Để thống nhất các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, nội địa và giới tuyến, ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) đã ban hành Nghị quyết về việc xây dựng lực lượng cảnh vệ nội địa và biên cương. Đây là nghị quyết đặc biệt, đầu tiên của Đảng về công tác biên phòng, nội địa và giới tuyến, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 3/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định về việc thống nhất các đơn vị Bộ đội Quốc phòng, Công an Biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành Công an nhân dân vũ trang (CANDVT).
Tại buổi lễ thành lập ngày 28/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự và huấn thị: “Đoàn kết cảnh giác; Liêm chính, kiệm cần; Hoàn thành nhiệm vụ; Khắc phục khó khăn; Dũng cảm trước địch; Vì nước quên thân; Trung thành với Đảng; Tận tụy với dân”.
Tiếp đó, ngày 2/3/1962, tại Đại hội Chiến sĩ thi đua Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) toàn quốc lần thứ nhất, Bác Hồ đến dự, biểu dương thành tích và tặng cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng bài thơ:
“Non xanh nước biếc trùng trùng/ Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao/ Núi cao sự nghiệp càng cao/ Biển sâu chí khí ta soi vào càng sâu/ Thi đua ta quyết giật cờ đầu”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Đại hội Chiến sĩ thi đua lần thứ nhất của lực lượng CANDVT, năm 1962 |
Ngay từ khi mới ra đời, lực lượng CANDVT (nay là Bộ đội Biên phòng) vừa làm tốt nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, các mục tiêu kinh tế, xã hội trọng yếu, đồng thời triển khai nhiệm vụ bảo vệ biên giới.
Lớp lớp cán bộ, chiến sĩ CANDVT rời đồng bằng, thành phố tiến lên vùng cao biên giới, tiến ra biển đảo, lập đồn, dựng trạm, bám đất, bám dân, xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp đỡ đồng bào ổn định sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng chính quyền cách mạng, xây dựng “Lũy thép biên phòng nhân dân”.
Những ngày đầu thành lập và xây dựng lực lượng Công an nhân dân vũ trang (ngày nay là Bộ đội Biên phòng). |
Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị thay mặt Đảng, Nhà nước trao Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (lần thứ nhất) tặng lực lượng CANDVT, ngày 2/3/1979. |
Những ngày đầu tiến hành triển khai nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng lực lượng, CANDVT trên các tuyến biên giới, giới tuyến miền Bắc đã nêu cao tinh thần cảnh giác, mưu trí, sáng tạo, vận dụng đúng đắn đường lối chính trị, quân sự, tấn công trấn áp bọn phản cách mạng, kết hợp chặt chẽ giữa vận động chính trị với các biện pháp nghiệp vụ và chiến đấu vũ trang.
Đồng thời, CANDVT cùng với các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương tích cực chiến đấu, kịp thời phát hiện, bắt gọn nhiều toán gián điệp, biệt kích, đập tan nhiều vụ nổi phỉ, xưng vua, gây bạo loạn vũ trang ở khu vực biên giới, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh, chính trị trong nội địa và trên các tuyến biên giới miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Trong giai đoạn bảo vệ biên giới, giới tuyến quân sự tạm thời, các mục tiêu trọng yếu ở nội địa, các đơn vị CANDVT vừa tham gia chống chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, vừa làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào; chi viện cho cách mạng miền Nam diệt ác, phá kìm, bảo vệ Trung ương Cục, bảo vệ vùng giải phóng.
Tiểu đội của đồng chí Vũ Hồng Ca (Đồn 303, CANDVT tỉnh Lai Châu) chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tháng 2/1979 |
Các đơn vị đã phối hợp với các lực lượng mưu trí, dũng cảm, ngoan cường dùng súng bộ binh trực tiếp bắn rơi 219 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, tháo gỡ nhiều bom, mìn, thủy lôi mở luồng ra biển, bảo vệ hằng ngàn tàu thuyền của ngư dân bám biển sản xuất. Tiêu biểu là các đơn vị: Đồn Hiền Lương, Đồn Cù Bai (CANDVT tỉnh Quảng Trị), Trạm Cửa Hội, Trạm Nậm Cắn (CANDVT tỉnh Nghệ An), Đồn cảng Hòn Gai, Đồn cảng Cửa Ông (CANDVT tỉnh Quảng Ninh)...
Ở miền Nam, lực lượng an ninh vũ trang chiến đấu trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, ác liệt; được sự chi viện của miền Bắc, các chiến sĩ an ninh vũ trang đã lập được nhiều chiến công hiển hách, bảo vệ an toàn tuyệt đối các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục; luồn sâu vào lòng địch, diệt ác trừ gian, hỗ trợ quần chúng nổi dậy, phá thế kìm kẹp, bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng; góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thay mặt Đảng, Nhà nước trao Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (lần thứ hai) cho lực lượng Bộ đội Biên phòng, ngày 2/3/2009. |
Năm 1975, đất nước thống nhất, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia phát triển trong điều kiện mới. Lần đầu tiên lực lượng CANDVT đã tổ chức triển khai đồn, trạm hình thành hệ thống bảo vệ biên giới, bờ biển dài hơn 8.000 km, thống nhất trên phạm vi cả nước. Trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, một lần nữa lực lượng CANDVT đã nêu cao ý chí kiên cường, dũng cảm, tinh thần độc lập dân tộc, phối hợp với các lực lượng, lập nhiều chiến công xuất sắc; được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, hằng nghìn cán bộ, chiến sĩ được khen thưởng với nhiều hình thức.
Từ khi đất nước chuyển sang thời kỳ đổi mới, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia rất toàn diện, phức tạp, đòi hỏi phải có sự đổi mới đồng bộ, toàn diện cả về chủ trương, đối sách, biện pháp nghiệp vụ và bố trí, sử dụng lực lượng.
Nắm chắc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, báo cáo đề nghị Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, đối sách và hệ thống văn bản pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới như: Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, Luật Biên giới quốc gia, đặc biệt là Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia” và Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020.
Những cống hiến, hy sinh thầm lặng của người lính Biên phòng trong thời bình. |
Thông qua đó đã đổi mới mạnh mẽ các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, phát hiện, xử lý đúng đắn, kịp thời hằng trăm nghìn vụ vi phạm biên giới, vùng biển; vừa kiên quyết giữ vững chủ quyền lãnh thổ, xây dựng biên giới hoà bình hữu nghị với các nước láng giềng, vừa tăng cường thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về biên giới quốc gia, tạo môi trường thông thoáng, phục vụ tốt chủ trương mở cửa, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế.
Trên mặt trận giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ biên giới, vùng biển, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã tích cực rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, tinh thông về nghiệp vụ, nắm chắc pháp luật; đổi mới, nâng cao các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, biển đảo.
Với khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” và phương châm “Bám trụ, bám dân, bám địa bàn”, thực hiện “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”; hình ảnh các “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Chiến sĩ tuyên truyền văn hoá”, “Cán bộ tăng cường xã”... đã thực sự chiếm trọn tình cảm, sự tin yêu và quý mến của nhân dân cả nước, nhất là đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, biển đảo, làm toả sáng phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
Thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại của Đảng. Mềm dẻo, linh hoạt trong đối sách nhưng kiên quyết cứng rắn về nguyên tắc, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc; tham mưu đẩy mạnh hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, kết nghĩa giữa các đơn vị Bộ đội Biên phòng Việt Nam với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu nước láng giềng, tạo sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, của tuyến sau hướng về tuyến trước phục vụ nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, ngày 22/2/1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định về tổ chức “Ngày Biên phòng”; tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Biên giới quốc gia năm 2003, trong đó quy định lấy ngày 3/3 hằng năm là “Ngày Biên phòng toàn dân”.
Từ đó, Ngày Biên phòng toàn dân đã trở thành ngày hội của đồng bào các dân tộc nơi biên giới, gắn với thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, với gần 2.000 tổ tự quản, 46.000 hộ gia đình và trên 96.000 cá nhân đăng ký tự quản đường biên, mốc quốc giới; hơn 3.000 tổ tàu thuyền đoàn kết; 400 bến, bãi an toàn và hơn 16.000 tổ an ninh, trật tự.
Cùng với đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã ký quy chế, chương trình phối hợp với hơn 20 ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; 44 tỉnh, thành phố biên giới và các đơn vị Quân đội. Tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tuyến sau, địa bàn nội địa kết nghĩa, đỡ đầu các cơ quan, đơn vị trên biên giới.
Nhiều chương trình hoạt động hướng về biên giới được tổ chức thường xuyên, hiệu quả như “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; “Mái ấm người nghèo nơi biên giới”, “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”... Triển khai nhiều hoạt động đối ngoại biên phòng ý nghĩa trên các tuyến biên giới, góp phần củng cố, tăng cường, phát triển tình đoàn kết, hữu nghị giữa lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới và nhân dân hai bên biên giới.
Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị. Nguồn video: Điện ảnh Biên phòng |
Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với cấp ủy các địa phương thực hiện hiệu quả Kết luận số 68 của Ban Bí thư, triển khai 688 lượt cán bộ Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã; 229 đồng chí tham gia Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã; đang tăng cường 289 cán bộ cho các xã biên giới; giới thiệu hơn 2.000 đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt đảng tại các chi bộ thôn, bản biên giới và phân công gần 9.000 đảng viên phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới.
Bộ đội Biên phòng cũng triển khai nhiều phong trào, chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xã hội, như “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”; “Thầy giáo quân hàm xanh”; “Thầy thuốc quân hàm xanh”; “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”... Trực tiếp cùng địa phương củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của địa phương; xây dựng khu vực biên giới từng bước ổn định và phát triển.