Theo bà Minh, những năm gần đây, tình trạng DN chây ì, cố tình nợ đọng BHXH, BHYT đang ngày càng phổ biến. “Việc DN nợ đọng kéo dài sẽ gây bất ổn cho Quỹ BHXH, BHYT ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ”, bà Minh nói.
Theo bà Minh, tính đến hết tháng 6/2015, số tiền nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT khoảng 8.000 tỷ đồng; trong đó, nợ BHXH gần 6.000 tỷ đồng (chiếm 76%), còn lại là nợ BHYT và bảo hiểm thất nghiệp.
Ông Đỗ Văn Sinh, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, trong 5 năm gần đây, ngành BHXH đã khởi kiện trên 5.000 vụ nợ BHXH, BHYT, tổng số tiền thu được gần 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng nợ đóng BHXH, BHYT vẫn đang phổ biến, diễn ra ở nhiều DN và ở tất cả các địa phương.
Theo ông Sinh, tình trạng DN nợ đọng BHXH, BHYT đang có xu hướng gia tăng. “Nếu không sớm có biện pháp quyết liệt buộc chủ sử dụng lao động nghiêm túc tuân thủ pháp luật về BHXH, đến năm 2020, sẽ khó đạt mục tiêu trên 50% số NLĐ tham gia BHXH và trên 80% đối tượng tham gia BHYT”, ông Sinh nói.
Theo ông Sinh, nguyên nhân dẫn đến số nợ đọng BHXH, BHYT tăng cao chủ yếu do hoạt động của DN đang khó khăn, nhiều DN giải thể, ngừng hoạt động.
Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đối với các đơn vị sử dụng lao động còn bất cập. Một số đơn vị, DN chiếm dụng vốn từ khoản thu BHYT, BHXH của NLĐ đầu tư vào mục đích khác, không hợp tác với cơ quan BHXH để giải quyết chế độ đối với NLĐ.
Ông Sinh cũng cho biết, việc quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH, BHYT thấp hơn mức lãi suất của ngân hàng, vô tình khuyến khích DN cố tình nợ tiền BHXH, BHYT nhằm chiếm dụng.
“Hiện, cả nước có trên 300 nghìn DN hoạt động, nhưng cơ quan BHXH chỉ quản lý được khoảng 150 nghìn đơn vị đăng ký tham gia BHXH. Tức khoảng 50% số DN đang trốn đóng BHXH, BHYT cho NLĐ”, ông Sinh cho biết.