Ai ve chai hôn!...

Những người phụ nữ đang vất vả phân loại ve chai trước khi mang vào vựa.
Những người phụ nữ đang vất vả phân loại ve chai trước khi mang vào vựa.
TP - Vào lúc mặt trời đứng bóng, nếu đi qua đoạn đường Trần Nhân Tôn ở phường 9, quận 5, TPHCM, không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ đang vất vả phân loại các giấy bìa, sách báo, chai lọ trên vỉa hè. Khuôn mặt và tấm lưng họ ướt đẫm mồ hôi và đôi tay thoăn thoắt không ngừng nghỉ. Những người phụ nữ ấy ở xóm Ve Chai, tên xóm cũng chính là tên nghề của họ.

Cố vui với nghề

Đã thành quy luật, hành trình của những người phụ nữ ở xóm Ve Chai bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc khi trời đã tối muộn. Dù phải làm việc dưới tiết trời mưa nắng thất thường của mảnh đất Sài Gòn, nhưng các chị chưa bao giờ cho phép mình nghỉ, dù chỉ là nửa buổi.

Chị Phạm Thị Thùy (quê Bình Định) đã theo nghề này hơn 20 năm cho biết: “Gia đình tôi ở quê nghèo khó, khi nhỏ chẳng được học hành gì nhiều. Lớn lên xin việc làm cũng gặp nhiều khó khăn. Sau khi lấy chồng rồi sinh đứa con đầu lòng, tôi quyết tâm vào Sài Gòn, duyên đến với nghề cũng từ đó”. Chị bảo cái nghề buôn ve chai này tuy không cần bằng cấp, học thức gì nhưng lại yêu cầu con người ta phải hoạt bát, mềm mỏng, chăm chỉ, chịu khó. Không hội đủ những tố chất đó thì khó theo được.

Mỗi ngày chị Thùy phải đẩy xe đi mấy chục cây số. “Ngày trước còn trẻ tôi không ngại đường xa, các quận Tân Bình, Tân Phú đến Gò Vấp tôi đi hết. Bây giờ có tuổi, tôi chỉ đi quanh khu vực quận 5, quận 10. Cũng may có quen vài mối nên thỉnh thoảng họ gọi mình chỉ việc tới cân rồi mang tới vựa ve chai nên cũng khỏe”, chị Thùy cho hay.

Không đơn thuần đẩy xe đi mua phế liệu quanh các con phố, để kiếm thêm thu nhập, các chị còn tranh thủ nhặt nhạnh từng vỏ lon bia, tẩy đá ở các thùng rác, nơi vệ đường. Xong, còn phải ngồi lựa và phân loại từng thứ: từ giấy báo, bìa cát tông, nhựa, nhôm, sắt…để cân bán vì giá bán của từng loại khác nhau. Mỗi kí sắt, nhựa lời từ 2 - 5 ngàn đồng, một kí giấy thì chỉ 1.000 - 2.000 đồng. “Trung bình mỗi ngày chúng tôi chỉ kiếm được từ 100 tới 150.000 ngàn đồng, nhiều nhất thì cũng chỉ 200 ngàn. Chủ yếu lấy công làm lãi, tranh thủ nhặt chai lọ ở các công viên hay cổng trường học để có thêm chút đỉnh”, chị Hương (36 tuổi) tâm sự.

Chị Hương cho biết quê chị ở Hoài Ân - Bình Định, chị vào đây đã được 6 năm và cũng là chừng ấy thời gian chị gắn bó với nghề buôn ve chai. Chồng chị ở nhà cũng đi làm thuê, còn hai đứa nhỏ thì đứa lên lớp 3 đứa mới vào lớp 1. “Nghề này tuy khó nhọc thật nhưng cũng có cái vui riêng của nó. Thỉnh thoảng tôi vẫn được người dân cho vài thùng lon bia hay mấy chồng sách cũ. Nhiều người còn cho tôi quần áo và hẹn tôi cuối tháng quay lại họ gom báo cũ cho”, chị Hương cười tươi nói.

So với việc làm nông, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì nghề buôn ve chai này khấm khá hơn nhiều. Chị Tú (huyện An Nhơn, Bình Định) cho biết, chị tranh thủ khoảng thời gian chưa vào mùa vụ để đi buôn ve chai, chừng nào tới mùa gieo hạt, cắt lúa thì lại về quê nửa tháng. “Trung bình mỗi tháng tôi kiếm được 4 - 4,5 triệu, trừ chi phí ăn ở thì cũng gửi về quê chừng 2 triệu. Lần nào về tôi cũng mua cho mấy đứa con bộ quần áo mới, nhìn chúng hạnh phúc đi khoe với bạn bè mà lòng tôi vui. Nghĩ dù có khổ đến mấy cũng phải lo cho con được đầy đủ”, chị Tú chia sẻ thêm.

Với các chị, niềm vui còn nằm ở sự lao động miệt mài. Trời chẳng phụ ai bao giờ, đi buôn ve chai tuy hiếm người trở nên giàu có nhưng cũng chẳng thấy ai phải đói ăn.

Những bữa cơm nguội ấm tình

Sau khi mang ve chai vào vựa cân xong, các chị ngồi quần tụ bên nhau trước hiên nhà của một người dân tốt bụng và lấy những hộp cơm đã chuẩn bị từ trước đó ra ăn. “Chúng tôi dậy sớm nấu cơm ăn sáng, sau đó chuẩn bị luôn phần cơm trưa để mang theo. Ngày nào cũng phải giờ này chị em chúng tôi mới được ăn bữa trưa đấy chú”, chị Thùy tâm sự. Nhìn đồng hồ tôi thấy đã hơn một giờ chiều. “Cơm để từ sáng tới giờ thì sao mà còn nóng được”, tôi hỏi. Một chị đáp: “Trưa nào chúng tôi cũng ăn cơm nguội quen rồi. Tối về mấy chị em cùng nấu thì mới được bữa ăn nóng”.

Bữa cơm của các chị thật đơn giản. Chỉ vài cọng rau, một khúc cá, phần cơm nguội, vậy mà họ ăn vẫn ngon lành và vui vẻ. Trong bữa ăn, các chị còn chia sẻ cho nhau từng thìa canh, miếng cá và liên tục hỏi han nhau: “Tháng sau về quê hả”, “Gom đủ tiền đóng học phí cho con chưa”, “Cái chân còn đau không”... Có ngồi cạnh đó mới thấy hết được nghĩa tình của những người phụ nữ tha phương mưu sinh vất vả.

Ai ve chai hôn!... ảnh 1

 Biết tin con đậu đại học, chị Nga đã khăn gói vào Sài Gòn đi buôn ve chai để nuôi con.

Bất chợt tôi hỏi các chị bao lâu rồi chưa được cùng ăn cơm với gia đình. Không khí bữa ăn bỗng im lặng, chị Hương rơm rớm nước mắt: “Kể từ khi vào đây buôn ve chai, mỗi năm tôi chỉ về quê vào dịp Tết. Những bữa cơm ăn cùng chồng con chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lúc mới vào tối nào tôi cũng khóc. Nhưng nếu về quê thì lại vẫn đói nghèo nên phải cố gắng thôi chứ biết sao giờ. Chắc đi vài năm nữa, khi nào đủ vốn tôi về quê mở quán tạp hóa cho gần mấy đứa nhỏ, chứ để nó phải chịu cảnh xa mẹ mãi cũng tội”.

Sau bữa ăn trưa qua loa, chóng vánh, chẳng cần nghỉ trưa, các chị lại tiếp tục công việc của mình. Người nào có mối bán ve chai hẹn trước thì hồ hởi đẩy xe đi, người nào không có thì cũng phải nhanh chân để đi vào các hang cùng ngõ hẻm, tìm ở các thùng rác, phía lề đường xem có bao nilon, giấy vụn nào không để
thu nhặt.

Theo bước chân con

Chị Thùy cho biết cứ khoảng tháng 8, tháng 9 mỗi năm là lại có thêm nhiều người mới ra nhập “xóm” ve chai. Họ là những phụ huynh có con thi đậu đại học, cao đẳng tại các trường ở TPHCM. Ở quê làm ruộng một năm 2 – 3 vụ chẳng đủ tiền phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ nên đành khăn gói theo con vào Sài Gòn buôn ve chai, vừa chủ động được thời gian, mà vốn liếng bỏ ra lại ít.

Ai ve chai hôn!... ảnh 2

Bữa cơm trưa đạm bạc nhưng ấm lòng bởi sự sẻ chia.

“Con người ta 10 thì con mình cũng phải được 6, 7 chứ không chúng nó lại tủi thân, mặc cảm. Mình là cha mẹ, khổ mấy cũng được, chỉ cần thấy con được vui vẻ và no đủ”, chị Nga quê ở Phú Yên có con trai mới đậu trường Cao đẳng Điện lực TPHCM nói. Chị cho biết thêm ngoài việc đi buôn ve chai cả ngày, tối về chị còn nhận rửa chén và dọn dẹp ở các quán ăn để có thêm tiền cho con mua sách vở. Chị bảo: “Cũng phải cho nó chút ít tiền ăn sáng, rồi thỉnh thoảng còn đi chơi với bạn bè nữa chứ”.

Cùng niềm vui có con mới đậu trường Đại học Sư phạm TPHCM, chị Loan tâm sự: “Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, con gái tôi chọn học tại trường sư phạm để được miễn học phí. Nó đã nghĩ được như vậy, chẳng lẽ mình lại không chịu được chút vất vả để nuôi con. Chỉ mong nó thành tài rồi thoát khỏi cái nghèo”.

Chưa dứt nụ cười trên môi, đôi mắt chị Loan đã thấp thoáng nỗi buồn. Hỏi ra mới biết hầu hết mấy đứa con của chị đều không muốn mẹ làm cái nghề này. Một phần vì vất vả, cực nhọc, một phần tự ti trước bạn bè. Thấy chị Loan buồn lòng, một chị ngồi cạnh vỗ vai: “Nghề nào chả phải làm việc vất vả mới có được đồng tiền. Thấy mình khổ vậy biết đâu chúng nó lại cố gắng học hành để đổi đời cũng nên”.

Chào các chị ra về mà trong đầu tôi vẫn cứ văng vẳng tiếng rao “Ai…ve chai hôn” như một lời nhắc nhở cho những cố gắng thoát nghèo và tấm lòng thương con vô hạn của các chị.

Để có tiền gửi về quê hằng tháng nuôi các con ăn học, gần chục chị em cùng ở trong một căn phòng chật hẹp chỉ đủ để mỗi người đặt trọn cái lưng. “Chúng tôi đi cả ngày, đến tối muộn mới về nên chẳng cần phải rộng rãi làm gì. Chỉ cần có chỗ tắm giặt là được. Tiền nhà chia đều ra, mỗi người chỉ vài ba trăm bạc”, chị Thùy thủ thỉ.
MỚI - NÓNG