7 con cá ngừ tiếp tục lên sàn đấu giá Nhật: Đắt xắt ra miếng

Chuyên gia Masakazu Shoga - Nhật Bản kiểm tra chất lượng cá ngừ trước khi xuất khẩu sang Nhật. Ảnh: H. Văn.
Chuyên gia Masakazu Shoga - Nhật Bản kiểm tra chất lượng cá ngừ trước khi xuất khẩu sang Nhật. Ảnh: H. Văn.
TP - Hôm nay, bảy con cá ngừ đại dương xuất xứ Bình Định vừa “bay” sang Nhật tiếp tục lên sàn đấu giá. Theo chuyên gia thủy sản Nhật Bản, chất lượng cá lần này khá hơn những lần trước. Song, thị trường Nhật Bản đòi hỏi chất lượng cá ngừ cao, nên ngư dân phải chuyên nghiệp hơn nữa nếu muốn phát triển một ngành… lâu dài.

Chất lượng cá ngừ Việt còn hạn chế

Theo ông Masakazu Shoga, chuyên gia thủy sản của Cty Kato Hitoshi General Office, chất lượng cá ngừ Việt Nam vẫn chưa đảm bảo (chỉ đạt khoảng 30% so với yêu cầu). Một phần do ngư dân Việt Nam đánh bắt theo mùa, còn ở Nhật đánh bắt quanh năm. Người dân Nhật Bản đã quen với công nghệ khai thác cá ngừ đại dương hàng trăm năm nên có những bí quyết riêng không dễ gì tiết lộ.

Nhưng các chuyên gia Nhật Bản đã tổng hợp một phương cách giúp đánh bắt hiệu quả và sẽ cố gắng hỗ trợ tốt nhất về mặt kỹ thuật cho ngư dân Việt Nam. “Việc đổi mới công nghệ đối với một quốc gia cần có quá trình lâu dài, chứ không thể nóng lòng ngày một ngày hai. Ngoại trừ các trường hợp đặc biệt do yếu tố khách quan, ý thức tuân thủ quy trình phải được thực hiện nghiêm ngặt”, chuyên gia thủy sản Nhật Bản lưu ý.

Theo phân tích, nguồn lợi cá ngừ tại biển Đông có trữ lượng ước tính khoảng 50.000 tấn, khả năng cho phép khai thác khoảng 17.000 tấn. Đây là cơ sở để phát triển nghề cá ngừ đại dương tại Việt Nam. Sản lượng cá ngừ đại dương hiện nay khoảng 15.000 tấn, trong đó Bình Định đã đánh bắt gần 10.000 tấn/ năm.

Tuy nhiên, phần lớn xuất khẩu cá ngừ sang EU, Mỹ và các nước khác dưới dạng đông lạnh như cắt khúc, trong khi xuất khẩu cá ngừ tươi sang Nhật Bản chỉ 1.000 tấn/ năm. Mặc dù là địa phương có sản lượng cá ngừ đại dương lớn nhưng cá ngừ Bình Định được xuất khẩu sang Nhật còn hạn chế, nguyên nhân chính là chất lượng cá ngừ giảm sút do đánh bắt không đúng cách. 

Bà Cao Thị Kim Lan, GĐ Cty CP Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) cho rằng, việc vận chuyển cá ngừ hiện nay bằng đường hàng không rất tốn kém, nhưng buộc phải như vậy để đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, đây không phải điều đáng lo ngại, vì nếu sau này mô hình được mở rộng, số lượng vận chuyển nhiều hơn thì chi phí sẽ giảm đi. “Điều băn khoăn nhất bây giờ là làm sao cho ngư dân làm tốt, tuân thủ đúng quy trình để nâng cao chất lượng cá, tăng giá trị và tăng lợi nhuận”.

7 con cá ngừ tiếp tục lên sàn đấu giá Nhật: Đắt xắt ra miếng ảnh 1

Tàu của ngư dân Bình Định khai thác cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản.

Khó nhưng không phải không thể

Ông Hirosuke Kato, Phó Chủ tịch hội Hữu nghị Nhật - Việt kiêm Chủ tịch Công ty Kato Hitoshi General Office cho rằng, vấn đề thị trường không phải là điều đáng lo. Việc đấu giá cá ngừ Bình Định hiện tại ở chợ Osaka nhằm tăng giá trị cá ngừ Việt Nam cũng chỉ là bước đầu. Thời gian tới, Nhật Bản sẽ hỗ trợ ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp lớn về thu mua cá ngừ ở Nhật Bản có sức tiêu thụ từ 500 tấn đến 10.000 tấn cá ngừ/năm.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Vụ phó Vụ khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản, cho rằng, phát triển ngành cá ngừ Việt Nam có vai trò rất quan trọng. Nhà nước và người dân đang rất quan tâm. Trữ lượng cá ngừ trong nước đạt khoảng trên 45.000 tấn. Sản lượng khai thác cho phép 20.000 - 22.000 tấn, trong đó, nhiều nhất vẫn là tỉnh Bình Định.

Đây là bước chuyển biến rất lớn đối với ngư dân và cũng là hướng mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam. “Ngư dân đóng vai trò quyết định nhưng thực tế vấn đề đào tạo ngư dân chuyên nghiệp, đào tạo đúng quy trình vẫn gặp khó khăn. Khó khăn chứ không phải không làm được, phải có sự đồng lòng, quyết tâm để đáp ứng yêu cầu của thị trường, giúp phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững”.

Trong ngày 1/2, đại diện Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Bình Định và các chuyên gia Nhật Bản có buổi làm việc về Đề cương Dự án xác định và phổ biến phương pháp - thiết bị đánh bắt nhằm hiện đại hóa nghề đánh bắt cá ngừ ở Việt Nam do Kato Group Nhật Bản đề xuất. Theo đề cương, dự án sẽ triển khai thực hiện hệ thống Tuna - Shocker bao gồm: Thiết kế, sản xuất và vận chuyển thiết bị, vật liệu; Lắp đặt hệ thống Tuna - Shocker cho tàu cá Việt Nam (dự kiến 25 tàu); Huấn luyện vận hành và bảo trì hệ thống cho ngư dân địa phương; Phát triển sản xuất cá ngừ chất lượng cao thông qua giám sát quá trình đánh bắt, xử lý, bảo quản và vận chuyển cá về bờ; marketing, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm…

MỚI - NÓNG