Một group trên mạng xã hội được thành lập bởi bác sĩ Phan Xuân Trung, công tác tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, có tên “Giúp nhau mùa dịch”. Chưa tới 2 tuần được tạo ra, nhóm thu hút hơn 340 nghìn thành viên. Nhóm được hình thành ban đầu với ý tưởng nhằm kêu gọi những người đang hoạt động trong lĩnh vực y tế như bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, có thời gian có thể hỗ trợ bệnh nhân từ xa hoặc tại nhà, nhằm giảm áp lực đến bệnh viên trong tình hình dịch COVID-19 đang rất phức tạp.
Những thông tin rất bổ ích dành cho những bệnh nhân F0 không triệu chứng và cả những người mắc các bệnh khác trong mùa dịch được chia sẻ trên mạng |
“Xin chào quý vị, tôi là ThS.BS CK1 Trần Quốc Phong, hiện đang công tác tại Bệnh viện Bình Dân, chuyên ngành ngoại tiết niệu. Để giúp quý vị bớt lo lắng hơn về tình trạng sức khoẻ của mình trong mùa dịch, tôi sẽ tư vấn miễn phí cho các bệnh nhân có các vấn đề…”. Đó là một trong hàng trăm lời giới thiệu của các bác sĩ đến từ rất nhiều các bệnh viện, cơ sở y tế ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, như một bản lý lịch trích ngang đầy đủ thông tin về tên tuổi, chuyên môn, số điện thoại, thậm chí là thời gian nào có thể nhận điện thoại, trả lời tin nhắn…
Bác sĩ Đào Trường Giang, khoa Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, chia sẻ trên group rằng mỗi ngày anh nhận được hàng trăm tin nhắn cần tư vấn. Dù công việc tại bệnh viện nơi công tác khá bận, nhưng anh đều cố gắng trả lời tin nhắn mọi người nhanh nhất có thể. Bác sĩ Giang còn cẩn thận dặn mọi người nếu cần tư vấn cho các bé, mọi người gửi tin nhắn qua Zalo để tin không bị trôi, hình ảnh chụp tình trạng bệnh được rõ nét.
Ban đầu, nhóm hình thành chủ yếu hỗ trợ tư vấn cho những người mắc một số bệnh mà không thể đến bệnh viện trong mùa dịch. Sau này, các bác sĩ trong nhóm còn phải kiêm thêm việc tư vấn cho cả bệnh nhân F0 cách ly tại nhà, thậm chí lập thành nhiều đội tình nguyện thăm khám tại nhà cho những trường hợp bệnh nhân không thể tư vấn online, vì nhu cầu cần được giúp đỡ quá lớn. Thậm chí, nhóm còn có nhiều người tham gia giúp đỡ người dân thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men.
Ngoài group trên, hiện có nhiều bác sĩ vẫn hàng ngày lên facebook cá nhân tự làm clip hướng dẫn F1, F0 đang tự cách ly điều trị tại nhà. Điển hình là bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở TPHCM, ông hoạt động tích cực trên trang facebook của mình, đăng nhiều bài viết hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân và còn trả lời trực tuyến các câu hỏi liên quan đến dịch bệnh COVID cho mọi người và kiêm luôn nhiệm vụ động viên, trấn an tâm lý hoang mang của người dân trước tình hình dịch bệnh căng thẳng.
Những chiếc xe của các nhóm làm thiện nguyện ở quận 7, TPHCM, được cải tiến để đưa đón F0 đến bệnh viện điều trị |
Không trực tiếp điều trị bệnh nhân, một nhóm thiện nguyện ở quận 7 TPHCM đã dùng 6 xe cá nhân của mình sau đó cải tiến lại để vận chuyển miễn phí các ca F0, F1 đến bệnh viện và khu cách ly trong mùa dịch.
Hoàng Tiến, một tài xế công nghệ thất nghiệp do dịch bùng lên hơn 1 tháng trước, quyết định đăng ký tham gia làm từ thiện. Anh Tiến, một người chuyên vận chuyển F0, F1 cho biết, đã tham gia nhóm khoảng cuối tháng 5/2021 khi TPHCM bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm của đợt dịch lần thứ 4. “Công việc của nhóm hằng ngày ngoài những lúc không vận chuyển F0, F1, chúng tôi tham gia vào các hoạt động còn lại của nhóm như sắp xếp, phân bổ thực phẩm, rau củ quả, gạo, mì gói… cho những khu vực đang phong tỏa” - anh Tiến kể. 6 chiếc xe đã được nhóm chuyển đổi công năng lại từ các xe dân dụng, có vách ngăn riêng giữa tài xế và người được vận chuyển.
Trong quá trình vận chuyển nếu có nhu cầu liên lạc giữa tài xế và người vận chuyển thì sẽ trao đổi thông qua điện thoại để đảm bảo an toàn. Tất cả các đồ bảo hộ khi vận chuyển, khẩu trang N95, dung dịch khử khuẩn… đều được các trung tâm y tế trên địa bàn và các nhà hảo tâm hỗ trợ cho nhóm. “Cứ gia đình nào có F0 gọi là chúng tôi có mặt, sau đó liên lạc với các trung tâm y tế và bệnh viện dã chiến thu dung điều trị để vận chuyển họ đến” - một thành viên chia sẻ.
Các chú tiểu chùa Sắc Tứ (Triệu Phong, Quảng Trị) khiêng gạo lên xe chở vào TPHCM cứu trợ. Ảnh do thầy Thích Nguyên Mãn chụp. |
Trong nhóm zalo do một nhà báo tạo nên, cũng quy tụ được khá nhiều bác sĩ nổi tiếng của ngành y. Tại đây, bác sĩ không chỉ chia sẻ chuyên môn, còn sẵn sàng hỗ trợ cho nhau từng chiếc khẩu trang, chai xịt khuẩn. Chị Tuyến ở Gò Vấp cho biết, chị được bác sĩ Trọng, Bệnh viên Xuyên Á tư vấn nhiệt tình khi chị hỏi về nguy cơ mắc COVID-19. “Mạng ảo, nhưng tất cả những gì các bác sĩ đang giúp đỡ, hỗ trợ bệnh nhân là thật. Tôi xúc động khi tình yêu thương, tình dân tộc đã gắn kết con người qua dịch bệnh”, chị Tuyến nói.