm điểm sạt lở nghiêm trọng. Nhiều dịch vụ vì thế đã tranh thủ lên giá và “ăn theo” mưa lũ...

>> Lũ lịch sử: Ít nhất 137 người chết và mất tích
>> Ghi từ tâm lũ Trấn Yên, Yên Bái 

Hàng ngàn người dân và khách du lịch phải “cắn răng” khi thành “thượng đế”!

Ăn theo bắt chẹt khách trong cơn lũ ảnh 1
Cò mồi bắt chẹt khách tại TP Yên Bái - Ảnh: Thanh Hương

Tại các chợ Đồng Tâm, chợ Nam Cường, chợ Bệnh viện tỉnh (thành phố Yên Bái) chiều ngày 9 và 10/8/2008 một số mặt hàng tươi sống và rau xanh tăng mạnh do mưa lũ vùng rau bị ngập chìm, tắc đường sắt, đường bộ nên các mặt hàng rau, củ, quả dưới xuôi không thể vận chuyển lên Yên Bái.

Giá 1 mớ rau muống, rau ngót tăng từ 2.000 đồng lên 5.000 đồng rồi đến 8.000 đồng/mớ, thịt lợn mông sấn tăng lên 70.000 đồng/kg, gà mổ sẵn 120-130.000đ/kg...

Nhưng tất cả đều được bán rất chạy và đông như chợ Tết bởi người dân đều chung một tâm lý “sợ mưa lũ kéo dài không có thực phẩm phục vụ sinh hoạt”.

Những cửa hàng bán bánh mì và thức ăn khô lúc nào cũng đông nghịt khách. Người ta mua cả nước ngọt về dự trữ vì sợ mưa lũ có thể gây ra tình trạng bị cắt điện kéo dài.

Người dân tại địa phương mưa lũ Yên Bái khổ vì giá cả leo thang, vì sơ tán nhà cửa, còn người dân các tỉnh bạn bị nhỡ độ đường vì tàu kẹt chuyến, xe tắc đường, trong đó có du khách nước ngoài cũng gian nan không kém. Phiên dịch viên không đủ cho số khách nước ngoài khiến họ còn rất vất vả trong khi tìm chỗ ở.

Người có điều kiện thì tìm mọi cách, mọi phương tiện để quay về Hà Nội với mong muốn rời khỏi vùng lũ một cách sớm nhất, người ít điều kiện hơn thì dù có tiết kiệm mấy cũng bắt buộc phải chi những đồng tiền cuối cùng mong tìm được một chỗ trọ hợp với túi tiền của mình. Vì thế đã xảy ra tình trạng cò mồi xe ôm, cò mồi tìm khách sạn, nhà nghỉ, cò mồi tìm quán ăn v.v...

Chúng tôi có mặt tại phường Nguyễn Thái Học - đầu công viên Yên Hoà - nơi còn “khô ráo” nhất để “mục sở thị” cảnh “tiến thoái lưỡng nan” của hành khách. Đám chủ xe và cánh lái xe không ngớt bấm điện thoại tìm xe, liên lạc, mặc cả giá với hướng dẫn viên du lịch của đoàn khách nước ngoài.

Sau một hồi thỏa thuận, mặc cả, điện thoại, chủ xe khách Hà Nội - Mỹ Đình cũng đưa được chật ních hành khách lên xe với giá vé 250.000 đồng/người/lượt về Hà Nội.

Thế rồi chẳng cần biết đường có đi được hay không, chiếc xe cứ xuất phát bỏ lại rất nhiều khách nước ngoài chậm chân không kịp chuyến.

Chưa đầy 5 phút sau một chiếc xe khác chở chừng 30 khách xuất hiện. Chủ xe dồn hết khách “ta” xuống ngồi la liệt vỉa hè và mời khách nước ngoài lên xe để đi Hà Nội.

Tiếng la hét phản đối vang cả dãy phố. Họ là những hành khách đi từ Thái Bình, Nam Định về Lào Cai, đến Yên Bái từ tối hôm trước bị tắc đường phải thuê nhà trọ. Sáng nay trả nhà trọ rồi lên xe khách này yên tâm về Lào Cai thì lại bị chủ xe “đem con bỏ chợ” để chở khách du lịch về Hà Nội với giá hời hơn.

Đến tối 10/8, họ vẫn không thuê được nhà nghỉ lẫn khách sạn. Trời sầm sập tối, mưa càng lúc càng như trút nước khiến mỗi “thượng đế” lại phải tự tìm đường “tùy nghi di tản”.

Một hướng dẫn viên du lịch của Cty du lịch Hạ Long than thở: “Đi mất mấy trăm ngàn xe ôm vào tận Hạnh Hoa Viên ở cây 9, ra Đồng Tâm, Hào Gia, cả Khách sạn Trường Sơn của quân đội mà không tìm được nhà nghỉ. Chỗ nào cũng đông khách trọ quá. Yên Bái “cháy” khách sạn thật. Có lẽ phải thuê thuyền bơi sang bên kia cầu, may ra...”.

Nhiều cơ quan, đơn vị và hộ gia đình cũng phải mở cửa đón những đoàn khách là bạn bè, người thân “nhỡ độ đường” hoặc từ vùng lũ sơ tán vào trú nhờ.

MỚI - NÓNG