> Lê Hoài Nam, khách mời từ Hồng Kông của Dàn nhạc Giao hưởng
> Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam lần đầu lưu diễn ở Mỹ
Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tập tại khán phòng Carnegie. Ảnh: Công Luận. |
Dàn nhạc có thời gian giao lưu khán giả và đồng nghiệp ở Mỹ?
Dàn nhạc tới khán phòng Carnegie tổng duyệt xong, 1 tiếng sau diễn. Diễn xong thu gom đồ đạc lên ô tô đi luôn Boston, ăn ngủ trên ô tô. Hôm sau tổng duyệt vào buổi chiều xong, chỉ còn gần 1 tiếng nữa là diễn. Gian hòa nhạc đó lại không cho mang đồ ăn vào, phải chuẩn bị đồ hộp anh em tranh thủ ngồi ăn trên ô tô.
Nhiều khán giả Việt và Mỹ chờ ở lối ra chúc mừng dàn nhạc, tiếc rằng chúng tôi không có thời gian để chia sẻ nhiều vì phải đi ngay. Chúng tôi cũng mời đại diện Dàn nhạc New York Philharmonic- từng sang Việt Nam biểu diễn- đến xem nhưng cũng không có dịp giao lưu.
Ông đánh giá thế nào về chất lượng nghệ thuật của chương trình?
Theo chủ quan của tôi, toàn bộ chương trình hoàn thiện về âm nhạc, chất lượng biểu diễn. Hai bài Quốc ca của Việt Nam và Mỹ mở đầu đã gây nên một cảm xúc rất mạnh, đặc biệt đối với khán giả Việt Nam. Khán giả Mỹ cũng rất ngạc nhiên, thích thú, xúc động lần đầu tiên nghe dàn nhạc Việt Nam chơi quốc ca Mỹ.
Dàn nhạc theo đánh giá của tôi chơi rất tốt, hay hơn khi ở trong nước. Mặc dù các nghệ sĩ rất mệt, nhưng chắc chắn người Việt ta có truyền thống tự hào dân tộc, màu cờ sắc áo, tập trung chơi hết mình nên đã đạt kết quả cao. Sau khi kết thúc tác phẩm khán giả đứng lên vỗ tay rất dài, rất nồng nhiệt.
Sau đó mình chơi thêm hai bài Lý Hoài nam và Trống cơm do nhạc sĩ Ngô Hoàng Quân chuyển soạn. Tôi đã tưởng tượng 2 tác phẩm dân ca Việt chơi ở Mỹ sẽ gây được ấn tượng mạnh và rất xúc động đối với cả nghệ sĩ và khán giả. Và thực tế đúng như vậy.
Phòng hòa nhạc Carnegie có gì đặc biệt theo cảm nhận của ông?
Tính chuyên nghiệp của họ rất cao. Thường ở mình bộ phận hậu đài do đơn vị nghệ thuật đến biểu diễn tự sắp xếp, bên kia toàn bộ là người của phòng hòa nhạc hết, từ mở cửa cho diễn viên vào, mang sách cho chỉ huy... Họ có những nguyên tắc bất di bất dịch, như tuyệt đối không được chụp ảnh, quay phim. Chúng tôi có thuê đội kỹ thuật viên của khán phòng đó thu hình và tiếng. Tư liệu đang trên đường về Việt Nam.
Được biết nhạc trưởng Honna Tetsuji có đóng góp quan trọng cho sự phát triển vượt bậc của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về đóng góp này?
Nói ông Honna rất có công với dàn nhạc cũng chưa đủ, mà có cả tâm nữa. Ông ấy yêu Việt Nam đến kỳ lạ. Khi ông sang Việt Nam biểu diễn lần đầu tiên, anh Ngô Hoàng Quân đã vào phòng thay đồ của ông ấy, nói: “Help us!” (Hãy giúp chúng tôi!) Ông ấy nhận lời. Và ông có kể, ngay lần đầu tiên xuống sân bay ở Hà Nội nhìn ánh sáng của những bóng đèn vàng thấy rất ấm áp.
Ông kể nhiều chuyện rất dài trong lần liên hoan do Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức mừng ông nhận danh hiệu của Bộ Ngoại giao Nhật Bản vì những đóng góp của ông cho DNGH VN. Chúng tôi cũng đang trình Bộ VHTT&DL xem xét tặng thưởng cho ông để đáp lại công lao ấy.
Ngoài việc mang khả năng trình độ của mình để nâng cấp dàn nhạc ra, ông còn có công kết nối rất nhiều tổ chức, các nghệ sĩ, các chỉ huy ở khắp nơi trên thế giới (nhất là từ Nhật Bản) đến với Dàn nhạc. Có rất nhiều nghệ sĩ sang đây gần như biểu diễn giúp mình, chứ Dàn nhạc không đủ tiền để mời.
Đặc biệt buổi trình diễn Bản giao hưởng số 8- một kiệt tác của Mahler, còn chưa được biểu diễn nhiều ở châu Á- chào mừng 1.000 năm Thăng Long, ông mời được nhiều dàn hợp xướng của các nước đến. Sự kiện gây tiếng vang này cũng góp phần khiến cho dàn nhạc của chúng ta được quốc tế nhìn nhận.
Sau chuyến lưu diễn lịch sử ở 2 khán phòng tầm cỡ thế giới này, DNGH VN liệu còn mục tiêu gì để chinh phục?
Hoài bão thì vô cùng. Mình cứ hy vọng thôi. Hy vọng phải bắt đầu bằng việc nghiêm khắc với những gì mình đã đạt được, không tự bằng lòng với nó. Trình độ nghệ thuật không có giới hạn. Mình vươn lên thì tất cả các dàn nhạc thế giới cũng vậy. Huống chi DNGH VN theo tôi đánh giá trình độ bây giờ cũng chưa có gì ghê gớm so với thế giới.
Những thành tựu đã đạt được mình phải gạt sang một bên. Mình làm nghề mình phải tự biết trình độ của mình tới đâu, nên luôn phải so sánh xem mình còn thiếu cái gì. Tuy nhiên tôi vẫn cho đây là cái mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của dàn nhạc.