Trí thức trẻ làm phó chủ tịch xã: Nụ cười ngày đi - băn khoăn ngày về - Bài cuối:

600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch: Bộ Nội vụ nói gì?

Đội viên Đề án 600 Đinh Thế Anh (SN 1985, dân tộc Mường) - Phó Chủ tịch xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, Sơn La, hướng dẫn người dân trồng và thu hoạch chè. Ảnh: Xuân Tùng.
Đội viên Đề án 600 Đinh Thế Anh (SN 1985, dân tộc Mường) - Phó Chủ tịch xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, Sơn La, hướng dẫn người dân trồng và thu hoạch chè. Ảnh: Xuân Tùng.
TP - Đề án 600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch (PCT) ở những xã đặc biệt khó khăn thuộc 63 huyện nghèo nhất cả nước đang ở những năm cuối với những nỗi lo đầu ra vì công tác cán bộ rất khác biệt ở nhiều địa phương mà PV Tiền Phong đã tìm hiểu, phản ánh. Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ), Giám đốc Ban quản lý Đề án 600 PCT xã đồng thời là cơ quan soạn thảo và thực hiện Đề án trả lời phỏng vấn Tiền Phong.

Ông Vũ Đăng Minh cho biết, có nhiều trí thức trẻ với những đề án phát triển kinh tế, văn hóa xã hội đã góp phần làm thay đổi cuộc sống dân nghèo, được cấp ủy và chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao; bản thân họ được tạo điều kiện trọng dụng và phát triển. Tuy nhiên, có không ít địa phương chưa thực sự nhìn nhận đúng để có cơ chế, chính sách trọng dụng cán bộ, còn mang nặng tính địa phương, cục bộ... ảnh hưởng tới việc phát triển, công tác của các đội viên thực hiện đề án.

Chỉ quy hoạch Đảng viên

Thưa ông, những đội viên của Đề án được bổ nhiệm làm PCT xã tăng cường, vậy họ đã chính thức trở thành biên chế trực thuộc xã hay chưa?

Theo Quyết định số 08/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường cán bộ cho các xã thuộc huyện nghèo để thực hiện Nghị quyết số 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (nay là 64 huyện), thì các đội viên Dự án được tăng cường về PCT UBND xã thuộc biên chế nhà nước, nhưng không nằm trong số lượng cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Đánh giá về kết quả công tác đến hết năm 2014 của đội viên tham gia Đề án tại tất cả các tỉnh thế nào, xếp loại đánh giá cụ thể về các cấp độ hoàn thành nhiệm vụ của họ ra sao?

Tính đến hết năm 2014, có 575 đội viên  Đề án (có 5 đội viên không tiếp tục công tác ở xã do một người chuyển công tác về huyện, một đội viên mất do bệnh hiểm nghèo và 3 đội viên xin rút khỏi Đề án vì lý do sức khỏe) được cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức đánh giá, phân loại việc thực hiện nhiệm vụ năm 2014, kết quả cụ thể như sau:  Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có 183 đội viên; Hoàn thành tốt nhiệm vụ có 358 đội viên; Hoàn thành nhiệm vụ có 32 đội viên; Không hoàn thành nhiệm vụ có 2 đội viên. Như vậy, có 541/575 đội viên (chiếm 94,09%) được cấp ủy, chính quyền xã đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Hiện nay, sau Đại hội Đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua, có bao nhiêu đội viên được giới thiệu đưa vào danh sách bầu cử Đại hội Đảng ủy cấp xã, bao nhiêu đội viên trúng cử vào BCH Đảng ủy xã, thưa ông?

Kết quả Đại hội Đảng cơ sở của 20 tỉnh thuộc phạm vi thực hiện Dự án đã có 153 đội viên Dự án đủ điều kiện và được giới thiệu tham gia cấp ủy, cả 153 PCT xã (đạt 100%) trúng cử BCH Đảng ủy xã nhiệm kỳ 2015-2020. Tuy nhiên, con số được giới thiệu và trúng cử chiếm 26,6% trên tổng số 575 đội viên hiện đang công tác.

Thưa ông, tính đến thời điểm này, việc thực hiện quy hoạch các chức danh đối với các trí thức trẻ làm PCT xã của Đề án được các địa phương thực hiện ra sao?

Đội viên được quy hoạch vào chức danh lãnh đạo cao hơn (Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng cấp huyện; Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND xã) có 258 người. Đội viên tiếp tục được quy hoạch giữ chức danh Phó Chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ 2016-2021 có 190 người. Đội viên chưa được quy hoạch có 127 người. Lý do, vì tính đến thời điểm quy hoạch có một số đội viên chưa phải là đảng viên hoặc đang là đảng viên dự bị nên chưa được đưa vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý.

Như vậy, có 448/575 đội viên (chiếm 77,9%) được tiếp tục bố trí làm PCT xã và quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo cao hơn.

600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch: Bộ Nội vụ nói gì? ảnh 1

Ông Vũ Đăng Minh.

Địa phương chủ động quy hoạch, bổ nhiệm

Tính tới điểm mới nhất hiện có, vị trí công tác của các đội viên có sự thay đổi thế nào, có bao nhiêu PCT xã thay đổi vị trí công tác, chức vụ sau khi thay đổi ra sao, ông đánh giá thế nào về sự thay đổi này?

Tôi đánh giá rất cao các địa phương trong thời gian qua đã tích cực, chủ động thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các hướng dẫn của Ban Tổ chức T.Ư và Bộ Nội vụ về công tác quy hoạch, bố trí và sử dụng đội viên Đề án 600 PCT trong và sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Văn bản số 2875/BNV-CTTN ngày 15/7/2014.

Ngoài việc bầu, phê chuẩn chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã và quy hoạch cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 đội viên Đề án nêu trên, đến tháng 9/2015 có 4 đội viên Đề án được bố trí vào chức vụ Phó trưởng phòng cấp huyện và có 16 đội viên được bầu vào chức vụ Chủ tịch UBND xã.

Tại sao một số tỉnh bổ nhiệm, tiếp nhận các đội viên ở vị trí công tác mới một cách nhanh chóng, thuận tiện trong khi ở một số tỉnh (điển hình như Sơn La) luôn coi các PCT xã là “người của trung ương” đưa về nên phải chờ kết thúc dự án và quyết định tiếp theo của Chính phủ? Bộ Nội vụ tham vấn cho Thủ tướng Chính phủ giải quyết vấn đề này ra sao, thưa ông?

Trình tự, thủ tục điều chuyển công tác từ chức vụ PCT xã lên Chủ tịch xã hoặc cao hơn được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức HĐND, Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, các địa phương hoàn toàn chủ động trong việc bố trí cán bộ và chỉ báo cáo Bộ Nội vụ để theo dõi, tổng hợp chung.

Hiện, Bộ Nội vụ đang xin ý kiến của Bộ Chính trị, Thủ tướng về hướng giải quyết chính sách đối với Đề án sau khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực. Sau khi Bộ Chính trị có thông báo kết luận, sẽ có hướng giải quyết cụ thể nhất cho các đội viên dự án còn lại.

Cảm ơn ông.

Không để bế tắc đầu ra

Bên cạnh những mặt tích cực của Đề án 600 trí thức trẻ làm PCT xã ở những vùng đặc biệt khó khăn, Đề án còn hạn chế như bị động về nguồn cán bộ ở địa phương khi các PCT xã được tuyển chọn, đào tạo bài bản chỉ được sử dụng ở dạng tăng cường mà không thuộc biên chế chính thức ở các xã nơi họ công tác. 

Vì thế, Ban Quản lý Đề án trung ương cần đề xuất Chính phủ cho phép tăng thêm một biên chế PCT xã thuộc diện hưởng chính sách 30a của Chính phủ hoặc bố trí cho những trí thức trẻ sau khi kết thúc Đề án không còn ở cương vị PCT xã sẽ trở thành những công chức chuyên môn ở xã, tránh tình trạng lãng phí năng lực, chuyên môn của những cán bộ trẻ. Không thể để những đội viên tham gia Đề án hoang mang không biết tương lai đi đâu, về đâu, bế tắc đầu ra như hiện nay.

Ông La Vinh Quang, Bí thư Đảng ủy xã Quế Sơn, huyện Sơn Động (Bắc Giang)

Hà Thanh (ghi)

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.