Ám ảnh kép ở vùng biên

Người nghiện đến uống Methadone tại trạm y tế huyện Mường La.
Người nghiện đến uống Methadone tại trạm y tế huyện Mường La.
TP - Vẫn dòng sông Đà xanh ngăn ngắt lượn vòng theo chân núi tạo nên bức tranh thiên nhiên bình yên và lãng mạn đến nao lòng nơi vùng biên Tây Bắc. Nhưng, bao câu chuyện cuộc đời từ đại dịch HIV và ma túy dưới những nếp nhà buồn hơn cả tiếng khóc, như mảng tối đối nhau chan chát với ngoài kia nắng đầu đông vàng ruộm trên những cánh đồng hoa cải. Những cái chết tức tưởi đến không ngờ…

Giọt sữa… “tử thần”

Trong ngôi nhà sàn rộng rãi bên dòng sông Đà của anh Lường Văn Nguyên (35 tuổi, bản Nà Nong, xã Chiềng Lao, huyện Mường La, tỉnh Sơn La), đồ đạc không có gì có giá trị trừ chiếc ti vi cũ. Cậu bé con gần 2 tuổi bám riết lấy người cha gầy guộc, thấy người lạ bước vào nó khóc ré lên ôm chặt lấy cha. Trời se lạnh, trên cơ thể nhỏ bé chỉ độc chiếc áo mỏng... Tôi nhìn quanh, không điều gì cho thấy ngôi nhà này có hơi ấm bàn tay người phụ nữ vun vén. Khẽ cười thật buồn, Nguyên bảo: “Vợ nó bỏ đi lâu rồi, để con lại cho mình nuôi đấy…”. Câu nói kèm theo tiếng thở dài khiến gương mặt người đàn ông này như già đi cả chục tuổi.

Nguyên vốn là chàng trai ưa nhìn với vẻ đàn ông rõ nét trên gương mặt góc cạnh và sống mũi thẳng cùng đôi mắt sâu thẳm. Nhưng cuộc đời Nguyên đã rẽ sang lối khác khi anh vấp phải sự đam mê chết người của ma túy. Những hiểu biết bằng con số không tròn trĩnh về ma túy đã khiến Nguyên trả giá bằng căn bệnh HIV khi anh dùng chung bơm kim tiêm với bạn nghiện để chích. Vùng sâu heo hút, thiếu kiến thức về các bệnh xã hội và cách phòng tránh lây truyền bệnh đã khiến vợ Nguyên từ cô gái trẻ trung xinh đẹp thành người đàn bà bất hạnh. Ngày người phụ nữ ấy lần đầu rưng rưng với cảm giác mừng vui khôn xiết khi biết trong cơ thể mình có mầm sống hình thành cũng là ngày cô biết tin chồng mình nhiễm HIV. Đất trời như sụp xuống.

Rồi vợ chồng Nguyên được cán bộ y tế thôn bản hướng dẫn dùng thuốc ARV để kháng lại virus HIV chết người đang hủy hoại gia đình nhỏ của mình. Các bác sĩ đã điều trị cho vợ Nguyên tận tâm với hy vọng em bé không bị nhiễm virus của căn bệnh thế kỷ từ mẹ truyền sang trong quá trình mang thai. Nguyên nhớ lại ngày đứa con trai chào đời, với anh đó là thời khắc hạnh phúc nhất trong chuỗi ngày bất hạnh khi xét nghiệm cho thấy cậu bé hoàn toàn khỏe mạnh. Sự ra đời của đứa con cũng không níu giữ được người mẹ. Vợ Nguyên bỏ đi khi con trai mới được 7 tháng tuổi. Ngôi nhà đã lặng lẽ nay càng hiu quạnh hơn. Tôi nhìn cách Nguyên ôm ấp con, nghe những câu nói anh nựng con chợt lặng đi bởi dường như anh trút vào đó tình thương của cả cha và mẹ, trút cả nỗi ân hận, day dứt vì mình mà gia đình tan nát, vì mình mà con vắng bàn tay vỗ về của mẹ…

Mỗi ngày Nguyên vẫn đều đặn vượt quãng đường gần 60km vừa đi vừa về để lên Trung tâm Y tế huyện Mường La uống Methadone cai nghiện với hy vọng giữ được sức khoẻ mà làm lụng nuôi con. Nguyên bảo: “Đi lại xa xôi, tốn kém tiền xăng 20 nghìn một ngày, mình vẫn cố vì dù bệnh tật nhưng vẫn là chỗ dựa cho đứa con bé bỏng. Mình cố gắng sống tốt để bù đắp cho nó. Nếu cơ sở điều trị Methadone được chuyển về dưới Trạm Y tế xã thì những người nhiễm HIV như mình và nhiều người nhiễm khác sẽ đỡ vất vả, có thời gian đi làm kiếm tiền nuôi con”. Rời nhà Nguyên một đoạn, tôi ngoái lại thấy người đàn ông vẫn lặng lẽ bồng con, hướng ánh nhìn xa xăm về dãy núi đang thẫm dần bóng hoàng hôn…

Những đứa trẻ bất hạnh vì HIV và ma túy có mặt khắp các thôn bản nơi vùng biên viễn này. Hình ảnh trẻ mồ côi cha mẹ vì HIV, ma túy, những thân hình còi cọc, bệnh tật vì virus hành hạ không còn xa lạ ở các xã, huyện của tỉnh Sơn La, nơi được coi là “chảo lửa” HIV và ma túy.

Ở Bản Két (xã Tạ Bú, huyện Mường La) người ta nhắc mãi về câu chuyện một gia đình có 2 chị em gái cùng sinh con cách nhau không bao lâu. Vợ chồng người chị sinh con hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng em gái, không may, đứa con đã tử vong chỉ sau 2 tuần chào đời. Nỗi đau quá lớn cùng với bầu ngực căng tức sữa, người dì cho cháu bú sữa mình để vơi bớt nỗi nhớ thương đứa con xấu số. Đứa trẻ cảm nhận được tình máu mủ nơi người dì nên thỏa sức bú mớm mỗi lúc mẹ đi làm vắng nhà. Đến một ngày sức khỏe của bé xấu đi, phải vào viện cấp cứu. Xét nghiệm cho thấy cơ thể non nớt ấy mang trong mình virus HIV chết người. Những mối nghi ngờ được lật qua lật lại vì bố mẹ bé hoàn toàn khỏe mạnh. Cuối cùng  kết quả xét nghiệm mang đến kết cục đẫm buồn khi cả vợ chồng người dì mà bé bú mỗi ngày đều bị HIV.

Ám ảnh kép ở vùng biên ảnh 1

Anh Nguyên và con trai. Ảnh: T.Hà

Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) đang tiến hành xét nghiệm cho 2 em bé 9 tháng và 17 tháng tuổi (tại thị trấn Mộc Châu) nghi bị nhiễm HIV. Hai trẻ này có quan hệ chú-cháu. Một bé là con của người phụ nữ bị HIV, bé còn lại là cháu nội của người đàn bà này. Đáng tiếc, người phụ nữ ấy không hề biết mình mang trong mình căn bệnh HIV nên khi thấy cháu nội khóc vì khát sữa đã cho bé bú. 

Gánh nặng kép ở “chảo lửa”

Sơn La là tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế. Số người nghiện chích ma túy, mại dâm và nhiễm HIV/AIDS luôn ở ngưỡng cao đáng báo động. Điều đáng nói hơn cả hiểm họa từ tảng băng chìm là những người có HIV mà người khác không biết khiến bao gia đình lâm vào cảnh khốn cùng.

Ông Đàm Văn Hưởng, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La cho biết: “Hiện nay việc quản lý các đối tượng nhiễm HIV/AIDS là hết sức khó khăn. Ngành Y tế Sơn La đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân trước khi kết hôn nên đến cơ sở y tế để khám sức khỏe và làm các xét nghiệm. Nhưng, nhiều người vẫn chủ quan bỏ qua. Nhiều trường hợp khi phát hiện bị nhiễm thì đã quá muộn và là một trong những nguyên nhân khiến HIV/AIDS lây lan nhanh”.

Ước tính mỗi năm Sơn La có thêm khoảng 600 trường hợp nhiễm HIV. Nhưng đáng lo ngại là càng kiểm tra, giám sát thì số người nhiễm càng gia tăng. Nhiều trẻ em bị ảnh hưởng bởi căn bệnh HIV/AIDS ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sơn La còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. Đây là một thách thức đối với công tác dự phòng hạn chế số người nhiễm HIV mới hàng năm, cũng như công tác chăm sóc, điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS tại Sơn La.

Ma túy là nguyên nhân sâu xa khiến HIV tăng nhanh ở vùng đất này. Hiện toàn tỉnh đang quản lý khoảng 8.000 người nghiện ma túy. Sau bốn năm triển khai chương trình điều trị thay thế nghiện các dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, đến nay chương trình vẫn diễn ra chậm chạp và còn nhiều vướng mắc. Chỉ tiêu Chính phủ giao tỉnh Sơn La đến năm 2015 phải có 6.000 người nghiện được điều trị bằng thuốc Methadone, nhưng con số đó mới đạt khoảng 10%...

Ông Hưởng là người gắn bó với công tác phòng chống HIV/AIDS và ma túy của Sơn La trong nhiều năm qua. Con người với giọng nói trầm ấm và những trăn trở đau đáu này vẫn luôn nỗ lực không ngừng nghỉ để vùng đất Tây Bắc trở lại bình yên. Những bản làng nơi tôi đi qua, những câu chuyện tôi được nghe, những mảnh đời tôi được chứng kiến cho tôi hiểu rằng khó khăn còn nhiều lắm nơi vùng biên này…

Ám ảnh kép ở vùng biên ảnh 2

Bác sĩ Tòng Văn Sử (Bệnh viện Đa khoa huyện Mường La) khám tư vấn cho người nghiện nhiễm HIV .

Đêm đầu đông, lang thang cùng nhóm bạn ở thành phố Sơn La sau những ngày miệt mài đi thôn bản, cảm nhận được không khí trong lành và yên ả nơi đây. Nhưng cảm giác ấy vuột trôi khi chị chủ quán nói khẽ với tôi: “Cô muốn đi taxi thì cô gọi nhé, giọng con trai gọi taxi giờ này họ không đón đâu, họ sợ bọn nghiện gọi, ở đây nhiều người nghiện lắm”. Cả nhóm lặng người. Tôi chợt ớn lạnh khi cảm nhận gánh nặng kép ma túy và HIV đã thực sự tàn phá mảnh đất đẹp hoang sơ này thành nơi nguy hiểm với con người. Và không ngớt trong tôi nỗi ám ảnh về những phận đời đắng đót, có thể vĩnh viễn ra đi khi được nuôi bằng sữa của những người thân yêu. Có giọt sữa ngon ngọt nâng giấc vào đời đến cho đến khi lìa cõi sống, lòng vẫn khôn nguôi ơn sâu nghĩa nặng. Nhưng ác nghiệt thay, cũng có dòng sữa ngọt lành ngỡ là suối nguồn nuôi dưỡng sinh linh bé nhỏ lại trở thành niềm đau vô tận… Có câu “Sảy cha còn chú, sảy mẹ bú dì” mà ai cũng thấm đẫm được tính nhân văn của nó, nhưng ở vùng đất khốc liệt này, ý nghĩa thành ngữ ấy mang một nỗi đau không cất nổi thành lời…

Tôi nhìn cách Nguyên ôm ấp con, nghe những câu nói anh nựng con chợt lặng đi bởi dường như anh trút vào đó tình thương của cả cha và mẹ, trút cả nỗi ân hận, day dứt vì mình mà gia đình tan nát, vì mình mà con vắng bàn tay vỗ về của mẹ…

MỚI - NÓNG