Theo TTCP, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban TƯMTTQ Việt Nam - Nguyễn Thiện Nhân về việc triển khai thanh tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT (gọi tắt là bảo hiểm) tại các doanh nghiệp, TTCP đã thanh tra trực tiếp 68 doanh nghiệp (61 doanh nghiệp nhà nước, 7 doanh nghiệp có vốn nước ngoài); còn Thanh tra các tỉnh (60 tỉnh) tiến hành thanh tra 1.193 doanh nghiệp.
Kết quả thanh tra cho thấy, toàn bộ 1.261 doanh nghiệp được thanh tra đều có hành vi chậm đóng bảo hiểm với thời gian chậm đóng kéo dài; tổng số nợ bảo hiểm kể cả lãi chậm đóng của các doanh nghiệp đến thời điểm thanh tra là 1.440 tỷ đồng. Riêng 68 doanh nghiệp do TTCP tiến hành, số nợ là gần 360 tỷ đồng.
Đáng chú ý, quá trình thanh tra đã phát hiện nhiều chiêu trò né đóng bảo hiểm cho người lao động của doanh nghiệp, như: không đóng đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm; trốn đóng, đóng thiếu thời gian của người lao động. Thậm chí các doanh nghiệp còn dùng chiêu ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng nhiều lần để không phải đóng bảo hiểm cho người lao động. Qua đó, cơ quan thanh tra yêu cầu truy thu hơn 67 tỷ đồng tiền bảo hiểm của 13.584 người mà các doanh nghiệp trốn đóng.
Cũng theo TTCP, hầu hết doanh nghiệp được thanh tra chưa thực hiện việc xây dựng thang lương, bản lương và định mức lao động làm cơ sở trả lương và đóng bảo hiểm cho người lao động. Đặc biệt, có một số doanh nghiệp trích trừ tiền lương, tiền công của người lao động để đóng bảo hiểm song không đóng hoặc không đóng hết cho cơ quan BHXH mà chiếm dụng, sử dụng vào mục đích khác.
Mặt khác, nhiều người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu, nghỉ mất sức nhưng chưa được giải quyết kịp thời; không được hưởng chế độ bảo hiểm khi khám chữa bệnh, ốm đau, thai sản; người lao động thất nghiệp nhưng không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp… TTCP khẳng định, những vi phạm pháp luật về bảo hiểm của các doanh nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.
Trong khi ý thức chấp hành pháp luật về bảo hiểm của các doanh nghiệp chưa nghiêm thì công tác quản lý các doanh nghiệp của BHXH của một số, tỉnh thành còn hạn chế, chưa sâu sát; công tác kiểm tra và xử lý sai phạm chưa được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm thực hiện. Theo báo cáo kết quả thanh tra của các tỉnh, thành phố, chỉ có 22 địa phương có báo xử phạt vi phạm hành chính đối với 98 doanh nghiệp vi phạm quy định về đóng BHXH bắt buộc với số tiền hơn 4 tỷ đồng. TTCP đánh giá, việc thực hiện chế tài xử phạt đối với doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH còn thấp, thiếu kiên quyết, chưa đủ sức răn đe là một phần nguyên nhân còn nhiều doanh nghiệp vi phạm.
- Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo số 5416 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý sau thanh tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT.
Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục chỉ đạo, tăng cường phối hợp trong việc giám sát thực hiện chính sách BHXH, BHYT; đồng thời tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, người lao động chấp hành tốt chính sách pháp luật BHXH, BHYT.
-TTCP cho biết: có 34 doanh nghiệp không chấp hành, phối hợp với các đoàn thanh tra, không đến dự công bố quyết định thanh tra, không chuẩn bị báo cáo, tài liệu theo yêu cầu.