Afghanistan muốn khôi phục hình phạt ném đá tới chết

Afghanistan muốn khôi phục hình phạt ném đá tới chết
TP - Theo dự thảo bộ luật hình sự Sharia mới của Afghanistan, người ngoại tình sẽ bị ném đá hoặc bắn chết, người chưa kết hôn mà đã quan hệ tình dục phải chịu phạt 100 roi…

> Afghanistan: Nghi phạm đánh bom bị ném đá tới chết
> Đánh bom ở Afghanistan, 20 người chết

Khi Taliban lãnh đạo Afghanistan giai đoạn 1996 - 2001, những người bị kết tội ngoại tình thường bị ném đá đến chết. Ảnh: Panfilo Castaldi
Khi Taliban lãnh đạo Afghanistan giai đoạn 1996 - 2001, những người bị kết tội ngoại tình thường bị ném đá đến chết. Ảnh: Panfilo Castaldi.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu những hình phạt này được khôi phục trong luật pháp Afghanistan thì đây sẽ là bước thụt lùi về nhân quyền ở nước này, từ khi chế độ Taliban bị lật đổ năm 2001.

“Chúng tôi đang soạn thảo bộ luật hình sự Sharia, trong đó có quy định người ngoại tình bị 4 nhân chứng chống lại sẽ bị ném đá đến chết”, ông Rohullah Qarizada, thành viên Ủy ban Luật Hồi giáo Sharia đang soạn thảo dự luật kiêm Chủ tịch Hội Luật sư độc lập Afghanistan, cho biết.

Một đôi nam nữ yêu nhau ở tỉnh Baghlan gần đây thoát được hình phạt bị ném đá đến chết, nhưng sau đó bị xử tử công khai. “Khi họ đang chạy trốn thì xe của họ gặp tai nạn, nên bị người dân bắt được. Người dân muốn ném đá cho đôi nam nữ này chết ngay tại trận, nhưng một số người già không đồng ý”, Khadija Yaqeen, một quan chức phụ trách các vấn đề phụ nữ của tỉnh Baghlan, nói với Reuters tuần trước. “Hôm sau, họ quyết định cả hai phải bị bắn chết công khai. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chính bố của cô gái đã yêu cầu bắn chết con gái và người yêu”, Yaqeen nói. Phát ngôn viên cảnh sát địa phương xác nhận vụ xử tử hình và cho biết vụ việc là trái pháp luật.

Hàng tỷ đô-la Mỹ đã được chi để thúc đẩy quyền con người ở Afghanistan suốt hơn 12 năm chiến tranh, nhưng các nhà tài trợ lo ngại rất ít tiến bộ đạt được, đặc biệt là quyền phụ nữ lại đang thụt lùi. Khi lực lượng Taliban lãnh đạo Afghanistan giai đoạn 1996 - 2001, những người bị kết tội ngoại tình bị xử bắn hoặc ném đá đến chết, chủ yếu vào thứ sáu. Phụ nữ không được phép tự ý ra ngoài, con gái bị cấm đến trường, còn đàn ông buộc phải nuôi râu dài. Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đang tìm cách hợp tác với Taliban - tổ chức đã “nâng cấp” hình phạt ném đá tới chết từ một hủ tục không chính thức trở thành luật từ khi bắt đầu cai trị Afghnistan vào cuối những năm 1990. Tổng thống Karzai gần đây nói rằng, phụ nữ Afghanistan không có gì phải sợ khi Taliban trở lại. Tuy nhiên, việc bắt giam phụ nữ bị cáo buộc ngoại tình đã trở nên phổ biến, cho dù rất nhiều trong số họ chỉ là những cô gái hoặc bé gái chạy trốn khỏi hôn nhân sắp đặt, theo CS Monitor.

“Thật không thể tin được là 12 năm sau sự sụp đổ của chính quyền Taliban, chính quyền Karzai lại có thể khôi phục hình thức xử tử bằng ném đá”, ông Brad Adams, giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Quan sát Nhân quyền, nhận xét.

Theo báo cáo mới đây của tổ chức phi chính phủ Oxfam, 87% phụ nữ Afghanistan bị hành hạ cơ thể, tâm lý, tình dục hoặc bị cưỡng ép kết hôn.

Tổ chức có trụ sở tại Mỹ này cho rằng, cần thắt chặt các nguồn tài trợ. Tháng trước, Na Uy quyết định cắt viện trợ với lý do Afghanistan không thực hiện được các cam kết bảo vệ quyền phụ nữ và chống tham nhũng. Tuy nhiên, hầu hết các nước tài trợ cũng chỉ dừng lại ở việc cắt viện trợ để gây áp lực lên chính quyền Karzai, trong khi Mỹ và Liên Hợp Quốc cũng đã biết về kế hoạch khôi phục hình phạt ném đá, ông Qarizada nói.

Hình phạt ném đá đến chết vẫn phổ biến ở Afghanistan ngay cả trong suốt 11 năm có sự hiện diện của quân đội NATO. Riêng năm 2012 có ít nhất 172 phụ nữ bị tống giam ở Afghanistan. Trong số này có 101 người ở tỉnh Herat. Công tố viên trưởng của tỉnh Heart, người phụ nữ duy nhất giữ vị trí này ở Afghanistan, giải thích rằng, nguyên nhân là do Herat giáp với Iran “dễ dãi”, dẫn đến tình trạng ngoại tình ở Herat phổ biến hơn các tỉnh khác của đất nước.

Ngoài yếu tố chính trị, phụ nữ bị đối xử bất công là điều phổ biến trong đời sống và suy nghĩ của người Afghanistan. Năm ngoái, một bà mẹ chồng bóp cổ con dâu đến chết vì đẻ ra con gái chứ không phải con trai. Vụ việc một người di cư Afghanistan giàu có tên là Mohammed Shafia ở Canada gần đây giết hại 3 con gái của ông ta chỉ vì chúng không nghe theo quy định khắt khe của bố cũng nhắc người ta nhớ đến truyền thống coi thường phụ nữ ở đất nước Trung Á này.

BÌNH GIANG
Theo CS Monitor, Reuters, Xinhua

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG